Thứ năm, 28/03/2024 17:44 (GMT+7)

“Bảo vệ nước dưới đất tại Hà Nội”: Truy tìm “thủ phạm” gây ô nhiễm

MTĐT -  Thứ bảy, 03/11/2018 15:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nước dưới đất ở thành phố Hà Nội hiện nay bị nhiễm mặn chủ yếu ở các huyện phía Nam.

Kết quả Điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất tại Hà Nội do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia triển khai thực hiện đã đưa ra các số liệu, thông tin cụ thể về điều kiện tồn tại, sự phân bố, số lượng, chất lượng của các tầng chứa nước, khả năng bảo vệ cũng như các nguyên nhân dẫn đến việc ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt.

Trên cơ sở đó các chuyên gia cũng đề xuất các giải pháp tổng thể giúp cơ quan chức năng quản lý tài nguyên nước quản lý nguồn nước ngầm một cách hiệu quả nhất.

Tìm ra 04 tầng chứa nước cần được bảo vệ

Ông Triệu Đức Huy – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia cho biết: Toàn thành phố Hà Nội, có 16 tầng chứa nước, trong đó có 4 tầng chứa nước chính cần bảo vệ là Holocen (qh); Pleistocen trên (qp2); Pleistocen dưới (qp1) và Pliocen (n2). Tổng tiềm năng tài nguyên nước dưới đất toàn đô thị là 11.025.947m3/ngày; trong đó, phần nước nhạt là 10.042.588m3/ngày, phần nước mặn là 983.359m3/ngày.

Khảo sát, điều tra, đánh giá tiềm năng nước dưới đất tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Trữ lượng có thể khai thác phần nước nhạt là 4.076.365m3/ngày. Chất lượng nước về cơ bản có thể đáp ứng các mục đích ăn uống sinh hoạt và sản xuất, một số khu vực trong các tầng chứa nước qh, qp1 và qp2 hàm lượng Fe, Mn, As và NH4+ vượt so với giới hạn cho phép. Một số khu vực phía Nam thuộc huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa nước bị nhiễm mặn. Nguồn cung cấp chủ yếu cho các tầng từ nước mưa ngấm xuống ở các vùng lộ, là nước mặt sông, hồ thấm qua “cửa sổ địa chất thủy văn”, nước từ ranh giới tiếp xúc phần rìa đá gốc chảy vào và lượng nước thấm xuyên từ tầng chứa nước bên trên, và nước thấm theo các đứt gãy kiến tạo.

Về khả năng tự bảo vệ của các tầng chứa nước: Đối với tầng chứa nước qh, khu vực có khả năng tự bảo vệ thấp phân bố tại 13 vùng với diện tích 1.073km2, thuộc các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín, Hà Đông dọc các sông Hồng, Đuống; Đối với tầng chứa nước qp2, khu vực có khả năng tự bảo vệ thấp phân bố tại 6 vùng với diện tích 1.118km2, thuộc các huyện Mê Linh, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Thanh Trì, Đan Phượng, Thanh Oai, Ứng Hòa và Phú Xuyên; Ở tầng chứa nước qp1, khu vực có khả năng tự bảo vệ thấp phân bố tại vùng với diện tích 1.480,8km2 trên khắp đô thị; với các tầng chứa nước đá gốc, khu vực có khả năng tự bảo vệ thấp phân bố tại 4 vùng với diện tích 393,2km2, thuộc các huyện Ba Vì, Mỹ Đức và Sóc Sơn.

Theo ông Triệu Đức Huy, kết quả điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất cho thấy: tổng lượng nước dưới đất cấp cho thành phố Hà Nội là 1.248.037m3/ngày với 753.517 công trình khai thác. Trong đó, loại hình khai thác nước tập trung khoảng 693.581m3/ngày với 308 công trình; khai thác đơn lẻ khoảng 124.540m3/ngày với 725 công trình và khai thác nông thôn khoảng 429.916m3/ngày với 752.484 công trình. Kết quả điều tra và đánh giá cho thấy vùng cạn kiệt nước dưới đất trong tầng chứa nước Holocen có diện tích khoảng 306,1 km2 phân bố chủ yếu ở các khu vực: Cầu Giấy, Ba Đình, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Phúc Thọ,…

Xác định 05 vùng ô nhiễm nước cao

Ông Triệu Đức Huy cho biết: Toàn thành phố hiện có 2.085 nghĩa trang, trong đó có 2 nghĩa trang có diện tích lớn hơn 10 ha, loại hình an táng hỗn hợp là chủ yếu; có 420 bãi rác, bãi chôn lấp, trong đó có 3 bãi rác có diện tích lớn hơn 1 ha, 170 bãi rác được xây dựng kiên cố và có sử dụng lớp lót nền, còn lại là bãi rác có nền tự nhiên; có 2.628 nguồn xả nước thải chưa qua xử lý với lưu lượng xả thải 264.099m3/ngày.

Với sự phân bố, quy mô và tính chất của các nguồn thải nêu trên, căn cứ vào khả năng tự bảo vệ của các tầng chứa nước, các chuyên gia địa chất thủy văn đã xác định 5 vùng có nguy cơ ô nhiễm cao đến nước dưới đất với diện tích 426km2; 3 vùng có nguy cơ ô nhiễm trung bình với diện tích 1.097km2; 3 vùng có nguy cơ ô nhiễm thấp với diện tích 3.268km2.

Ông Triệu Đức Huy cho hay: Nước dưới đất ở thành phố hiện nay bị nhiễm mặn chủ yếu ở các huyện phía Nam. Trong đó, tầng chứa nước qh vùng bị nhiễm mặn với tổng diện tích khoảng 99km2. Tầng chứa nước qp2 và qp1 vùng bị nhiễm mặn với diện tích khoảng 237km2.

“Kết quả điều tra, khảo sát đã xác định hiện tượng sụt lún nền đất xảy ra chủ yếu ở khu vực phía Tây thuộc huyện Quốc Oai, Mỹ Đức. Đối với các quận nội thành, việc khai thác nước dưới đất đã làm phát sinh vấn đền lún nền đất. Tuy nhiên qua phân tích, đánh giá cho thấy mối quan hệ giữa lún nền đất và hạ thấp mực nước tại các bãi giếng không tuân theo quy luật nhất định như ở Mai Dịch tốc độ hạ thấp mực nước lớn nhưng tốc độ lún mặt đất nhỏ và ngược lại khu vực Thành Công, Pháp Vân, Ngô Sỹ Liên tốc độ hạ thấp mực nước nhỏ nhưng tốc độ lún mặt đất lớn” – ông Triệu Đức Huy thông tin.

Theo báo TN-MT

Bạn đang đọc bài viết “Bảo vệ nước dưới đất tại Hà Nội”: Truy tìm “thủ phạm” gây ô nhiễm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.