Thứ sáu, 29/03/2024 00:05 (GMT+7)

Phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, ATTP trong tình hình mới

MTĐT -  Thứ hai, 28/11/2016 09:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(phapluatmoitruong.vn) - Nhân kỷ niệm 10 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát môi trường (29/11/2006 - 29/11/2016), Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an có bài viết quan trọng. Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của đồng chí Bộ trưởng.

Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên và bảo đảm an toàn thực phẩm; góp phần vào mục tiêu xây dựng và phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, dưới tác động tiêu cực của quá trình biến đổi khí hậu và sự phát triển kinh tế - xã hội, tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường tiếp tục có chiều hướng gia tăng; trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống của người dân, làm suy giảm nghiêm trọng nguồn tài nguyên đất nước, điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm không được bảo đảm, gây bức xúc trong xã hội; thậm chí có lúc, có nơi là nguyên nhân gây bất ổn về an ninh, trật tự.

Thực hiện Quyết định số 34/2005/QĐ-TTg ngày 22/2/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; ngày 29/11/2006, Bộ trưởng Bộ Công an đã quyết định thành lập lực lượng Cảnh sát môi trường để thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường. Trải qua 10 năm thành lập, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, biên chế lực lượng còn thiếu trong khi tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường diễn biến ngày càng nghiêm trọng, phức tạp; song dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát môi trường đã nhanh chóng ổn định, củng cố tổ chức, đồng thời triển khai các chương trình, kế hoạch đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường.

Hiện nay, lực lượng Cảnh sát môi trường đã được hình thành ở cả ba cấp Công an; trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ về cơ bản đáp ứng được yêu cầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường trong tình hình mới. Qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, lực lượng Cảnh sát môi trường đã kịp thời phát hiện và tham mưu lãnh đạo Bộ Công an đề xuất Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách, công tác quản lý về bảo vệ môi trường, tài nguyên và an toàn thực phẩm nhằm khắc phục các lỗ hổng, bất cập trong hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát môi trường, như: Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Cảnh sát môi trường, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2010/NĐ-CP về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác về môi trường; Chỉ thị số 24/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm về môi trường trong tình hình mới... Đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm chuyển biến mạnh mẽ, qua đó nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân; đồng thời huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường. Chủ động triển khai lực lượng nhằm phát hiện, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.

Qua 10 năm được thành lập, toàn lực lượng đã phát hiện, xử lý hơn 100.000 vụ; khởi tố hơn 3.000 vụ, 4.300 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 97.000 vụ với số tiền 1.166 tỷ đồng. Đặc biệt, đã điều tra, khám phá, xử lý nhiều vụ phạm tội môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân. Những kết quả đó đã thể hiện sự trưởng thành của lực lượng Cảnh sát môi trường; khẳng định vai trò, vị trí nòng cốt trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường; được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao; góp phần quan trọng trong việc đưa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội đi vào cuộc sống; bảo đảm tính nghiêm minh và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên và an toàn thực phẩm; phục vụ thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời thể hiện nỗ lực, quyết tâm và cam kết của Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế trong việc giải quyết vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và an ninh tài nguyên.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn hạn chế, yếu kém như: Còn có khoảng cách lớn giữa nhận thức và hành động, giữa cam kết và thực hiện; chưa hình thành thói quen, ý thức bảo vệ môi trường trong xã hội. Xu hướng gia tăng các nguồn gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng môi trường sống, suy thoái đa dạng sinh học. Đáng lo ngại, ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực đô thị, nông thôn, làng nghề, cụm công nghiệp, lưu vực sông... đang ở mức cao; nhiều khu vực ô nhiễm, tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật chậm được khắc phục; nhiều cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để. Nhiều chỉ tiêu bảo vệ môi trường trong Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia chưa đạt yêu cầu đặt ra; quản lý chất thải nguy hại; môi trường biển đảo; khai thác tài nguyên, khoáng sản; sản xuất, chế biến thực phẩm, điều đó đặt ra nhiều thách thức đối với công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên và an toàn thực phẩm.

