Thứ sáu, 26/04/2024 23:42 (GMT+7)

Bộ trưởng Vũ Đức Đam:"Yêu cầu làm rõ trách nhiệm ngành điện"

MTĐT -  Thứ hai, 27/05/2013 14:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trường hợp này, quy định đã rõ rồi, vậy trách nhiệm của các ngành, các cấp liên quan đến việc thường xuyên kiểm tra, thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm hành lang an toàn lưới điện đã thực sự nghiêm túc chưa?

Xung quanh sự cố mất điện tại 21 tỉnh miền Nam vừa qua, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, cả thủ đô Phnom Penh của Campuchia cũng bị mất điện theo vì mua điện của Việt Nam.

Thông tin tại buổi họp báo thường kỳ sáng 26/5, Bộ trưởng cho biết Chính phủ nhận định đây là một sự cố nghiêm trọng, trước nay chưa từng có.

“Ngành điện dùng từ chuyên môn là rã lưới. Nó không đơn giản là việc mất một cái là có thể đóng lại được ngay. Hậu quả đến nay tuy chưa thể tính toán được hết nhưng có thể khẳng định là rất lớn, không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả xã hội”.
Bộ trưởng cho biết, ngay sau đó Chính phủ đã có chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan chức năng phải có báo cáo. Bộ Công thương cũng đã có báo cáo trình Chính phủ và đây cũng là một trong những nội dung quan trọng được Chính phủ nhắc tới trong cuộc họp thường kỳ tháng 5.
Thủ tướng cũng đã nghe báo cáo và yêu cầu bộ này xem xét nghiêm túc nguyên nhân, từ đó làm rõ trách nhiệm của các bên một cách nghiêm túc theo quy định.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói: “Hiện Việt Nam đã có luật đảm bảo an toàn cho các công trình, trong đó có công trình điện. Đặc biệt có công trình hành lang lưới điện cao áp. Trường hợp này, quy định đã rõ rồi, vậy trách nhiệm của các ngành, các cấp liên quan đến việc thường xuyên kiểm tra, thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm hành lang an toàn lưới điện đã thực sự nghiêm túc chưa? Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo ngành điện lực  xem xét một cách nghiêm túc".
Cùng với đó, cơ quan quản lý trực tiếp cũng phải xem xét toàn diện các yếu tố đề đảm bảo không xảy ra sự cố một lần nữa. Qua báo cáo của Bộ Công thương ngoài nguyên nhân do sự cố, một lý do quan trọng là do đất nước dài, mạng lưới sử dụng điện ở Việt Nam quá chằng chịt, phức tạp, trong khi số mạch dẫn vào từ đường dây 500 kV quá ít.
Cũng nhân cơ hội này, đại diện Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh việc kiên định áp dụng lộ trình giá điện theo thị trường. Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, chỉ có điều chỉnh như vậy, ngành điện mới có khả năng thu hút nguồn vốn bên ngoài, đảm bảo chất lượng. 
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Công Thương – Lê Dương Quang nhận định, vụ việc nêu trên cho thấy tính chất dễ tổn thương của hệ thống truyền tải 500kV. Tuy nhiên, sự cố này không phải chỉ duy nhất mình nước ta có mà ở các nước phát triển cũng đã từng xảy ra. 
Theo Thứ trưởng Quang, sau khi sự việc xảy ra, Bộ cũng đã có báo cáo đầy đủ về nguyên nhân, khắc phục và dự kiến thời gian tới thế nào cũng đều thể hiện rõ trong báo cáo. Báo cáo đầy đủ dự kiến sẽ có trong tuần tới.
Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, sự cố xảy ra nhưng ngành điện đã xử lý rất tốt, chỉ sau 2 tiếng, ngành điện đã khôi phục được lưới. 5 tiếng thì cấp được lại điện cho TP HCM và 8 tiếng thì cấp được cho hầu hết cả tỉnh miền Nam.
Qua sự cố, Thứ trưởng Quang cho rằng chắc chắn phải đẩy nhanh các dự án nguồn ở phía Nam, hiện khu vực phía Nam nhu cầu dùng điện cao hơn miền Bắc. Nhiều lúc cao điểm, sản lượng điện tự cung cấp được ở khu vực này chỉ đạt khoảng 60%. 40% còn lại phải truyền tải từ miền Bắc, miền Trung đó là rủi ro rất lớn.. Trong khi đó, hệ thống truyền tải qua đường dây 500 kV hiện cũng cần được củng cố, mở rộng”, ông Quang nói.
Ông Quang cũng mong muốn có sự vào cuộc của các cơ quan địa phương, người dân cũng phải tăng cường thêm trách nhiệm bảo vệ vì đường lưới điện của chúng ta hiện nay có hàng nghìn, chục nghìn ki-lo-met đường dây thì nhân lực của ngành điện, của tổng công ty truyền tải chắc chắn không thể bảo vệ một cách tuyệt đối an toàn nếu không có sự hỗ trợ của địa phương.
Hiếu Lam (baodatviet Ngày 27/5/2013)
Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Vũ Đức Đam:"Yêu cầu làm rõ trách nhiệm ngành điện". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới