Thứ năm, 28/03/2024 19:44 (GMT+7)

Cháy xe, xăng dỏm và sự bất lực

MTĐT -  Thứ sáu, 06/01/2012 08:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Xe đang chạy, bốc cháy. Xe đậu tại chỗ cũng bốc cháy. Xe máy, cháy. Ô tô, cháy. Sáng đọc báo, tin nóng vẫn là cháy xe.

Dân hoang mang, lo lắng bởi vì chưa biết “tới phiên” mình khi nào. Với số lượng xe máy và ô tô cháy ngày càng tăng như hiện nay thì ai cũng có thể trở thành nạn nhân hoặc nạn nhân của nạn nhân. Ví dụ, hai chiếc ô tô đậu cạnh nhau, một chiếc bốc cháy thì chiếc kia khó có hy vọng thoát hiểm. Còn nữa, trong một bãi đậu xe máy hay ô tô, một chiếc bốc cháy thì đó là đám cháy của một kho xăng dầu và phát nổ như một kho... bom xăng.

Với người dân, tài sản, sinh mạng đang bị treo lơ lửng vì chưa có ai bảo vệ. Nhiều người chắt chiu mua được chiếc xe máy, vừa làm phương tiện vừa là tài sản. Sau một vụ cháy, tài sản chỉ còn nhúm sắt vụn. Nhiều người dành dụm mua được chiếc xe hơi, chỉ trong chốc lát, hàng trăm triệu thành tro như người ta đốt giấy vàng mã. Chưa kể nếu như xe đậu trong nhà, đang đêm bốc cháy thì nhà cháy theo và mạng người bị đe dọa. Dân mình khổ hết biết.

Dân chịu thiệt hại và  nguy hiểm như vậy, còn các cơ quan quản lý làm gì? Xin thưa cho đến nay vẫn chưa có động thái gì tích cực ngoài một số tuyên bố sẽ và... sẽ tìm ra nguyên nhân và (lại) sẽ  xử lý. Đúng ra, chỉ cần sau một vài vụ xe cháy, các cơ quan quản lý đã có kết luận nguyên nhân và xử lý lập tức. Nếu được như vậy thì sẽ không có nhiều vụ cháy xảy ra sau này. Nhưng đáng tiếc là họ đã không làm được điều đó.

Trao đổi với báo chí chiều 3.1 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng hiện nay trách nhiệm về phương tiện cháy nổ không thuộc về ai, chứng tỏ có khoảng trống về pháp luật. Ông nói thêm: “Từ năm 2012, với chức năng quản lý nhà nước, Bộ GTVT sẽ phải chịu trách nhiệm khi xe cháy nổ. Chúng ta không mong muốn điều đó xảy ra, nhưng khi xe cháy nổ thì phải có cơ quan chịu trách nhiệm”.

Nhưng chỉ riêng Bộ GTVT chịu trách nhiệm về tình trạng cháy nổ xe nghe thật không ổn. Bởi vì, quản lý kinh doanh xăng dầu thuộc Bộ Công thương, kiểm định chất lượng xăng dầu thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ, điều tra nguyên nhân các vụ cháy thuộc về Bộ Công an. Hôm qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu báo cáo việc kiểm tra chất lượng xăng dầu, điều này cho thấy, nghi vấn nguyên nhân gây cháy xe do xăng được đặt lên hàng đầu.

Nếu thủ phạm là xăng thì tại sao không lập đoàn kiểm tra, lôi các đại lý bán lẻ có pha methanol ra xử. Chỉ cần phạt thật nặng, thậm chí xử lý hình sự một vài trường hợp thì sẽ hạn chế được lối làm ăn theo kiểu “giết người” này.

Tôi luôn băn khoăn tự hỏi: Chả lẽ bao nhiêu bộ, ngành không giải quyết được vụ xăng dỏm có thể gây cháy nổ xe hay sao? Có hay không sự vô cảm?

Bạn có nghĩ thế không?

Theo Lê Chân Nhân (Dantri)

Bạn đang đọc bài viết Cháy xe, xăng dỏm và sự bất lực. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.