Thứ bảy, 20/04/2024 01:36 (GMT+7)

ĐỔI QUẢNG CÁO LẤY 1.000 NHÀ VỆ SINH: Giải pháp cho “chuyện tế nhị” ở Hà Nội

MTĐT -  Thứ năm, 11/08/2016 15:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(phapluatmoitruong.vn)- Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch diễn ra tại Hội An ngày 9.8, Chủ tịch TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đưa ra hai giải pháp để “tăng tốc” du lịch Hà Nội. Đó là Hà Nội sẽ rà soát và cho phép mở cửa các địa điểm vui chơi giải trí để du khách có thể vui chơi sau 12h đêm và đặc biệt là giải pháp cho vấn đề “tế nhị” của du khách mà lâu nay Hà Nội vẫn… bí: Đổi quảng cáo lấy 1.000 nhà vệ sinh công cộng.

Từ chuyện… tế nhị

Hà Nội vốn thanh bình, đẹp. Nhưng với nhiều du khách từ tỉnh xa và đặc biệt là du khách quốc tế thì Hà Nội bị “điểm trừ”: Thiếu nhà vệ sinh công cộng một cách trầm trọng.

Ít ai có thể tin rằng một thủ đô như Hà Nội mà hiện nay chỉ có khoảng 200 nhà vệ sinh công cộng trong đó có khoảng 170 nhà vệ sinh công cộng tập trung ở các quận nội thành như Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng. Không những thế, phần lớn các nhà vệ sinh này có từ thời… bao cấp, xập xệ, hôi hám và trở thành “nỗi ám ảnh” khó quên của nhiều du khách nước ngoài mỗi khi… nhớ về Hà Nội.

Cách đây không lâu, UBND TP cũng có chủ trương cho xã hội hóa một số nhà vệ sinh bằng việc cho các doanh nghiệp đầu tư. Hồi tháng 8.2015 Hà Nội tưng bừng khai trương nhà vệ sinh 5 sao đầu tiên Công ty CP đầu tư phát triển thương mại và bất động sản Thăng Long SP làm thí điểm ở số 38 Hàng Giầy. Nhà vệ sinh mát, sạch sẽ nhưng mỗi lần đi vệ sinh mất tối thiểu… 3.000 đồng. Nhà vệ sinh đặt ở Hàng Giầy gần như là trung tâm của đội “tây ba-lô” Hà Nội. Thế nhưng khách nước ngoài thích nhà vệ sinh sạch sẽ nhưng lại không có thói quen phải trả tiền bởi hầu hết nhà vệ sinh ở các nước khác là miễn phí. Chính vì thế sau giai đoạn đầu rầm rộ nhiều người đến xem cho biết thì doanh thu của “nhà vệ sinh 5 sao” cũng không khả quan. Công ty Thăng Long cũng bỏ hàng tỉ đồng để đầu tư, cải tạo thêm một số nhà vệ sinh công cộng ở Hàng Giầy và Gia Ngư nhưng chưa thực sự hiệu quả và chỉ từng đó cũng không thể đủ.

Hồi tháng 3.2016 hình ảnh một người đàn ông dáng vẻ lịch sự, lái ôtô nhưng “không thể cầm lòng” mà… tè bậy ra giữa đường trước con mắt kinh ngạc của hàng ngàn người đi đường đã khiến nhiều người bức xúc. Nguyên nhân được chỉ là có thể do Hà Nội quá khan hiếm nhà vệ sinh tới mức người dân buộc phải hạ thấp phẩm giá để… tè đường. Trước hình ảnh trên, facebooker có tiếng là nhà báo Ngô Nguyệt Hữu đã viết một status nhan đề “Gửi Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung”. Tay facebooker này viết: “Hai tuần nay, dư luận tại thủ đô cũng như cả nước cáu gắt vì hành động tè giữa đường của người đàn ông điều khiển xe ôtô… Tất nhiên hành động tè bậy giữa đường không bao giờ là điều nên lặp lại trong đời sống văn minh của đất Kẻ Chợ hoặc bất kỳ vùng đất nào khác.

Tuy nhiên, điều mà tôi nghĩ chúng ta phải nhìn nhận sau “sự cố cá nhân” ấy chính là những nhà vệ sinh công cộng để giữ mỹ quan cho thủ đô.

