Thứ sáu, 29/03/2024 12:40 (GMT+7)

Thách thức trong quản lý, bảo vệ Vườn quốc gia Ba Bể

MTĐT -  Thứ tư, 29/03/2017 11:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(phapluatmoitruong.vn) - Vườn quốc gia Ba Bể (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Cạn) rộng hơn 13 nghìn ha, trong đó có hệ thực vật rất phong phú, đặc biệt là rừng nghiến nguyên sinh trên núi đá, loại cây đặc hữu thuộc nhóm IIa cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng khai thác gỗ nghiến trái phép ở đây có xu hướng gia tăng, diễn biến rất phức tạp mà chưa ngăn chặn được.

Nguy cơ thành “điểm nóng” phá rừng

Đêm 22-3 vừa qua, năm kiểm lâm viên Vườn quốc gia Ba Bể lội suối, trèo qua núi đá, đi từ bìa rừng vào đến khoảnh 110, tiểu khu 249 dài khoảng nửa cây số mà mất một tiếng rưỡi vì phải hạn chế đến mức thấp nhất việc dùng đèn pin nhằm tránh bị lộ. Kiên trì mật phục, đến 23 giờ 30 phút thì họ phát hiện một nhóm đối tượng sử dụng cưa xăng cắt, xẻ cây gỗ nghiến bị chặt hạ từ trước đó. Tổ công tác chia lực lượng vây bắt, nhưng bị lộ, nhóm đối tượng bỏ chạy, để lại hiện trường hai cưa xăng và một số dụng cụ mang vác thớt nghiến. Hai ngày sau, đêm 24-3, tổ công tác của Trạm Kiểm lâm Nam Cường gồm trạm trưởng, trạm phó và hai kiểm lâm viên mật phục trong Vườn quốc gia Ba Bể thuộc địa phận giáp ranh xã Nam Cường (huyện Chợ Đồn) đến 3 giờ sáng thì phát hiện một nhóm sáu đối tượng sử dụng cưa xăng cắt, xẻ cây gỗ nghiến đã bị chặt hạ. Tổ công tác triển khai ngăn chặn nhưng các đối tượng bỏ chạy, vứt lại hiện trường cưa xăng và 12 khúc gỗ nghiến dạng thớt. Tổ công tác đã lập biên bản tiêu hủy tang vật.


Hạt phó Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Ba Bể Hoàng Văn Kiên cho biết: “Trước tình hình chặt hạ, khai thác gỗ nghiến trái phép trong Vườn quốc gia Ba Bể diễn biến phức tạp, từ đầu năm đến nay, chúng tôi phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức 45 lần tuần tra, với tổng số hơn 300 lượt cán bộ kiểm lâm, công an xã mật phục vây bắt các đối tượng tại các vùng trọng điểm, rừng nghiến có nguy cơ bị chặt hạ, như khu vực Lủng Duốc thuộc xã Nam Mẫu; khu vực cột mốc 64 sau thôn Cốc Tộc, xã Nam Mẫu; khu vực từ cột mốc 48 đến cột mốc 60 giáp ranh với xã Nam Cường; khu vực Thôm Năng, giáp ranh với xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn... Tuy nhiên vẫn có sáu cây gỗ nghiến cổ thụ bị chặt hạ”.

Mặc dù lực lượng kiểm lâm rất khó khăn, vất vả khi trèo đèo, lội suối, luồn rừng thực hiện nhiều cuộc tuần tra, mật phục vây bắt lâm tặc trong đêm suốt ba tháng qua, nhưng kết quả chưa tương xứng. Rừng nghiến nguyên sinh vẫn bị chặt hạ, gỗ nghiến bị chặt hạ từ những năm trước vẫn bị cắt, xẻ thành thớt, khuôn cửa rồi vận chuyển đi. Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Nam Cường Hoàng Văn Soạn nói: “Hầu hết các cuộc tuần tra, mật phục trong rừng đều bị lộ. Ngay khi chúng tôi ra khỏi trạm bởi “chim lợn” (những kẻ trợ giúp lâm tặc - PV) theo dõi chúng tôi”.

Trước đó, nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm lâm luật cũng chưa được xử lý dứt điểm. Điển hình là ngày
13-5-2016, tổ công tác của Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Ba Bể nghi ông Mã Văn Thánh, cư trú ở thôn Cốc Lùng, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn điều khiển ô-tô chở gỗ quý hiếm đi tiêu thụ, cho nên đã bám theo và ra lệnh dừng ô-tô kiểm tra, nhưng ông Thánh không chấp hành mà tăng ga lao thẳng vào tổ công tác. Sau đó ông Thánh điều khiển ô-tô chạy vào nhà mình và đóng cổng lại. Tiếp cận cổng nhà ông Thánh, tổ công tác và Trưởng Công an xã Nam Cường đề nghị ông Thánh hợp tác để kiểm tra lâm sản chở trên ô-tô. Tuy nhiên, ông Thánh không hợp tác mà còn cầm gậy hành hung, đánh Trạm phó kiểm lâm (thuộc Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Ba Bể) Triệu Minh Cư đa chấn thương phải nhập viện điều trị. S au đó cơ quan chức năng xác định 31 thớt nghiến trong vườn nhà ông Thánh là vô chủ, cho nên không xử lý được; ông Thánh còn kiện “ngược” lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Ba Bể còng tay mình trái pháp luật. Một số đối tượng bị bắt quả tang khai thác rừng trái phép, chưa đến mức xử lý hình sự, bị phạt vi phạm hành chính từ 10 đến 25 triệu đồng, nhưng không nộp phạt. Hạt phó Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Ba Bể Hoàng Văn Kiên bức xúc: “Vụ việc Mã Văn Thánh kéo dài mà các cơ quan chức năng chưa giải quyết dứt điểm, rõ ràng; một số đối tượng không chịu nộp phạt, đe dọa kiểm lâm viên làm anh em nhụt chí, đồng thời một số đối tượng được đà “lấn tới”, coi thường pháp luật và lực lượng chức năng”.

