Thứ năm, 28/03/2024 17:20 (GMT+7)

Tiếp bài 'Đặc khu biệt thự' ở Sóc Sơn: Có thể bị xử lý hình sự?

TIÊU DIỆP -  Thứ sáu, 21/09/2018 17:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Việc chiếm đất xây biệt thự trên đất rừng phòng hộ là hủy hoại môi trường, cảnh quan, kiến trúc... làm mất hẳn chức năng của rừng phòng hộ. Hành vi này có thể bị xử lý hình sự”, Luật sư Khánh nói.

Trước thực trạng xâm lấn, chiếm dụng và xây dựng "lâu đài", "biệt phủ" nguy nga trên đất rừng phòng hộ bảo vệ môi trường tại xã Minh Phú, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có cuộc trao đổi cùng Luật sư Nguyễn Văn Khánh– Giám đốc Công ty Luật TNHH Daisy.

Xin luật sư cho biết, đất rừng phòng hộ bảo vệ môi trường có được phép mua bán, chuyển nhượng và xây dựng kiên cố?

Theo quy định, tại Điều 136 Luật Đất đai năm 2013 về Đất rừng phòng hộ thì Nhà nước giao đất rừng phòng hộ cho tổ chức, cá nhân quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng rừng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Với mục đích xuyên suốt là bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, Luật Đất đai 2013 có những quy định rất nghiêm ngặt về việc sử dụng đất rừng phòng hộ, cụ thể: 

Thứ nhất, về vấn đề mua bán, chuyển nhượng đất rừng phòng hộ:

Theo quy định Khoản 2 Điêu 191 Luật đất đai 2013 về các trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất thì: Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Khoản 4 Điều 191 Luật Đất đai 2013 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó”.

Như vậy, pháp luật chỉ cho phép tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền đất rừng phòng hộ khi được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với hộ gia đình, cá nhân cũng chỉ được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ nếu được sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ. Các trường hợp mua bán, chuyển nhượng đất rừng phòng hộ đều là hành vi vi phạm quy định của pháp luật.

Thứ hai, về vấn đề xây dựng kiên cố trên đất rừng phòng hộ:

Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 5 Điều 170 Luật Đất đai 2013 thì người sử dụng đất có nghĩa vụ sử dụng đất đúng mục đích và tuân theo các quy định về bảo vệ môi trường.

Vì vậy, việc phá rừng và xây dựng các công trình kiên cố trên đất rừng phòng hộ là vi phạm quy định của pháp luật. 

Hàng loạt công trình được xây dựng kiên cố "băm nát" rừng phòng hộ bảo vệ trường tại xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn.

Hành vichiếm đấtxây "biệt thự",khunhà vườn trên đất rừng phòng hộ bảo vệ môi trường tại 2 xã Minh Phú và Minh Trí, huyện Sóc Sơn sẽ bị xử lý như thế nào?

Việc sử dụng đất sai mục đích theo quy định của luật đất đai, tự ý xây dựng công trình trên đất rừng phòng hộ yêu cầu phải chặt phá rừng để tiến hành các hoạt động xây dựng.

Đây là hành vi chặt phá rừng trái pháp luật, hủy hoại môi trường, cảnh quan, kiến trúc... Làm mất hẳn chức năng của rừng phòng hộ. Tùy vào hành vi và mức độ vi phạm, người thực hiện hành vi chặt phá rừng trái luật có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.

Trên các giấy tờ, hồ sơ mua bán chuyển nhượng đất rừng phòng hộ tại xã Minh Trí đều có xác nhận, chữ ký của Phó chủ tịch xã. Hành vi“vượt quyền”vi phạm pháp luậtnhư thế nào?

Đất rừng phòng hộ thuộc diện không được mua bán, chuyển nhượng dưới mọi hình thức đã được quy định rõ Khoản 2 Điều 191 Luật đất đai 2013. Vì vậy, việc xác nhận của Phó chủ tịch xã trên giấy tờ, hồ sơ mua bán chuyển nhượng đất rừng là hành vi vi phạm quy định của pháp luật.

Cần phải căn cứ vào mức độ vi phạm và tính chất vụ việc nặng nhẹ để “chiếu tội” cho phó chủ tịch xã... 

"Việc xác nhận của Phó chủ tịch xã trên giấy tờ, hồ sơ mua bán chuyển nhượng đất rừng là hành vi vi phạm quy định của pháp luật", Luật sư Nguyễn Văn Khánh khẳng định.

Để việc buôn bán, chuyển nhượng, "xẻ thịt" đất rừng phòng hộ bảo vệ môi trường diễn ra công khai, trách nhiệm này thuộc về ai?

Trong Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 09/06/2015 ban hành Quy chế quản lý rừng phòng hộ. Đối chiếu quy định, việc buôn bán, chuyển nhượng, xẻ thịt đất rừng phòng hộ bảo vệ môi trường diễn ra công khai thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về Ban quản lý rừng phòng hộ và UBND cấp xã.

Đây là cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương nhưng lại không kịp thời kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền.

Ngoài ra, UBND thành phố và UBND huyện Sóc Sơn cũng có trách nhiệm do buông lỏng công tác quản lý, thanh kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Hình thức xử lýhiệu quả nhất cho nhữngtrường hợp xây dựng trái phép trên?

Tùy vào hành vi và mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có công trình xây dựng trái phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm a Khoản 7 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bát động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.

Theo đó, hành vi xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định 121/2013/NĐ-CP, người thực hiện hành vi vi phạm còn có thể bị buộc thực hiện một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính; Buộc phá dỡ công trình xây dựng, bộ phận công trình xây dựng vi phạm.

Trường hợp có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 343 Bộ Luật Hình sự, người thực hiện hành vi xây dựng trái phép thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xin cảm ơn Luật sư!

Bạn đang đọc bài viết Tiếp bài 'Đặc khu biệt thự' ở Sóc Sơn: Có thể bị xử lý hình sự?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.