Thứ sáu, 29/03/2024 01:23 (GMT+7)

Thủy điện với mùa mưa bão – Bài 2: Xây dựng quy chế phối hợp

MTĐT -  Thứ bảy, 18/08/2018 10:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện các Công ty thủy điện thuộc EVN đã trình UBND các tỉnh vùng hạ du phê duyệt Phương án phòng chống lụt vùng hạ du đập thủy điện.

Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận -Đa Mi (ĐHĐ) hiện đã ban hành Quy định cung cấp thông tin vận hành hồ chứa thuỷ điện Đa Nhim và Hàm Thuận - Đa Mi; đồng thời thực hiện đầy đủ theo nội dung đề ra nhằm thông báo, cung cấp đầy đủ, liên tục các thông tin về điều tiết xả lũ đập tràn, vận hành hồ chứa, số liệu thủy văn lưu vực… cho các địa phương phía hạ du, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) các cấp, Cơ quan ban ngành liên quan, Chủ đập trên cùng bậc thang.

Trong gian máy của Thủy điện Pleikrông. Ảnh: TTXVN.

Các thông số vận hành hồ chứa Đa Nhim và Hàm Thuận - Đa Mi được cập nhật đầy đủ, liên tục lên website (http://hochuathuydien.evn.com.vn,http://hochuanuoc.com.vn; http://hothuydien.atm.gov.vn; https://quanly.dwrm.gov.vn/hochua) theo quy định.

Nhằm chủ động hơn trong công tác dự báo lũ về hồ, cảnh báo lũ hạ du hồ chứa trong mùa lũ, cũng như phục vụ tốt việc điều tiết nước chạy máy, Công ty hợp đồng với Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ cung cấp các bản tin dự báo lưu lượng ngắn hạn của hồ chứa Đơn Dương. Công ty còn làm việc với UBND huyện Tánh Linh, UBND xã Đa Mi để kiện toàn công tác cảnh báo hạ du trong mùa khô.

Bên cạnh đã trình Bộ Công Thương dự thảo Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Hàm Thuận-Đa Mi, Công ty cũng phối hợp với Đơn vị tư vấn biên soạn lại Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Đa Nhim cho phù hợp với Quy trình liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và dự án mở rộng của Nhà máy thủy điện Đa Nhim sau khi nâng công suất từ 160MW lên 240MW sẽ vào vận hành cuối năm nay.

Ông Đào Duy Bốn ở thị trấn Đ’Ran, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng chia sẻ: “Năm nay khu vực này chưa có mưa nên người dân ở đây vẫn trồng được hoa màu dưới vùng có khả năng ngập lụt. Năm nay, gia đình đã tôn diện tích đất 2 sào cà chua lên 10m so với mặt nước ngập để đề phòng thiệt hại với kinh phí gần 300 triệu đồng cho gần mặt đường. Tuy nhiên bà con phải có điều kiện mới nâng cốt ruộng lên được”. Mặc dù vậy, các cơ quan chức năng lại lo ngại khi người dân tôn đất ruộng lên sẽ gây hẹp lòng chảy, khó thoát lũ khi hồ thủy điện xả nước.

Các Phương án phòng chống lụt bão, bảo đảm an toàn đập các công trình thủy điện Đa Nhim, Hàm Thuận và Đa Mi năm 2018 đều đã được Bộ Công Thương phê duyệt trong tháng 4.

Phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập thủy điện Đa Nhim đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng phê duyệt trong tháng 4/2018, có xem xét các kịch bản ứng phó với các trường hợp xả tràn với tần suất lớn.

Phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi cũng được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt trong tháng 6/2018.

Mặt khác, các Sở Công Thương Lâm Đồng, Bình Thuận đã phê duyệt Phương án bảo vệ đập thủy điện Đa Nhim; Phương án bảo vệ đập thủy điện Hàm Thuận và Đa Mi cập nhật, bổ sung theo tình hình thực tế.

Về phía Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, cùng với việc xây dựng quy chế phối hợp thông tin, Công ty đã xây dựng phương án phối hợp từ điều tiết nước đến xả lũ; trong đó quy định cụ thể cơ chế phối hợp trong các tình huống, để từ đó kịp thời thông báo đến Văn phòng Ban chỉ huy PCTT & TKCN các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Văn phòng PCTT & TKCN các huyện, xã, chính quyền hạ lưu nhà máy ứng phó kịp thời. Ông Nguyễn Đức, Phó Giám đốc Công ty cho biết.

Trong Phương án phối hợp PCTT & TKCN hồ chứa thủy điện Buôn Tua Srah mùa lũ năm 2018 ghi rõ: Mỗi khi hồ Buôn Tua Srah tăng lưu lượng xả ³ 50m3/s, Chủ hồ thông báo đến Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, UBND các xã bị ảnh hưởng trước 30 phút, đồng thời phát trên các Trạm cảnh báo xa đặt dọc theo sông vùng hạ lưu hồ.