Bởi nếu thiếu những nhà vệ sinh này, chúng ta bắt buộc phải chấp nhận hình ảnh tè bậy giữa đường. Vấn đề chỉ là hình ảnh ấy có bị ghi lại và tương lên mạng xã hội hay không?

Đó là việc không hề nhỏ trong vấn đề xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Phương Tây từng luận, hai nơi quan trọng nhất trong nhà là bếp và toilet. Và chúng ta cũng đã qua lâu lắm cái thời “nhất quận công, nhì ngoài đồng”.

Đấy là điều tôi hy vọng ông - một quan chức hành động - lưu tâm và có giải pháp triệt để. Thư vắn tình dài, mong ông suy xét”.

Giải pháp “đổi biển quảng cáo lấy nhà vệ sinh”

Thực tế không chỉ Hà Nội mà TPHCM cũng loay hoay với tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng. Cụ thể gần 10 triệu dân TPHCM chỉ có hơn 200 nhà vệ sinh công cộng có thu phí, trong đó hơn 150 cái tập trung ở các bến xe, chợ và khu du lịch. Chính quyền TPHCM đã từng họp và đưa ra giải pháp là “đổi đất lấy nhà vệ sinh”, cụ thể là nếu doanh nghiệp hoặc đơn vị nào cam kết xây 1.000 nhà vệ sinh sẽ được TP cấp cho một khoảnh đất tương xứng.

Hà Nội đã tìm được giải pháp hay hơn. Đó là từ đề xuất của Cty cổ phần thương mại và truyền thông Vinasing, họ sẽ đầu tư 1.000 nhà vệ sinh công cộng, 10 xe bồn chuyên dụng, 50 cây lọc nước tự động uống trực tiếp và 200 ghế đặt tại các nơi công cộng trên địa bàn TP. Đổi lại doanh nghiệp này được khai thác quảng cáo trong phạm vi cho phép, theo đúng các quy định của pháp luật trên các cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới trên địa bàn thành phố trong thời gian 10 năm để thu hồi vốn.

Sau một thời gian xem xét về tính khả thi, UBND TP. Hà Nội đã ban hành thông báo số 272, truyền đạt kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP tại cuộc họp về việc chấp thuận Công ty cổ phần thương mại và truyền thông Vinasing đề xuất dự án tài trợ hệ thống 1.000 nhà VSCC, 10 xe bồn chuyên dụng, 50 cây lọc nước công cộng uống trực tiếp, 200 ghế gang đúc phục vụ công ích cho thành phố Hà Nội.

Để chủ trương này có hiệu quả, UBND TP yêu cầu nhà đầu tư và các đơn vị phụ trách xây dựng phải đồng bộ về trang thiết bị, đảm bảo thẩm mỹ, phù hợp với cảnh quan của từng địa điểm; sử dụng các vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường; thiết kế thoáng gió, sử dụng vòi nước tự động. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm thực hiện công tác duy tu, duy trì, vận hành trong suốt quá trình hoạt động của các nhà vệ sinh công cộng này.

Theo thông báo 272, đối với cây lọc nước tự động sử dụng bằng chất liệu inox mờ. UBND TP cũng đề nghị nhà đầu tư nghiên cứu đặt mẫu riêng, mang tính đặc thù của thành phố Hà Nội; thiết bị lõi của cây lọc nước sẽ do thành phố tự đảm nhiệm. Ghế sử dụng chất liệu inox mờ, đảm bảo sử dụng lâu bền, thiết kế phù hợp, mang bản sắc riêng, độc đáo của Hà Nội.

Chính quyền thành phố kỳ vọng việc giải quyết được “vấn đề tế nhị” Hà Nội sẽ có thêm những cơ sở để thực hiện nghị quyết của Thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch thủ đô giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo do Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải ký ngày 26.6. Đó là Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đến năm 2020, Hà Nội đón 30 triệu lượt khách, trong đó có 5,7 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trung bình từ 8 - 10%/năm. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2020 đạt 120.000 tỉ đồng, tốc độ tăng bình quân từ 15 -17%/năm.

Theo Lao động

Bạn đang đọc bài viết ĐỔI QUẢNG CÁO LẤY 1.000 NHÀ VỆ SINH: Giải pháp cho “chuyện tế nhị” ở Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...