Thứ sáu, 29/03/2024 12:52 (GMT+7)

Hà Nội: Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 88/2007/NĐ-CP

MTĐT -  Thứ tư, 03/07/2013 11:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hôm nay, ngày 3/7/2013, Hội thảo Góp ý dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 88/2007/NĐ-CP về Thoát nước đô thị và khu công nghiệp đã được tổ chức tại Khách sạn Melia, Hà Nội.

Ông Cao Lại Quang - Thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam; Ông Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng; cùng lãnh đạo, đại diện các công ty Thoát nước đã về tham dự.

Sau 5 năm kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2007/NĐ-CP về thoát nước đô thị và khu công nghiệp, trên cơ sở báo cáo, đánh giá của các địa phương và của các Bộ ngành theo chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Bộ Xây dựng đã tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế NĐ.

Về những kết quả đạt được:

Trong những năm vừa qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ ngành và chính quyền đô thị các cấp, hệ thống thoát nước đô thị và khu công nghiệp đã được đầu tư, xây dựng, cải tạo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư đô thị. Nghị đinh 88 đã ban hành các văn bản hương dẫn Nghị định hoặc các văn bản có liên quan để tổ chức, triển khai thực hiện như: Thông tư số 09/2009/TT-BXD ngày 21/5/2009 của Bộ Xây dựng; Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ; Thông tư 08/2009/TT-BTNTN ngày 15/7/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường…

Nghị định 88 cũng đã xây dựng các định hướng, chiến lược, quy hoạch có liên quan đến thoát nước và xử lý nước thải đồng thời ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải như: QCVN 01:2008/BXD về quy hoạch xây dựng; QCVN 07:2010/BXD về các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; QCVN 14:2008/BTNMT - quy chuẩn quốc gia về nước thải sinh hoạt; QCVN 40:2011 về nước thải công nghiệp…

Bên cạnh đó còn đề ra những quy định về quản lý hoạt động thoát nước tại các địa phương; Đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải; Quy định về chủ sở hữu, quản lý đơn vị thoát nước, quản lý vận hành hệ thống thoát nước, xử lý nước thải và Phí thoát nước.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế và bất cập như:

Thứ nhất: Tên gọi và phạm vi của Nghị định điều chỉnh tập trung vào đô thị và khu công nghiệp nhưng trong thực tế còn có cả khu vực nông thôn, làng nghề. Về bản chất, thoát nước và xử lý nước thải đều có những nét chung từ quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý…nhưng cho đến nay chưa có văn bản quy phạm điều chỉnh.

Thứ hai: Quy hoạch thoát nước trong phạm vi điều chỉnh chỉ tập trung ở đô thị, khu công nghiệp nhưng trong nội dung Nghị định lại quy định cả việc lập quy hoạch thoát nước vùng, liên vùng là chưa hợp lý. Mặt khác từ giai đoạn, thời gian lập, nội dung quy hoạch chưa phù hợp với quy định tại Luật xây dựng và Luật quy hoạch đô thị hiện hành.

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá triển khai thực hiện Nghị định 88 trong 5 năm qua, từ những thuận lợi, ưu điểm và những bất cập, hạn chế, Bộ Xây dựng đã đề xuất những nội dung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và thay thế NĐ88, cụ thể như:

Tên gọi và phạm vi điều chỉnh: sẽ bao gồm cả đô thị, khu công nghiệp, dân cư nông thôn tập trung và làng nghề thay cho chỉ bao gồm đô thị và khu công nghiệp trước đó. Như vậy, tên gọi sẽ là Thoát nước và xử lý nước thải để bao trùm cả đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung, khu kinh tế và làng nghề.

Loại quy hoạch và đối tượng lập quy hoạch: Phạm vi điều chỉnh là tập trung đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư nông thôn và làng nghề, không quy định quy hoạch thoát nước vùng…Trong NDD khuyến khích các đô thị loại II trở lên lập riêng và trong thực thế việc lập riêng đồ án có điều kiện nghiên cứu sâu hơn, đặc biệt xác định cụ thể được lưu vực thoát nước, phân vùng tách mạng, các khu vực xử lý phí tập trung thì tập trung rõ ràng hơn. Từ đó xác định mạng lưới, các công trình đầu mối làm cơ sở lập dự án đầu từ xây dựng sẽ có tính khả thi hơn.

Đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước: Từ trước đến nay, dịch vụ thoát nước là dịch vụ công ích chứ chưa có nhà đầu tư từ các thành phần kinh tế vì đặc thù của nó là vốn đầu tư lớn, thu hồi lại chậm và có nhiều rủi ro. Vì vậy để khuyến khích các thành phần tham gia, trong quy định mới cần bổ sung cụ thể các chính sách, cơ chế ưu đãi cho lĩnh vực này.

Quy định về chủ sở hữu: Nên tập trung vào đầu mối mới là UBND cấp tỉnh, vì đây là cơ quan có đủ quyền cũng như có các bộ máy, con người để chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và có thể phân cấp, ủy quyền cho chính quyền đô thị nếu đủ năng lực.

Giá dịch vị thoát nước, xử lý nước thải và phí sử dụng dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải: Gía dịch vụ là giá mà chủ sở hữu hệ thống thoát nước phải thanh toán cho đơn vị thoát nước theo hợp đồng và phải được tính đúng, tính đủ.

Bên cạnh đó, một số nội dung mới sẽ được đề xuất nội dung cụ thể như: Quản lý thu gom, vận chuyển và xử lý bùn thải; Quản lý và xử lý nước thải sau xử lý; Quản lý và sử dụng nước mưa; Quy định quản lý hoạt động thoát nước địa phương...

Như vậy, Dự thảo Nghị định mới gồm có 8 chương, 66 điều với những quy định đầy đủ, cụ thể và chặt chẽ hơn so với NĐ88 trước. Trong đó:

Chương I: Quy định chung

Chương II: Quy hoạch thoát nước

Chương III: Đầu tư phát triển thoát nước

Chương IV: Quản lý, vận hành hệ thống thoát nước

Chương V: Đấu nối hệ thống thoát nước

Chương VI: Giá dịch vụ và phí sử dụng dịch vụ thoát nước

Chương VII: Trách nhiệm quản lý nhà nước

Chương VIII: Điều khoản thi hành.

Một số hình ảnh Hội thảo:

Bài và ảnh: XT

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 88/2007/NĐ-CP. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới