Thứ tư, 24/04/2024 01:39 (GMT+7)

Phòng tránh hiểm họa từ hóa chất bảo vệ thực vật

MTĐT -  Thứ sáu, 26/10/2012 11:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo đánh giá của Vụ Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là một trong mười nguyên nhân gây tử vong cao nhất tại các bệnh viện, chỉ sau cao huyết áp, phổi và tai nạn giao thông.

Đáng lo ngại là việc lạm dụng sử dụng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp vẫn chưa thể khắc phục, hiện vẫn có 30- 60% mẫu rau còn tồn dư lượng hóa chất BVTV vượt ngưỡng cho phép.

Theo báo cáo tổng hợp của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường), mỗi năm nước ta sử dụng trung bình 15.000 - 25.000 tấn thuốc BVTV. Nếu như những năm 1960, chỉ có 0,48% diện tích đất canh tác sử dụng thuốc BVTV thì nay là 100% diện tích đất canh tác đều có sử dụng thuốc BVTV. Và nếu như trước đây, thuốc BVTV chỉ được dùng cho lúa thì nay đã được áp dụng cho hầu hết các loại cây trồng, với trên 1.000 chủng loại, có độc tính cao

Kết quả kiểm tra một số mẫu rau quả tại một số chợ đầu mối cũng cho thấy, dư lượng thuốc BVTV các loại có nhiều trong các mẫu rau, vượt hàng chục lần giới hạn cho phép, điển hình là cải ngọt, mồng tơi, cải bẹ xanh, cải bắp, cải thảo, rau muống, khổ qua, dưa leo…Trên các loại trái cây, đáng kể nhất là nho, táo, ổi, xoài, cam, quýt…
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2011, thống kê của Vụ Điều trị (Bộ Y tế) cho biết, cả nước có trên 3.000 vụ nhiễm độc thuốc trừ sâu, trong đó có hơn 100 người tử vong.

Cũng theo kết quả điều tra mới nhất của Đại học Quốc gia Hà Nội, cả nước hiện có khoảng 15 - 29 triệu người thường xuyên tiếp xúc với thuốc BVTV và khoảng 70% trong số họ có triệu chứng bị nhiễm độc, thậm chí là bị ngộ độc…

Nguyên nhân gây ngộ độc hóa chất BVTV thường do tiếp xúc thường xuyên, do sử dụng không đúng liều lượng, quy cách; do ăn các loại rau củ quả vẫn còn dư lượng hóa chất BVTV chưa phân hủy hết; do sử dụng các nguồn nước bị nhiễm hóa chất BVTV; do thói quen không dùng các thiết bị bảo hộ trong lao động…

TS Phạm Thị Bích Ngân - Trung tâm khoa học con người và sức khỏe lao động - Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động cho rằng, nếu tiếp xúc lâu dài với thuốc trừ sâu có thể dẫn đến các rối loạn tim mạch, phổi, thần kinh và mắc các bệnh về máu, các bệnh về da, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Do vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia, để hạn chế ngộ độc do hóa chất BVTV, trước hết, các nhà chức trách cần quản lý một cách thống nhất và minh bạch mọi hoạt động nhập khẩu, sản xuất và phân phối thuốc. Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng hóa chất BVTV một cách hợp lý; đồng thời áp dụng nghiêm ngặt chế tài xử lý các hành vi cố tình vi phạm trong nhập lậu, sử dụng trái phép hóa chất BVTV.
Thói quen không mặc bảo hộ lao động, đeo găng tay, đeo khẩu trang, đứng ở đầu gió khi phun thuốc,…cũng khiến nhiều người dễ bị nhiễm độc thuốc BVTV.

Đối với người sản xuất cần thực hiện các biện pháp sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, đúng liều lượng và đúng phương pháp. Bên cạnh đó, cần tuân thủ nguyên tắc vệ sinh an toàn lao động như: Mặc bảo hộ lao động, đeo găng tay, đeo khẩu trang, đứng ở đầu gió khi phun thuốc,…

Khi thu hoạch rau củ quả phải chờ hết “thời gian cách ly” là thời gian hóa chất BVTV còn lại không đáng kể trên rau quả. Không rửa dụng cụ phun, đựng hóa chất BVTV hoặc chôn, ném các loại chai lọ, hộp bảo quản các loại hóa chất này một cách tùy tiện dễ gây nhiễm độc môi trường.

Người tiêu dùng khi lựa chọn rau, củ, quả nên chọn loại còn tươi, nguyên vẹn, không bị trầy xước, hình dạng, màu sắc tự nhiên, không héo úa, giập nát, không dính các chất lạ, mùi vị lạ…

Khi có biểu hiện ngộ độc hóa chất BVTV nên đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa để có thể chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Trên thực tế, việc giải quyết tận gốc những điểm còn tồn tưu và ngăn chặn hoàn toàn sự ảnh hưởng của các loại hóa chất BVTV còn nhiều khó khăn. Vì vậy, để phòng tránh tác hại của hóa chất này đến sức khỏe con người cần có sự chung tay không chỉ của các cơ quan chức năng mà còn ở lương tâm của các nhà sản xuất và sự hiểu biết của người tiêu dùng.

Vân Anh/Dân trí

Bạn đang đọc bài viết Phòng tránh hiểm họa từ hóa chất bảo vệ thực vật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.

Tin mới