Thứ sáu, 29/03/2024 02:01 (GMT+7)

Công ty Hưng Hà có thu tiền trái quy định trong dự án nước sạch?

Gia Huy -  Thứ sáu, 31/08/2018 16:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trên địa bàn tỉnh Thái Bình, hiện có khoảng 30 công ty sản xuất, kinh doanh nước sạch, nhìn chung các công ty đều thu tiền trái quy định, ngoài hợp đồng cung cấp nước sạch đã ký kết với các hộ dân.

 Ngày 15/8, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử có bài viết phản ánh về việc Chi nhánh Công ty TNHH MTV Kinh doanh nước sạch Thanh Sơn có trụ sở tại xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình thu tiền lắp đặt nước sạch trái quy định hàng chục tỷ đồng của 16 xã trong huyện Quỳnh Phụ.

 Sau khi bài đăng, đường dây nóng của Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhận được nhiều ý kiến phản ảnh của người dân ở các huyện khác như Hưng Hà, Đông Hưng, Thái Thụy… tố cáo các công ty cung cấp nước sạch “ lách luật”thu tiền trái quy định của nhà nước.

Hiện nay, không chỉ người dân ở huyện Quỳnh Phụ bức xúc trước việc các công ty cung cấp nước sạch tự ý áp đặt thu tiền lắp đặt nước sạch của dân mà nó còn trở thành vấn đề bức xúc, nhức nhối của người dân ở các huyện khác. Điển hình như huyện Hưng Hà, người dân khắp nơi bàn tán xôn xao có nên lắp đặt nước sạch hay không? chất lượng nước có đảm bảo không? hay giống như chi phí lắp đặt trong hợp đồng không có nhưng vẫn thu của dân?

Một nhà máy nước sạch trên địa bàn tỉnh Thái Bình

Được biết, Dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước mặt cấp nước phục vụ sinh hoạt cho huyện Hưng Hà của Công ty cổ phần Nước sạch Hưng Hà (Công ty Hưng Hà) được UBND tỉnh Thái Bình quyết định chủ trương đầu tư tại các Quyết định số 3398/QĐ-UBND và Quyết định số 3399/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 và quyết định chủ trương đầu tư điều chỉnh tại Quyết định số 2540/QĐ-UBND ngày 20/9/2016. Dự án có nhiệm vụ cung cấp nước sạch sinh hoạt phục vụ cho nhân dân 17 xã trên tổng số 33 xã và 2 thị trấn là: Bắc Sơn, Dân Chủ, Duyên Hải, Điệp Nông, Đông Đô, Đoan Hùng, Hùng Dũng, Thống Nhất, Tây Đô, Văn Cẩm, Tân Tiến, Cộng Hòa, Hòa Tiến, Liên Hiệp, Tân Hòa, Tân Lễ và Canh Tân.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, nhiều hộ dân tại xã Đông Đô, Bắc Sơn, Dân Chủ của huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình rất bức xúc vì mỗi hộ gia đình phải đóng 2,5 triệu đồng/ hộ dân, phí lắp đặt 01 cụm đồng hồ nước cho Công ty Hưng Hà. Việc thu tiền nêu trên, công ty không xuất hóa đơn VAT mà chỉ xuất phiếu thu, có những hộ đăng ký qua lãnh đạo Thôn thu hộ rồi ký vào quyển sổ đóng tiền. Nếu hộ nào không đóng tiền thì không được sử dụng nước sạch. Công ty Hưng Hà còn đưa ra thông báo ưu đãi, khuyến mại cho các hộ nếu lắp sớm thì chỉ phải đóng 1,8 triệu/cụm đồng hồ, đến đầu năm 2018 giá lắp đặt một cụm đồng hồ nước sạch sẽ tăng lên 2,5 triệu đồng/cụm đồng hồ.

Đáng nói, dự án nước sạch đến các thôn, xã, chủ đầu tư có trách nhiệm phổ biến, tuyên truyền và cung cấp các thông tin về dự án, công bố các kết quả kiểm nghiệm chất lượng nước và công khai về giá nước tại nhà Văn hóa thôn, trụ sở UBND xã để người dân nắm bắt.  Nhưng khi công ty đến ký hợp đồng dịch vụ cấp nước với từng hộ dân, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, các hộ chỉ vỏn vẹn nhận được: 1 hợp đồng dịch vụ cấp nước, 1 phiếu thu phí lắp đặt đồng hồ viết số tiền 2,5 triệu đồng, không có thông báo hay trao đổi gì với người dân và đặc biệt chưa bao giờ cán bộ của Công ty Hưng Hà tổ chức đối thoại, thỏa thuận với dân về việc thu tiền lắp đầu nối mà người dân chỉ nghe thông báo trên loa phát thanh của xã hoặc cán bộ thôn đến vận động. Những việc này cho thấy, Công ty Hưng Hà có nhiều mập mờ, coi thường pháp luật và thiếu tôn trọng khách hàng.

Ông Dương Văn Hởi, thôn Đô Kỳ, Xã Đông Đô, bức xúc cho biết: "Người dân chúng tôi không được thôn, xã thông báo đến họp để chủ đầu tư phổ biến thông tin, các quyền lợi của khách hàng cũng như các nghị định liên quan đến dự án mà chúng tôi có quyền được biết. Riêng gia đình tôi, không bao giờ lắp nếu công ty còn thu tiền đầu nối 2,5 triệu đồng. Tôi đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền làm rõ vấn đề thu tiền lắp đặt đồng hồ trái quy định pháp luật".

