Thứ năm, 28/03/2024 19:01 (GMT+7)

Động đất ở Indonesia: Người chết liên tục tăng, bệnh dịch hoành hành

MTĐT -  Thứ bảy, 06/10/2018 20:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

8 ngày sau khi thảm hoạ động đất, sóng thần xảy ra ở TP. Palu số người thiệt mạng đã lên tới 1.649 người và hơn 1.000 người được cho là vẫn đang mất tích.

Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Cơ quan Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai Quốc gia Indonesia Sutopo Purwo Nugroho cho biết: “Tính đến đêm 5/10, đã có 1.649 người chết do động đất và sóng thần. Đa phần các nạn nhân thiệt mạng đều ở Palu do sóng thần tập trung tại các khu vực vùng biển Talise”.

Trong khi đó, ông Sutopo Purwo Nugroho, cho biết thêm số người bị thương là 2.549 trường hợp và 265 người vẫn đang mất tích.

Cơ quan Quản lý thiên tai quốc gia Indonesia cũng ghi nhận số lượng người phải sơ tán hiện lên tới 62.359 người, trải rộng trên 147 điểm sơ tán, gần 67.000 ngôi nhà bị hư hại.

Trong khi đó, tình trạng quá tải ở các trại sơ tán tại chỗ đã diễn ra và sự thiếu thốn, khó khăn trong sinh hoạt vì tất cả đời sống của người dân phải dựa vào hàng viện trợ, trong khi thành phố không đủ điện, nước, và giao thông, vận tải vẫn đang bị chia cắt chưa thể khôi phục.

Lực lượng cứu hộ vẫn đang tích cực tìm kiếm những nạn nhân mất tích. 

Khoảng 5.000 người từ Palu và Donggala, tỉnh Trung Sulawesi đã được sơ tán đến Tây Sulawesi và Nam Sulawesi. Dự báo dòng người sơ tán sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những ngày tới.

Ngày thứ 8 sau khi thảm họa xảy ra, hy vọng tìm thấy người sống sót càng mong manh hơn, dù vậy, cơ quan chức năng Indonesia vẫn tiếp tục cuộc tìm kiếm.

Đội tìm kiếm phải tiêm phòng vì phần lớn các thi thể tìm thấy đã không còn nguyên vẹn và đang bị phân huỷ mạnh. Tại hai ngôi làng Petobo và Balaroa, nơi gần như bị xoá sổ sau thảm hoạ vẫn còn số lượng lớn thi thể có khả năng đang bị chôn vùi.

“Không còn người sống ở đây. Chúng tôi chỉ tìm thấy thi thể, ngày nào cũng vậy” - Sergeant Syafaruddin, làm nhiệm vụ cứu hộ tại hai thị trấn của Palu cho biết.

Yusuf Latif - phát ngôn viên của nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn của Indonesia chia sẻ từ Palu: “Hầu hết các thi thể chúng tôi tìm thấy đều không còn nguyên vẹn và gây nguy hiểm cho những người cứu hộ. Chúng tôi phải hết sức thận trọng để tránh bị lây nhiễm”.

Tất cả chì còn đống đổ nát. 

Theo ông, giới chức đã tiêm phòng cho các đội cứu hộ nhưng vẫn cần thận trọng hơn nữa khi tiếp xúc với những mối nguy hiểm cho sức khỏe của các nhân viên cứu hộ.

“Đây cũng là một mối lo ngại cho cộng đồng. Rất khó để kiểm soát đám đông. Mọi người có thể bị đặt trong mối nguy hiểm” - ông nói.

Một nhóm chuyên gia cứu hộ của Pháp được triển khai tới Indonesia, hôm nay cũng bắt đầu tìm kiếm thi thể các nạn nhân từ những đống bùn đất ngổn ngang.

Ông Arnaud Allibert, một thành viên nhóm cứu hộ cho biết: “Tôi nghĩ chúng tôi sẽ tiếp tục tìm thấy nhiều thi thể bị chôn vùi dưới đống bùn đất. Hoạt động tìm kiếm rất phức tạp do lượng bùn đất hóa lỏng lớn đã nuốt chửng nhiều ngôi nhà. Có thể phải mất từ 4-5 tháng để dọn dẹp đống bùn đất này, với sự hỗ trợ của máy móc hạng nặng”.

Hôm 6/10, Liên Hợp Quốc cho biết tổ chức đang huy động 50,5 triệu USD để trợ giúp "ngay lập tức" cho các nạn nhân tại Indonesia. Sau nhiều ngày bị trì hoãn, viện trợ của cộng đồng quốc tế cũng đã đến vùng chịu ảnh hưởng nặng nề sau thảm họa kép, khu vực ước tính có hơn 200.000 người cần sự trợ giúp. Chính quyền Indonesia bị chỉ trích vì chậm trễ trong việc nhận viện trợ từ nước ngoài.

Việc tiếp nhận viện trợ của Indonesia cũng gặp nhiều khó khăn khi sân bay tại thành phố Palu có công suất nhỏ, số chuyến bay tiếp cận được khu vực còn hạn chế. Hàng hóa buộc phải được vận chuyển bằng đường bộ nên mất nhiều thời gian để đến tay các nạn nhân.

Lực lượng cứu hộ đối mặt với tình trạng thiếu thốn thiết bị hạng nặng, các liên kết giao thông bị đứt đoạn và quy mô thiệt hại quá lớn. Văn phòng Liên Hợp Quốc về Điều phối Nhân đạo cho biết công việc của đội ngũ cứu hộ được dự đoán còn gặp nhiều khó khăn khi một số khu vực chỉ vừa tiếp cận được gần đây.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Động đất ở Indonesia: Người chết liên tục tăng, bệnh dịch hoành hành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.