Thứ sáu, 29/03/2024 19:57 (GMT+7)

Dân làng sắp chặt hạ “cây sưa trăm tỷ” ở Hà Nội

MTĐT -  Thứ năm, 24/01/2019 14:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những ngày này, cây sưa trăm tuổi ở Chương Mỹ (Hà Nội) lại nhận được sự quan tâm từ dư luận. Khi mới đây, người dân địa phương đã quyết định chặt hạ cây trước Tết vì sợ trộm.

Cụ thể, trao đổi với VietnamNet, Trưởng thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, Chương Mỹ, Hà Nội) Vũ Văn Tuyến cho biết, sẽ khai thác cây sưa trước tết Nguyên Đán 2019.

Theo ông Tuyến, dự kiến, cây sưa đỏ có tuổi đời trên 130 năm trong khuôn viên đình thôn Phụ Chính sẽ được chặt hạ trong tuần này với mục đích để người dân không phải mất ăn, mất ngủ khi phải ngồi canh cây sưa này.

Việc chặt hạ cây sưa sẽ được thực hiện bởi cộng đồng dân cư trong thôn sau khi Hội nghị dân cư đã thông qua.

"Bây giờ chúng tôi đã có đầy đủ căn cứ pháp lý để tiến hành khai thác cây nên không muốn trì hoãn thêm nữa. Để cây như vậy rất sợ kẻ trộm và bản thân cây sưa cũng bị mục theo ngày tháng. Chặt hạ xong, sau Tết ban đại diện làng sẽ thuê đơn vị tổ chức đấu giá", lời ông Tuyến.

Tuy nhiên, trao đổi với Tiền phong, ông Trần Văn Trung - Chủ tịch UBND xã Hòa Chính cho biết, chưa thể chặt hạ cây vào ngày mai (25/1), đây mới chỉ là ý kiến của thôn, xã đang gửi văn bản xin ý kiến của huyện Chương Mỹ. “Việc chặt hạ cây, kể cả việc đấu giá cần thực hiện theo quy trình. Mời cả kiểm lâm huyện xuống để giám sát, đảm bảo an toàn, trung thực. Chúng tôi vẫn đang chờ UBND huyện chỉ đạo”, ông Trung nói.

Cây sưa trăm tỷ được rào chắn xung quanh cây xưa. Ảnh: Internet. 

Đại diện UBND huyện Chương Mỹ cho biết thêm, huyện đã nhận được văn bản đề nghị phối hợp trong việc chặt hạ, cất giữ và đấu giá cây gỗ sưa. Hiện văn bản đang được xử lý, khi hoàn thành sẽ thông báo sau.

Trước đó, tháng 10/2018, Hà Nội ra văn bản yêu cầu các ban, ngành hướng dẫn người dân thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) khai thác cây sưa trăm tỷ đồng theo đúng trình tự pháp luật.

Cây sưa đỏ nằm trong khuôn viên chùa làng Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có tuổi đời trên 130 năm có giá lên tới... trăm tỷ đồng đã được người dân nơi đây "mặc áo giáp sắt" chống trộm.

Theo người dân địa phương, cây sưa này là loại sưa đỏ có tuổi đời trên 130 năm, nằm trong khuôn viên chùa làng Phụ Chính. Trước đây, vào thời điểm gỗ sưa đắt đỏ, cây này được trả giá trên 100 tỷ đồng.

Vào năm 2010, một nhánh của cây sưa bị gãy đổ và được bán theo hình thức đấu giá cho một đại gia gỗ ở Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) với giá 20,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi xe chở số gỗ sưa trên vừa ra khỏi địa phận xã Hòa Chính, sang xã Đồng Phú thì bị Công an huyện Chương Mỹ kiểm tra, tạm giữ.

Đến năm 2015, số gỗ sưa bị tạm giữ được bán đấu giá thu về số tiền hơn 31 tỷ đồng. Và vụ bán đấu giá này gây xôn xao mất một thời gian dài.

Tuy nhiên, qua thời gian, cây sưa đỏ bắt đầu có hiện tượng khô một phần gốc làm nhiều người dân địa phương lo lắng. Nhiều người cho rằng, nếu cứ để tình trạng này kéo dài thì chỉ một vài năm nữa, "khối vàng lộ thiên" của làng sẽ chỉ còn là mấy thanh củi để đun.

Từ khi biết giá trị cây sưa đỏ quý hiếm này, nhiều người lạ tìm đến thôn để cưa trộm đem bán. Để bảo vệ cây sưa quý, toàn bộ từ phần gốc đến thân của cây sưa được dân làng dùng những thanh sắt to cỡ phi 16 rào chắn xung quanh để bảo vệ.

Người dân nơi này có nguyện vọng được bán cây sưa đỏ này từ lâu vì vài năm gần đây cây có hiện tượng bị khô, mục.

Lý giải về giá trị cây sưa đỏ, ông Lê Quý Cường, nguyên kỹ sư Viện điều tra Quy hoạch rừng cho hay, cây sưa có 2 phần là phần lõi và phần rác. Trong đó, phần lõi có mùi thơm, chắc, vân đẹp, không bị mối mọt là phần có giá trị nhất, còn phần rác thì không có giá trị.

“Cây càng lâu năm thì lõi càng lớn và giá trị càng cao. Tuy nhiên, khi cây đến độ tuổi nhất định thì sẽ bị mục rỗng ruột, ví dụ như cây sưa ở Chương Mỹ đến nay đã hơn một trăm năm tuổi”, ông Cường cho hay.

Theo ông Cường, khi khai thác cây sưa, người ta dùng phần lõi để làm đồ mỹ nghệ, xưa kia vua chúa còn dùng để đóng quan tài vì không bị mối mọt. Về mặt y học, ông Cường cho rằng gỗ sưa không có giá trị.

“Chưa có sách nào cho thấy cây sưa có giá trị về y học, mà nó chỉ có giá trị là một loại gỗ qúy, chắc và thơm”, ông Cường nói.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Dân làng sắp chặt hạ “cây sưa trăm tỷ” ở Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới