Thứ sáu, 19/04/2024 05:03 (GMT+7)

Vì sao người dân tiếp tục phản đối tại dự án nạo vét hồ Núi Cốc?

YẾN OANH -  Chủ nhật, 26/08/2018 20:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

"Bản thân lòng hồ Núi Cốc là 1 danh lam thắng cảnh rất cần được khơi thông. Khi làm dự án phải có bản đồ hiện trạng nêu rõ nguồn tài nguyên khoáng sản...".

Kể từ khi dự án bắt đầu được triển khai vào cuối năm 2015 đến nay, đã có không ít tai tiếng như: Việc đơn thư của người dân về đền bù giá đất; những nghi vấn về việc doanh nghiệp đứng danh nghĩa làm chủ dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc nhưng thực chất là khai thác khoáng sản (!?); việc quản lý của UBND tỉnh Thái Nguyên ra sao; các yếu tố bảo vệ môi trường; nguồn thu ngân sách Nhà nước có đảm bảo hay để thất thoát?

Công ty Đại Việt có được ưu ái?

Theo những văn bản PV có được, ngày 26/8/2014, UBND tỉnh Thái Nguyên đã cấp cho Công ty CP đầu tư bất động sản và khoáng sản Đại Việt (Công ty Đại Việt) thực hiện đầu tư dự án nạo vét lòng Hồ Núi Cốc và kết hợp tận thu sản phẩm cát, sỏi...

Doanh nghiệp trên đã nạo vét lòng Hồ Núi Cốc tận thu sản phẩm bằng tổ hợp tàu cuốc, xà lan,... Công ty Đại Việt đã triển khai tiếp tổ hợp ô tô, máy xúc, máy ủi lên phía thượng nguồn để nạo vét, tổng sản lượng nạo vét cát đã lên tới khoảng 1.500.000m3, Công ty xây dựng 5 bãi thải theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường.

Hàng xe chở cát tại bãi số 5 (thôn Bẫu Châu, xã Lục Ba, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc.

Theo báo cáo Công ty Đại Việt cung cấp cho PV, tổng khối lượng nạo vét tính đến tháng 3/2018 là 1.434.500 m3. Trong đó, chủ yếu là cát và sỏi, khối lượng bùn chỉ là 123.882m3, chiếm 1/10 tổng khối lượng thu được. Diện tích nạo vét thời điểm trên đã hoàn thành khoảng 83,6 ha trên tổng số: 1.392,02 ha.

Như vậy, với thời gian cho phép thực hiện dự án là 15 năm, số tiện tích nạo vét còn lại là hơn 1.300ha. Con số lợi nhuận sẽ ở mức ra sao?

Số liệu khảo sát địa hình, địa chất dự án nạo vét cho thấy khối lượng nạo vét trong 15 năm trên 11 triệu m3. Trong đó, có hơn 9,4 triệu m3 là cát, sỏi; bùn các loại chỉ có hơn 1 triệu m3; phương tiện thực hiện dự án nạo vét chủ yếu là tàu cuốc…

Theo khảo sát tìm hiểu giá đầu năm 2018, giá thị trường tại Thái Nguyên mỗi m3 cát vàng đang được bán với giá khoảng 250.000 đồng. Như vậy, giả sử với số lượng nhiều chiếc tàu cuốc và tổ hợp ô tô, máy xúc công suất lớn hoạt động suốt ngày, gần 4 năm triển khai nạo vét tại đây thì doanh nghiệp này đã tận thu đáng kể...

“Chưa từng thấy m3 bùn nào được khơi lên mà chỉ thấy toàn cát sỏi”

Mặc dù sau thời gian dài đấu tranh và chấp nhận nhận số tiền hỗ trợ chưa đầy 2 triệu  đồng mỗi hộ dân. Đến nay, gần 60 hộ dân tại xã Lục Ba vẫn tiếp tục thống nhất ý kiến gửi đơn đề nghị các cấp lãnh đạo làm rõ trách nhiệm hỗ trợ cũng như tìm ra bản chất thực sự từ dự án nạo vét hồ Núi Cốc.

Đỉnh điểm vào những ngày tháng 6/2017, hơn chục người dân xóm Bẫu Châu, xã Lục Ba đã dựng lều bạt, thay nhau túc trực ngày đêm, ngăn cản hoạt động nạo vét của Công ty Đại Việt. Theo đơn của người dân, được biết đỉnh điểm của việc đấu tranh là đầu năm 2017.

Để tìm hiểu thực hư câu chuyện này, PV đã xuống địa bàn xóm Bẫu Châu, xã Lục Ba, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Thực tế tại khu vực Công ty Đại Việt thực hiện dự án nạo vét hồ Núi Cốc như một đại công trường khai thác khoáng sản.

Người dân quanh khu vực lòng Hồ Núi Cốc đã phản đối gay gắt hoạt động nạo vét tận thu sản phẩm của Công ty Đại Việt. Họ cho rằng dư án trên có nhiều uẩn khúc. Như người dân thông tin là...“chưa từng thấy m3 bùn nào được khơi lên mà chỉ thấy toàn cát sỏi”.

Bãi cát chất đống khổng lồ, "đại công trường" dự án nạo vét của Công ty Đại Việt nhộn nhịp hoạt động bán cát, sỏi.

Bà Nguyễn Quang S. (ở Bẫu Châu) cho biết: “Do đây là vùng bán ngập lòng hồ, khi nước rút, các hộ dân vẫn ra đây canh tác trồng lúa, trồng màu, bắt tôm cá để kiếm sống.

Hàng năm, hàng triệu m3 cát sỏi vùng lòng hồ Núi Cốc được bồi đắp lên diện tích 40ha này, ảnh hưởng lớn đến sản lượng canh tác của bà con nhưng bà con nhân dân vẫn kiên trì bám trụ để làm, để có cái ăn.”