Mức huy động tiền đóng góp để xây dựng công trình cấp nước sạch nông thôn phụ thuộc vào quy mô đầu tư từng dự án và trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà đầu tư với người sử dụng nước sạch, có trong nội dung hợp đồng cung cấp nước sạch theo quy định. Theo ông Trần Đình Lương, một nông dân thuộc thôn Đông Phú, xã Đông Đô: Điện lưới về nông thôn thi công còn tốn kém hơn nhiều mà nhà nước không thu đồng nào. Nếu như công ty nước sạch thu của dân từ 1,8 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/ hộ và toàn dân hưởng ứng thì các công ty này sẽ không phải mất một đồng tiền đầu tư cơ sở hạ tầng, công ty chỉ việc bơm nước lên xử lý rồi bán cho dân với giá hơn 7000đ/ m3. Chưa kể đến việc các công ty còn được ưu đãi về thuế, thuê đất, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư ban đầu, vậy các ông chẳng phải bỏ đồng nào chỉ bơm nước thu tiền thôi sao? Dân sắm cần câu cho các ông, các ông câu cá rồi lại bán cá cho dân à?

Cũng theo ông Lương, các hộ dân có kiến nghị lên trưởng thôn, nhưng trưởng thôn nói chỉ đạo từ trên xuống, vậy trên là ai? là Chủ tịch xã, huyện hay tỉnh? thì lãnh đạo thôn không trả lời được. Người dân kiến nghị lên chủ đầu tư và phản ánh với nhân viên thu tiền nước và họ nhận được câu trả lời từ nhân viên Công ty Hưng Hà: “Đây là quy định, công ty mất tiền vốn đầu tư bây giờ phải thu hồi lại và công ty không hề nhận được công văn nào từ tỉnh Thái Bình về việc không được thu tiền phí đồng hồ đo nước”.

Huyện Hưng Hà có 17 xã  do Công ty Hưng Hà cung cấp nước sạch, cho đến nay, trên 70% các hộ dân ở các xã này đã chấp nhận nộp tiền phí đồng hồ đo nước theo yêu cầu của Công ty Hưng Hà để có nước sạch sử dụng.

Với những quy định rõ ràng từ Nghị định 117/2007/NĐ-CP, Thông tư số 01/2008/TT-BXD mà chủ đầu tư vẫn cố ý thu tiền lắp đặt đồng hồ không chỉ của các hộ dân ở huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà mà còn thu ở các huyện khác như Thái Thụy, Đông Hưng, Tiền Hải, Kiến Xương…

Dư luận đặt câu hỏi, trách nhiệm quản lý của các cấp chính quyền, vai trò của Hiệp hội nước sạch, Hội người tiêu dùng ở đâu? Có hay không các công ty kinh doanh nước sạch tại Thái Bình liên kết với nhau áp đặt đưa ra giá lắp đặt nước sạch trái quy định? Hay do sự chỉ đạo chung từ phía UBND tỉnh Thái Bình và các cơ quan liên quan?

Người dân chờ câu trả lời từ phía các cơ quan hữu quan về các nội dung này. Đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng ở địa phương cần sớm vào cuộc để bảo vệ kịp thời quyền - lợi ích chính đáng của người dân.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ thông tin tiếp vào các bài viết sau.

Theo Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch nêu rõ, khoản 3 Điều 42. Thỏa thuận đấu nối:

Đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư đồng bộ đến điểm đấu nối với các khách hàng sử dụng nước bao gồm cả đồng hồ đo nước. Trường hợp đồng hồ đo nước được lắp đặt sau điểm đấu nối đã được xác định thì chi phí vật tư, lắp đặt từ điểm đấu nối đến điểm lắp đặt đồng hồ do khách hàng sử dụng nước chi trả sau khi đã có thoả thuận với đơn vị cấp nước.

Tại mục d, khoản 2, Điều 55. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị cấp nước cũng chỉ rõ: Đơn vị cấp nước có các nghĩa vụ sau: Đầu tư lắp đặt đường ống đến điểm đấu nối bao gồm cả đồng hồ nước cho khách hàng sử dụng nước trừ trường hợp có các thoả thuận khác;

Theo Thông tư số 01/2008/TT-BXD của Bộ Xây Dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP cũng chỉ ra cụ thể: mục V: Về đấu nối:

Việc đấu nối công trình của khách hàng sử dụng nước vào mạng lưới cấp nước của đơn vị cấp nước được thực hiện theo các quy định từ Điều 39 đến Điều 43 của Nghị định 117/2007/NĐ-CP.

Đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư đồng bộ đến điểm đấu nối tại các hộ tiêu thụ bao gồm cả đồng hồ đo nước trong vùng phục vụ đã được xác định, chi phí đấu nối được tính vào chi phí đầu tư mạng lưới và được phân bổ vào giá nước sạch do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt. Thời hạn điều chỉnh, phê duyệt giá nước sạch áp dụng các quy định mới không muộn hơn thời điểm quy định tại Khoản 3, Điều 64 của Nghị định 117/2007/NĐ-CP.

Bạn đang đọc bài viết Công ty Hưng Hà có thu tiền trái quy định trong dự án nước sạch?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.