Thứ tư, 17/04/2024 01:42 (GMT+7)

Điều gì đã giúp Thụy Điển trở thành quốc gia sạch nhất thế giới?

MTĐT -  Thứ năm, 15/11/2018 15:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với hệ thống tái chế xử lý rác thải hiện đại và hiệu quả, Thủy Điển đã tái chế thành công 99% lượng rác thải và chỉ có 1% rác từ các hộ gia đình bị thải ra môi trường.

Chỉ có 1% rác bị thải ra môi trường

Thủy Điển là một trong những quốc gia đi đầu thế giới trong xử lý rác thải, bảo vệ môi trường hiện nay. Trong khi xử lý rác đang là vấn đề với nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả các nước phát triển thì tại đất nước Bắc Âu này, xử lý rác được coi là một ngành kinh tế với sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. 

Tại Malmo, thành phố lớn thứ 3 Thụy Điển, đến 60% lượng điện tiêu thụ và nhiệt cung cấp cho hệ thống sưởi tại đây lại đang được cung cấp từ một nhà máy tái chế rác thải. Công ty xử lý rác thải Sysav được quản lý bởi 16 thành phố phía Nam Thụy Điển, xử lý rác thải trong khu vực và cũng cung cấp nhiên liệu cho chính các thành phố này.

Hệ thống tái chế xử lý rác hiệu quả ấy đã giúp cho Thụy Điển trở thành nước đầu tiên trên thế giới tái chế được đến 99% lượng rác thải của mình. Chỉ có 1% rác từ các hộ gia đình bị thải ra môi trường.

Công nghệ phát triển đến mức nước này đang phải nhập khẩu rác từ các nước khác để có đủ nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động. Các sà lan chở rác vẫn cập cảng Malmo hàng tuần. Rác đến từ Anh và nhiều nước châu Âu khác.

55% rác được đốt trở thành nguồn cung cấp điện và khí sưởi, phần còn lại tái chế thành nguyên vật liệu mới hoặc thành phân bón sinh học, khí sinh học.

Quốc gia yêu rác nhất châu Âu

Do vị trí địa lý, người Thụy Điển sử dụng rác như một nguồn nhiên liệu giá rẻ thay cho xăng dầu, than đá để chạy các nhà máy nhiệt điện, tạo năng lượng sưởi ấm cho các hộ dân trong những mùa đông khắc nghiệt.

Dự kiến, Thụy Điển sẽ nhập khẩu khoảng 2,3 triệu tấn rác thải vào năm 2020. Ảnh: iStock.

Chính phủ Thụy Điển cho biết nước này dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 2,3 triệu tấn rác thải vào năm 2020 để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp nhiệt điện và tái chế. Đây là điều dễ hiểu khi nhiều quốc gia Châu Âu có mùa đông rất khắc nghiệt và cần nhiệt lượng để sưởi ấm.

Năm 2014, Thụy Điển phải nhập khẩu thêm 800.000 tấn rác thải từ Na Uy nhằm phục vụ cho các nhà máy năng lượng đốt rác, cao hơn con số 550.000 tấn của năm 2010. Không những thế, nước này còn phải nhập thêm 100.000 tấn rác từ các nước châu Âu xung quanh, đặc biệt là Anh bởi lượng rác 435.000 tấn hàng năm của nước này không đủ cho các nhà máy nhiệt điện.

Phân loại rác

Ở Thụy Điển, chuyện mỗi hộ gia đình có đến 6-7 loại thùng rác trong nhà để phân loại rác từ nguồn là điều khá bình thường. Theo đó, các hộ gia đình phân loại báo giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh, bóng đèn và pin. Các món đồ lớn hơn như đồ nội thất hay điện tử thì người Thụy Điển đem tới các trung tâm tái chế đặc biệt bên ngoài các thành phố.

Ngoài chuyện bảo vệ môi trường có sự phối hợp từ ý thức của người dân, công nghệ xử lý rác thải hiện đại và hiệu quả cũng là điểm đáng chú ý của quốc gia Bắc Âu này.

Người dân Thụy Điển ý thức cực kỳ cao trong việc phân loại rác thải. 

Trạm tái chế rác ở khắp mọi nơi

Theo quy định, cứ mỗi khu dân cư sẽ có một trạm tái chế rác cách đó chưa tới 1,6km.

Không vứt thuốc còn dư

Đối với thuốc uống chưa hết, thay vì vứt chai thuốc vào thùng rác, 43% người Thụy Điển đem số thuốc còn sót lại cho các nhà thuốc để họ đưa đi xử lý an toàn.

Quần áo đã mặc “đổi” giảm giá

Năm ngoái, siêu thương hiệu H & M của Thụy Điển đã phát động chiến dịch toàn cầu cho phép mọi người đem quần áo cũ tới đổi để được giảm giá. Theo đó cứ mỗi túi đựng quần áo đã mặc qua, H & M giảm giá cho khách 7,80 USD khi mua sắm món hàng trị giá ít nhất 52 USD, theo Bloomberg. Công ty sau đó dùng số quần áo khách đem tới làm ra các loại quần áo thân thiện môi trường.

Đánh thuế nặng với xăng dầu

Để làm được những điều này, ngoài ý thức cực cao của người dân, chính phủ Thụy Điển cũng có những động thái nhằm thúc đẩy định hướng phát triển năng lượng sạch bảo vệ môi trường.

Thụy Điển là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đánh thuế nặng lên xăng dầu vào năm 1991 và hiện gần 50% lượng điện của nước này là năng lượng tái chế.

Vấn đề môi trường, rác thải và tái chế đã được chính phủ nước này quan tâm và quy hoạch từ những năm 1900. Cụ thể, nhà máy nhiệt điện đốt rác đầu tiên đã được xây dựng ở Thụy Điển vào năm 1904 và hiện quốc gia này đã có khoảng 32 nhà máy như vậy, qua đó cung cấp nhiệt sưởi cho 810.000 hộ dân (gần 50% dân số) cũng như cung cấp điện năng cho 250.000 hộ gia đình.

Tính đến năm 2012, hơn 2 triệu tấn rác ở Thụy Điển được đốt mỗi năm nhằm cung cấp nhiệt lượng và điện năng cho người dân nước này.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Điều gì đã giúp Thụy Điển trở thành quốc gia sạch nhất thế giới?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Pakistan: Lũ lụt và sét đánh khiến 49 người thiệt mạng
Tính tới ngày 16/4, các quan chức Pakistan cho biết sét và mưa dông lớn gây lũ lụt đã khiến ít nhất 49 người trên phạm vi toàn quốc thiệt mạng trong vòng 3 ngày qua, buộc chính quyền phía tây nam nước này ban bố tình trạng khẩn cấp.
Miền Đông Tây Ban Nha cháy rừng dữ dội
Ngày 15/4, giới chức Tây Ban Nha cho biết trong điều kiện nhiệt độ cao bất thường, một trận cháy rừng đã thiêu trụi 500 ha đất tại miền Đông nước này và buộc 180 người phải sơ tán.

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.