Khi tổng lưu lượng xả hồ Buôn Tua Srah đạt xấp xỉ 600 m3/s, Chủ hồ thường xuyên thông báo diễn biến cơn lũ đến Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các tỉnh, huyện, UBND các xã bị ảnh hưởng để có biện pháp ứng phó hữu hiệu.

"Tùy tình hình thực tế các phương tiện được sử dụng để thông báo, thông tin, liên lạc bằng phương thức sau: Điện thoại (trực tiếp hoặc tin nhắn), E.mail và fax trong trường hợp khẩn cấp, đột xuất, sau đó văn bản gốc được gửi để theo dõi, đối chiếu và lưu hồ sơ quản lý", ông Đức cho hay.

Phòng điều khiển Nhà máy thủy điện Buôn Kuôp. Ảnh: TTXVN.

Trước khi mở các cửa tràn để xả nước điều tiết (lần đầu tiên), Công ty phải thông báo tối thiểu 1 giờ trước khi thực hiện lệnh đến Ban chỉ huy PCTT & TKCN các tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk; các huyện: Krông Nô, Lắk và Krông Ana; Chủ tịch hoặc phó Chủ tịch các xã liên quan về thời điểm xả điều tiết và lưu lượng về hồ, tổng lưu lượng xả điều tiết.

Ngay từ năm 2011, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đã ký kết quy chế phối hợp vận hành với Nhà máy thủy điện Srêpôk 4.

Năm 2017, Công ty cũng đã xây dựng và ký kết quy chế phối hợp vận hành với Nhà máy thủy điện Hòa Phú (hạ lưu của Thủy điện Buôn Kuốp), các Nhà máy thủy điện Krông Nô 2, 3 (thượng lưu Thủy điện Buôn Tua Srah).

Ngay đầu tháng 8 này, Công ty đã cùng với Nhà máy thủy điện Krông Nô 3 thống nhất chia sẻ thông tin vận hành trong mùa lũ.

Phía hạ lưu của Thủy điện Buôn Tua Srah. Ảnh: TTXVN.

Theo đó, Thủy điện Krông Nô 3 cung cấp thông số mực nước hồ, lưu lượng chạy máy và lưu lượng xả tràn vào website của Công ty. Việc phối hợp chặt chẽ này góp phần quan trọng vào công tác dự báo và tính toán lưu lượng lũ về hồ Buôn Tua Srah để từ đó Công ty có phương án xả lũ tốt nhất.

Các nhà máy thủy điện do Công ty Thủy điện Ialy quản lý nằm trên địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum (Bắc Tây Nguyên) nên chịu ảnh hưởng lớn của mưa bão vùng Trung bộ và Tây Nguyên.

Để chủ động đối phó với thiên tai, trước mùa mưa bão năm nay, Công ty Thủy điện Ialy đã phối hợp với 2 tỉnh kiểm tra phía hạ du đập của 3 Nhà máy và trình UBND 2 tỉnh cho phép tiếp tục sử dụng Phương án Phòng chống lũ, lụt ban hành năm 2017 áp dụng cho năm 2018.

Công ty đã phối hợp với Ban chỉ huy PCTT & TKCN các địa phương, các Sở ngành, cơ quan Khí tượng Thủy văn, các Chủ hồ trong việc ban hành lệnh và vận hành theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sê San đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 13/02/2018.

Ông Đào Duy Bốn bên ruộng cà chua của mình. Ảnh: TTXVN.

Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Ialy Đinh Viết Thiện cho biết, nhằm phối hợp tốt việc vận hành xả nước đón lũ, xả nước điều tiết, giảm lũ cho hạ du của các Chủ hồ trên lưu vực sông Sê San, Công ty đã ký “Quy chế phối hợp vận hành các hồ chứa trên lưu vực sông Sê San” với Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Công ty TNHH Trung Việt, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Điện Sê San 3A, Công ty Phát triển Thủy điện Sê San và Công ty Cổ phần Thủy điện Sê San 4A. Mục tiêu là thống nhất cơ chế phối hợp với các đơn vị quản lý vận hành hồ chứa trên sông Sê San để điều tiết cắt giảm lũ cho vùng hạ du theo Quy trình vận hành liên hồ chứa.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện các Công ty thủy điện thuộc EVN đã trình UBND các tỉnh vùng hạ du phê duyệt Phương án phòng chống lụt vùng hạ du đập thủy điện. Trong các phương án này nêu rất cụ thể các tình huống vận hành trong mùa lũ, khi xả với tần suất, lưu lượng nước như thế nào thì hạ du đập có nguy cơ ngập đến đâu để chính quyền địa phương và nhân dân được biết và chủ động phòng tránh./.

Bài cuối: Tăng cường vai trò của địa phương

Theo Mai Phương

BNEWS/TTXVN

Bạn đang đọc bài viết Thủy điện với mùa mưa bão – Bài 2: Xây dựng quy chế phối hợp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.