“Trong buổi họp tại nhà văn hóa, phía ông Thiệu giám đốc công ty trả lời chúng tôi rằng, sẽ cho 100 triệu đồng làm nhà văn hóa. Dân không đồng ý và yêu cầu đền bù cho dân. Sau quá trình đấu tranh dài không có kết quả, 6 người dân đã đến công ty đề nghị được đền bù thì công ty nói chỉ trả 100 triệu đồng, dân không đồng ý công ty mới trả thêm là 150 triệu đồng.

Mặc dù cực chẳng đã nhận số tiền 150 triệu đồng đổi mất 40ha đất. Thế nhưng, dân chúng tôi đã họp bàn lại để làm đơn gửi các cấp cao hơn đòi lại công bằng. 

Trước đó, có người của công ty còn đem đến cho tôi 10 triệu đồng nhằm yêu cầu tôi dừng đấu tranh nhưng tôi kiên quyết từ chối”, đại diện các hộ dân thôn Bẫu Châu cho hay.

Đơn phản ánh của người dân gửi tới Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử.

 Theo giải thích của ông Chủ tịch UBND xã Lục Ba, do vùng đất của 57 bà con đang phản ánh đòi đền bù nằm dưới cao trình 46, phải cao trên 46 thì mới được đền bù. Số đất này thuộc lòng hồ từ lâu rồi, do công ty nạo vét thấy cát sỏi nhiều nên dân xót ruột mới làm đơn thôi (!?)

Liên quan đến sự việc trên, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hoài Vũ - Giám đốc chi nhánh Công ty Đại Việt.

Ông Vũ cho hay: "Việc người dân thôn Bẫu Châu đấu tranh đòi tiền hỗ trợ 40ha (thuộc bãi tập kết số 5-PV) đã khiến doanh nghiệp chậm tiến độ 1 năm trời. Do khu đất 40ha dân đòi đền bù nằm dưới cao trình 46 nên công ty chúng tôi không có nghĩa vụ phải đền bù (Cao trình là độ chênh cao của 1 điểm so với mặt nước biển-PV). Công ty tôi chủ động xin đầu tư dự án và được UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận...". 

Về số tiền 150 triệu đồng hỗ trợ người dân, ông Vũ cho biết: "Do người dân tự đến chi nhánh xin tiền hỗ trợ, nên công ty đã đồng ý và yêu cầu viết cam kết không gây rối...".

Tại văn bảo số 1123/BC-TKT3 ngày 29/05/2018 báo cáo kết quả kiểm tra dự án: Nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu các sản phẩm đi kèm ghi rõ kết luận: "Các bãi thải phục vụ dự án chưa được sử dụng. Nhà đầu tư chưa kê khai và nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định".

Hiện trạng số 40ha đất người dân thôn Bẫu Châu đấu tranh sau khi dự án "Nạo vét lòng hồ núi Cốc" được Công ty Đại Việt triển khai.

Trước nghi vấn bãi thải chưa được sử dụng vốn dĩ vì lượng bùn thải "quá ít", phía Công ty Đại Việt giải thích trong báo cáo trên như sau: "Do mục tiêu của bãi thải là đổ bùn thải và đá to.

Tuy nhiên, trong quá trình nạo vét bùn thải đã được chủ đầu tư tự tách ra, phơi khô và cấp cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng để trồng cây, đóng gạch,...Đối với đá thải, đã được tập kết về bãi tập kết số 5 để nghiền tuyển trong giai đoạn...".

Ngoài ra, trong báo cáo cũng nêu rõ: "Nhà đầu tư chưa kê khai, nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định".

Nguyên nhân được chỉ ra là do: "Nghị định số 82/2017/NĐ-CP, ngày 17/7/2017 của Chính Phủ vừa được ban hành, mới có hiệu lực nên chưa phối hợp kịp thời với các cơ quan chuyên môn để được hướng dẫn".

Tài nguyên khoáng sản là tài sản của quốc gia việc khai thác, sử dụng cần phải tuân theo quy định của Luật khoáng sản. Trách nhiệm của UBND cấp tỉnh là phải quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn lực từ tài nguyên khoáng sản sao cho có hiệu quả.

Vậy, UBND tỉnh Thái Nguyên đã quản lý việc để doanh nghiệp thực hiện dự án trên ra sao để đảm bảo tính minh bạch, công khai, nguồn ngân sách Nhà nước được đảm bảo?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến đọc ở bài tiếp theo.

Cần loại bỏ sớm những biểu hiện cố tình lách luật để trục lợi

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử ông Phạm Sỹ Liêm (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng) cho biết: "Bản thân lòng hồ Núi Cốc là 1 danh lam thắng cảnh rất cần được khơi thông. Khi làm dự án phải có bản đồ hiện trạng nêu rõ nguồn tài nguyên khoáng sản, liệu trong nghiên cứu giao dự án này có bản đồ đó không, đã tính đến tài nguyên khoáng sản dưới lòng hồ chưa?

UBND tỉnh Thái Nguyên cần giám sát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp, việc được tận dung khai thác khoáng sản trong quá trình thực hiện dự án này thì chúng ta đã tính đến trữ lượng khoáng sản có trong lòng hồ hay chưa, các yếu tố về môi trường, tiếng ồn,...để đảm bảo tính minh bạch, đúng đắn, thực hiện đúng tính nghiêm minh của pháp luật. Cần loại bỏ sớm những biểu hiện cố tình lách luật để trục lợi đối với những dự án kiểu như thế này!".

Bạn đang đọc bài viết Vì sao người dân tiếp tục phản đối tại dự án nạo vét hồ Núi Cốc?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.