Qua tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, lực lượng Cảnh sát môi trường đã đúc rút được một số bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo điều hành và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường. Trong đó, bài học quan trọng và có tính xuyên suốt là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường đối với người dân, doanh nghiệp; tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân để mỗi người dân đều là chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường; đồng thời, coi trọng công tác phòng ngừa nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả công tác trinh sát, phát hiện sớm, kiên quyết không để hành vi vi phạm pháp luật về môi trường xảy ra trên diện rộng, trong thời gian dài.

Trong những năm tới, dự báo hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chung trên thế giới, nhưng sẽ có những diễn biến phức tạp mới, tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường; các yếu tố đe dọa an ninh phi truyền thống còn tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp. Trong lĩnh vực môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp, thậm chí có chiều hướng gia tăng. Việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, làng nghề, khu du lịch ven biển, ven sông lớn tiềm ẩn những nguy cơ gây ra các sự cố môi trường nếu không thực hiện tốt công tác phòng ngừa, giám sát việc xử lý chất thải. Một số dự án đầu tư nước ngoài có thể lợi dụng để chuyển giao công nghệ cũ gây tác động xấu tới môi trường. Quá trình triển khai các hiệp định thương mại tự do đồng thời cũng tạo ra những thách thức không nhỏ trong kiểm soát chất lượng hàng hóa, nguy cơ thẩm lậu hàng hóa thực phẩm kém chất lượng, chất cấm vào nước ta. Tình trạng khai thác trái phép, tận thu khoáng sản dự báo còn diễn biến phức tạp; tình trạng vi phạm pháp luật về bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm tiếp tục xảy ra trên diện rộng và có chiều hướng nghiêm trọng hơn. Trong điều kiện hệ thống pháp luật vẫn đang được sửa đổi, bổ sung sẽ có những sơ hở hoặc khoảng trống pháp lý mà các đối tượng lợi dụng thực hiện, che giấu các hành vi vi phạm.

Vì vậy, trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện mục tiêu phục vụ phát triển bền vững đất nước, vì cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 được Đại hội Đảng lần thứ XI thông qua đã xác định, lực lượng Công an các cấp trong đó nòng cốt là lực lượng Cảnh sát môi trường cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và của Bộ Công an, các Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm trong công tác phòng, chống tội phạm về môi trường, nhất là quan điểm “Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu” của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu lãnh đạo Bộ đề xuất Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm theo hướng xây dựng chế tài có tính răn đe cao để ngăn ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác quản lý và xử lý các hành vi vi phạm. Chủ động tham mưu, phối hợp tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong Kết luận số 02-KL/TW, ngày 26/4/2016 của Ban Bí thư; nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.

Ba là, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường đối với người dân, doanh nghiệp, qua đó phát huy ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường sống bằng những việc làm thiết thực, cụ thể hằng ngày. Tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các bộ, ngành, đoàn thể tích cực vào cuộc với tinh thần, trách nhiệm cao trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường.

Bốn là, tăng cường nắm tình hình, chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền và lãnh đạo Công an các cấp giải quyết dứt điểm những điểm nóng về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; tập trung triển khai đồng bộ lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ, phát hiện và xử lý nghiêm tội phạm và các vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, nhất là ở khu vực nông thôn, các khu công nghiệp, làng nghề; kiên quyết không để xảy ra các vụ việc vi phạm kéo dài, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Năm là, tiếp tục tham mưu lãnh đạo Bộ kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy lực lượng Cảnh sát môi trường các cấp theo quy định của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường theo hướng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; bố trí lực lượng chuyên trách đấu tranh trong một số lĩnh vực mới như môi trường biển đảo, an toàn thực phẩm... Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống lý luận về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường. Nâng cao bản lĩnh, phẩm chất chính trị; tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng Cảnh sát môi trường, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, làm chủ được các thiết bị khoa học, kỹ thuật, phương tiện hiện đại... để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường trong tình hình mới.

Sáu là, củng cố và tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; kết hợp chặt chẽ giữa quản lý nhà nước với phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường. Phối hợp chặt chẽ với các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ, liên Chính phủ nhằm tranh thủ nguồn tài trợ về tài chính, kỹ thuật công nghệ, kinh nghiệm phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường.

Theo TN&MT

Bạn đang đọc bài viết Phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, ATTP trong tình hình mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.