Đến nay, Vườn quốc gia Ba Bể đã giao khoán bảo vệ hơn 13 nghìn ha rừng cho 66 nhóm hộ thuộc 55 thôn, bản thuộc tất cả các xã vùng lõi, vùng đệm và hai tổ chức gồm Công an huyện và Ban Chỉ huy quân sự huyện Ba Bể với mức 200 nghìn đồng/ha/năm. Tuy nhiên, các nhóm hộ không thực hiện nghiêm các quy định quản lý, bảo vệ rừng, để xảy ra khai thác gỗ nghiến trái phép. Thậm chí, Công an huyện Ba Bể và Ban Chỉ huy quân sự huyện Ba Bể nhận khoán bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Ba Bể, nhưng cũng để xảy ra phá rừng.

Quyền Giám đốc Vườn quốc gia Ba Bể Bùi Văn Quang thẳng thắn: Lực lượng kiểm lâm mỏng, địa bàn rộng, địa hình vô cùng hiểm trở. Chính quyền xã có trách nhiệm bảo vệ rừng Vườn quốc gia Ba Bể, nhưng một số xã chưa thật sự vào cuộc, nhiều khi khoán trắng cho kiểm lâm; sự phối hợp của kiểm lâm với cơ quan chức năng như công an, chi cục kiểm lâm chưa thường xuyên, liên tục. Tại các thôn vùng lõi, vùng đệm Vườn quốc gia Ba Bể hiện còn hàng trăm cưa xăng đang cất giấu trong dân mà lực lượng kiểm lâm không thể quản lý được. Đây là những lỗ hổng trong quản lý, bảo vệ Vườn quốc gia Ba Bể, dẫn tới tình trạng phá rừng tại đây đang có xu hướng tăng và nguy cơ trở thành “điểm nóng”.

Cần tổ chức lại việc bảo vệ rừng


Chi cục trưởng Kiểm lâm Bắc Cạn Nguyễn Hữu Thắng còn chỉ ra những lỗ hổng khác trong quản lý, bảo vệ Vườn quốc gia Ba Bể: Kiểm lâm Vườn quốc gia Ba Bể thiếu người nhưng tổ chức bảo vệ rừng còn dàn trải, xử lý một số vụ việc chưa chặt chẽ, chưa mang tính chất răn đe, giáo dục cho nên “lâm tặc” lấn tới.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Cạn Nông Văn Chí khẳng định: Sau một thời gian tạm lắng, từ đầu năm đến nay tình trạng chặt hạ, khai thác gỗ nghiến trái phép tại Vườn quốc gia Ba Bể diễn biến rất phức tạp, có xu hướng tăng lên. Gỗ nghiến có lợi nhuận cao, những người khai thác trái phép có tổ chức, hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt và manh động, chỉ lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Ba Bể thì không thể “chống” được, cho nên việc bảo vệ Vườn quốc gia Ba Bể đang đứng trước thách thức lớn.

Khắc phục những sơ hở, lỗ hổng như đã nêu trên, UBND tỉnh Bắc Cạn chỉ đạo, phải nhanh chóng tổ chức lại việc quản lý, bảo vệ Vườn quốc gia Ba Bể. Để tránh tình trạng khoán trắng việc quản lý bảo vệ rừng cho kiểm lâm thì cấp ủy, chính quyền huyện Ba Bể, các xã vùng lõi, vùng đệm phải vào cuộc bảo vệ rừng. Các xã này phải cùng với trưởng thôn, công an thôn nắm rõ 67 đối tượng trong vùng đang bị nghi vấn phá rừng để có biện pháp răn đe, theo dõi, giáo dục. Ở đâu để xảy ra mất rừng, trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu các xã. Kiểm lâm địa bàn có trách nhiệm tham mưu cho chính quyền các xã trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ rừng cho nhân dân, các tổ nhận khoán bảo vệ rừng; đồng thời phối hợp các lực lượng chức năng thực hiện kế hoạch tuần tra, truy quét, ngăn chặn việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Chi cục Kiểm lâm Bắc Cạn thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ rừng, thực hiện những cuộc kiểm tra, thanh tra việc quản lý, bảo vệ Vườn quốc gia Ba Bể, phối hợp với kiểm lâm Vườn quốc gia Ba Bể kịp thời khắc phục những sơ hở trong quản lý, bảo vệ rừng. Công an tỉnh xem xét, điều tra những vụ việc khai thác rừng trái phép, đối tượng vi phạm cụ thể để xử lý nghiêm theo pháp luật, kể cả cán bộ kiểm lâm nếu bao che, dung túng, tiếp tay cho lâm tặc. Ban quản lý Vườn quốc gia Ba Bể bổ sung lực lượng, nhưng cũng phải thường xuyên rà soát, kịp thời loại bỏ những cán bộ kiểm lâm thiếu tinh thần trách nhiệm, dung túng cho những việc làm sai trái. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cũng cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin thì mới có thể bảo vệ được Vườn quốc gia Ba Bể một cách bền vững.

Theo Báo Nhân dân

Bạn đang đọc bài viết Thách thức trong quản lý, bảo vệ Vườn quốc gia Ba Bể. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới