Thứ bảy, 20/04/2024 06:41 (GMT+7)

Bình Định: Xã Cát Lâm tự ý cho khai thác đất

MTĐT -  Thứ năm, 30/03/2017 09:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Một số cá nhân ngang nhiên đưa xe đào, xe ben vào khu vực đất thuộc xã Cát Lâm, huyện Phù Cát, Bình Định để khai thác đất trái phép, song chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn, xử lý.

Bà con thôn Hiệp Long, cho biết: Hơn tháng qua, con đường bê tông liên xã từ thôn An Điềm, xã Cát Lâm chạy về xóm Cây Me, thôn Hiệp Long, xã Cát Lâm (huyện Phù Cát), trở nên náo động bởi các xe chở đất sét khai thác tại khu vực đất có tục danh Bờ Bạn đưa đi khắp nơi tiêu thụ. Mỗi ngày, có hàng chục lượt xe ben Chiến Thắng nối đuôi nhau chạy ầm ầm suốt ngày đêm. Ngày 29-3, tiếp cận công trường khai thác đất trái phép, chúng tôi thấy cả vùng đất rộng hàng ngàn mét vuông, phẳng phiu đã trở nên tan hoang; hầm hố, đồi bãi ngổn ngang. Tại đây, có 1 xe đào đang hoạt động, móc đất đổ lên những xe ben để vận chuyển đi nơi khác. Trong vòng 30 phút, chúng tôi thấy có hơn 10 lượt xe ben Chiến Thắng ra vào “ăn” đất.

Một hộ dân ở thôn Hiệp Long, xã Cát Lâm (huyện Phù Cát), bức xúc nói: “Xe nó chở đất chạy rầm rầm cả ngày lẫn đêm, bà con phản ánh nhiều lắm. Chúng tôi đã báo cáo lên xã, còn việc xã có kiểm tra, giải quyết như thế nào thì chúng tôi không rõ. Nhưng, tình trạng khai thác đất ở đây diễn ra từ sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 đến nay. Xe ben chở đất không che chắn kỹ lưỡng nên mỗi lần xe chạy là đất rơi vãi xuống đường, phát sinh bụi bặm khiến bà con bất bình”.

Sáng 29-3, PV đến UBND xã Cát Lâm (Phù Cát) gặp ông Nguyễn Văn Lợi, cán bộ địa chính xã Cát Lâm. Ông Lợi cho biết đã nắm rõ hoạt động lấy đất ở khu vực này; đồng thời, khẳng định đây là hoạt động cải tạo đất chứ không phải là khai thác đất trái phép. Tuy nhiên, khi PV đề nghị cung cấp hồ sơ liên quan đến “chủ trương” cải tạo đất, thì ông Lợi tỏ vẻ khó chịu và cho rằng: “Khu vực đất đang cải tạo thuộc thửa đất 121, tờ bản đồ số 19; diện tích cải tạo 3.000m2; thời hạn cải tạo từ tháng 2-2017 đến hết ngày 13-5-2017. Hoạt động cải tạo đất này đã được Ban chấp hành Đảng ủy xã thông qua và cho ông Trần Hữu Nhẫn (trú xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát) làm (!?)”.

Sau khi “ăn đất”, xe ben chở đất chạy thẳng về tỉnh lộ 639 rẽ hướng về Tây Sơn để tiêu thụ.

Để rõ hơn về chủ trương cải tạo ở thửa đất 121, tờ bản đồ số 19 do UBND xã Cát Lâm quản lý, PV tiếp tục làm việc với ông Trương Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Lâm. Qua trao đổi ông Hạnh, khẳng định: “Khu vực lấy đất thuộc đất công ích do xã quản lý. Tuy nhiên, do địa hình khu đất này cao, nên việc canh tác hoa màu không hiệu quả. Vì vậy, xã có chủ trương cho ông Nhẫn cải tạo để sau này tạo điều kiện cho dân sản xuất”. Song, ông Hạnh cũng từ chối cung cấp hồ sơ cũng như giấy phép liên quan về hoạt động cải tạo này và nói. “Mình cải tạo đất, chứ có bán chát gì đâu, với lại cải tạo có ít mà làm thủ tục xin chủ trương từ cấp có thẩm quyền làm gì (!?). Ban chấp hành Đảng ủy xã đồng ý là được rồi”.

Để rõ hơn về công tác quản lý tài nguyên, trình tự thủ tục, ý kiến đánh giá về hoạt động “cải tạo” đất ở xã Cát Lâm đang thực hiện, PV liên lạc qua điện thoại với ông Tạ Công Thượng, Trưởng phòng TN-MT huyện Phù Cát và gặp trực tiếp ông Huỳnh Văn Trúc, Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Phù Cát để trao đổi; tuy nhiên, cả 2 vị này đều từ chối với lý do không phải là người có thẩm quyền phát ngôn.

Theo TN&MT

Bạn đang đọc bài viết Bình Định: Xã Cát Lâm tự ý cho khai thác đất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...