Thứ sáu, 26/04/2024 01:49 (GMT+7)

Khẩn thiết xin giữ rừng Sơn Trà

MTĐT -  Thứ bảy, 25/03/2017 10:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng xem xét lại quy hoạch ở bán đảo Sơn Trà và cần thiết phải giữ nguyên hiện trạng để bảo vệ cho “lá phổi xanh” của Đà Nẵng

Ngày 21/3, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết đơn vị vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ – ngành đề nghị xem xét lại quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Văn bản đề nghị cần phải giữ nguyên hiện trạng ở bán đảo Sơn Trà và không xây thêm các cơ sở lưu trú.

Ông Vinh cho rằng nếu quy hoạch thì chỉ nên đưa Sơn Trà thành nơi tham quan giải trí để bảo tồn cảnh quan tự nhiên với sự đòi hỏi nghiêm ngặt về quy chế ứng xử của du khách; đồng thời, các cơ quan quản lý nên hạn chế tối đa việc sử dụng phương tiện cơ giới gây tiếng ồn và ô nhiễm.

Ông Vinh cũng đề nghị cần thiết phải hạn chế triển khai các dự án ở thềm bờ biển tiếp giáp với núi Sơn Trà làm tăng nguy cơ phá hủy rạn san hô ven bờ, làm thay đổi dòng hải lưu, phá hủy bờ biển, ảnh hưởng kinh tế – xã hội của dân cư. Ngoài ra, việc xây quá nhiều khách sạn ở Sơn Trà cũng ảnh hưởng đến quốc phòng – an ninh khi có nhiều doanh nghiệp nước ngoài cùng tham gia.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết văn bản trên là do cá nhân ông Vinh tự soạn thảo, hiệp hội chưa thông qua về vấn đề trên. Theo ông Cường, việc dư luận xôn xao về công trình khu nghỉ dưỡng băm nát núi Sơn Trà thời gian qua là do cách làm của nhà đầu tư. “Thực tế, quy hoạch bán đảo Sơn Trà đã được Chính phủ phê duyệt và đã nghiên cứu các thông tin từ thực tế. Trong đó, có việc lấy ý kiến các bộ – ngành liên quan, có cả Bộ Quốc phòng” – ông Cường nhấn mạnh.

Cũng theo ông Cường, hiện tại ngành du lịch đang tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng để thực hiện các dự án du lịch trên bán đảo Sơn Trà. Trong đó, định hướng đến năm 2030, toàn Sơn Trà có khoảng 1.600 phòng. Hiện tại trên bán đảo này đã có 200 phòng khách sạn. “Quan điểm xuyên suốt của quy hoạch là phát triển du lịch Sơn Trà phải bảo đảm môi trường sinh thái và an ninh quốc phòng. Dĩ nhiên, người dân sẽ có những trăn trở về các dự án nhưng việc triển khai quy hoạch đã được chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu từng dự án và hạn chế thấp nhất tác động đến môi trường” – ông Cường khẳng định.

Ông Cường cho rằng hiện tại công suất phòng khách sạn ở Đà Nẵng luôn thừa để phục vụ du khách nhưng kế hoạch xây thêm các khu nghỉ dưỡng là tầm nhìn ở tương lai chứ không phải sẽ thực hiện ngay.

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà sẽ có gần 4.500 ha thuộc bán đảo Sơn Trà. Mục tiêu của dự án là định hướng bán đảo Sơn Trà trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước. Quy hoạch phát triển Sơn Trà sẽ hướng tới xây dựng các sản phẩm du lịch chính gồm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch thể thao mạo hiểm…

Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà sẽ tập trung khai thác phân khúc thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, có khả năng chi trả cao và dài ngày đến từ các thị trường Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Bắc Á… Đến năm 2025, khu này sẽ đón 3,5 triệu lượt khách, đạt doanh thu 1.900 tỉ đồng và đến năm 2030 thu hút 4,6 triệu lượt khách, đạt doanh thu 4.300 tỉ đồng và tạo việc làm cho khoảng 2.800 lao động.

Phạt 40 triệu đồng là đúng quy định

Ông Trần Văn Dũng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho biết đơn vị này vừa ra quyết định xử phạt số tiền 40 triệu đồng đối với chủ đầu tư là Công ty CP Biển Tiên Sa về hành vi xây 40 móng biệt thự chưa được cấp phép ở bán đảo Sơn Trà. Việc xử phạt được thực hiện theo Nghị định 121/2013 của Chính phủ. “Chỉ có nghị định của Chính phủ mới quy định mức phạt cho từng hành vi vi phạm tương ứng với số tiền. Mức phạt 40 triệu nặng hay nhẹ đều theo nguyên tắc, quy định của pháp luật. Chính phủ quy định phạt bao nhiêu thì cơ quan chức năng cấp dưới phạt theo mức đó. Cơ quan chức năng cấp dưới không có quyền phạt thêm. Mình nói nặng hay nhẹ là do định tính của mình chứ có quy định hết” – ông Dũng phân tích.

Ông Dũng nói thêm công trình trái phép của ông Ngô Văn Quang (Giám đốc Công ty Vàng Phước Minh) xây dựng ở chân núi Hải Vân cũng bị xử phạt 40 triệu đồng. “Nếu phạt sai, người bị phạt có quyền kiện ngược lại trong 10 ngày. Hiện công trình đã bị đình chỉ thi công. Chủ đầu tư phải hoàn thành đánh giá tác động môi trường theo các yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường mới được cấp phép xây dựng” – ông Dũng nói.

Theo TTXVN

Bạn đang đọc bài viết Khẩn thiết xin giữ rừng Sơn Trà. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.