Thứ tư, 24/04/2024 00:09 (GMT+7)

Thanh tra môi trường: ‘Chưa bị DN tố tiêu cực’

MTĐT -  Thứ hai, 16/10/2017 09:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ông Hoàng Văn Vy, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Kiểm soát bảo vệ môi trường (Tổng cục Môi trường), đã khẳng định như thế khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Vy, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Kiểm soát bảo vệ môi trường (Tổng cục Môi trường), về đảm bảo chất lượng trong việc thanh tra môi trường.

“Đảm bảo khách quan, chất lượng”

Phóng viên: Quyết định 999/TCMT về việc thanh tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có tỉnh Long An, trong vòng 45 ngày nhưng tiến hành kiểm tra tới 30 doanh nghiệp (DN). Vậy xin hỏi hiệu quả, tính chính xác, khách quan liệu có được đảm bảo không?

+ Ông Hoàng Văn Vy: Thực ra là hoạt động thanh tra chuyên ngành sẽ đảm bảo một số nội dung sau: Thứ nhất rà soát lại các hồ sơ liên quan đến công tác bảo vệ môi trường của địa phương, DN phải có. Thứ hai là kiểm tra việc thu gom quản lý, chất thải trong quá trình hoạt động làm có đúng hay không. Thứ ba nữa là đánh giá chất lượng môi trường của DN thông qua việc lấy mẫu, nguồn thải. Đồng thời kiểm tra quy định về pháp luật môi trường.

Trong quá trình phân công thì chúng tôi rà hết tất cả hồ sơ thủ tục bảo vệ môi trường, yêu cầu thu gom, xả thải… Đối với những DN làm chưa đúng thì chúng tôi yêu cầu phải chấn chỉnh luôn.

Tổ công tác liên ngành lấy mẫu và kiểm tra nước thải ra môi trường của Formosa.Ảnh: TTXVN

Mỗi DN chúng tôi dự kiến là làm 2,5 ngày, trong đó có một buổi công bố, một buổi thu thập hồ sơ tài liệu, một ngày khảo sát hiện trường lấy mẫu và một buổi nữa là thông báo kết quả. Riêng ở Long An, chúng tôi thực hiện chia tách thành hai tổ để tiến hành thanh tra chứ không phải như thông tin đưa hơn một ngày/DN.

Tuy nhiên, cũng có những dự án lớn chúng tôi làm không xong, có thể phải đặt lịch làm thêm một vài ngày nữa. Ví dụ như thanh tra Formosa phải làm đến cả tháng trời vì nó rất nhiều hạng mục.

.Vậy có người trong cùng một lúc ở hai đoàn khác nhau, ví như ông Nguyễn Xuân Quang (Cục phó Cục Hoạt động bảo vệ môi trường) vừa thanh tra ở Long An nhưng vẫn nằm trong danh sách làm phó đoàn kiểm tra Formosa Hà Tĩnh. Vậy liệu ông Quang có đảm bảo được nhiệm vụ được giao không?

+ Đoàn của Formosa đã tiến hành triển khai thanh tra trước khi tiến hành triển khai đoàn thanh tra ở Long An (chứ không phải triển khai cùng lúc).

Theo tôi được biết thì hôm kiểm tra ở Formosa (đầu tháng 9), ông Quang đang tiến hành thanh tra ở Long An nên không thể đi được. Vì thế thanh tra chỉ được một nơi, tức là vướng thanh tra ở Long An thì không thể đi được cùng đoàn ngoài Formosa.

Về việc có đảm bảo chức trách hay không thì tôi không bình luận vì đoàn của ông Quang hôm 19-9 công bố thanh tra ở phía Nam, còn đoàn ở Formosa là đi trước ngày 19.

Hơn nữa, trong quá trình thanh tra cũng có nhiều mảng khác nhau, có người đảm đương được việc đó thì ông Quang có thể vắng mặt chứ không có chuyện đã có trong danh sách đoàn thanh tra mà bỏ được.

. Nghĩa là ở đây đã có sự chồng chéo trong quá trình giao nhiệm vụ thanh tra?

+ Về việc này, ông Quang được giao làm trưởng đoàn ở trong này thì trách nhiệm chính là của ông Quang. Đoàn kiểm tra ở Formosa là ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục Môi trường, làm trưởng đoàn.

Ông Quang có thể tham gia nhưng vì một lý do nào đó triển khai trùng thì ông Quang có thể đề nghị phân công người khác thực hiện thay. Việc này chỉ là do bố trí thôi, trong quá trình làm có những việc phát sinh thì lịch phải thay đổi.

Cuối cùng, đoàn nào tham gia kiểm tra, đánh giá việc chấp hành pháp luật về môi trường cũng đều phải đảm bảo hiệu quả, khách quan, minh bạch, đảm bảo chất lượng.

Nếu có sai phạm, xử lý ngay

. Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng đi thanh tra là va chạm với cám dỗ, dễ tiêu cực. Vậy có cơ chế nào để kiểm soát được việc này không, thưa ông?

+ Quá trình triển khai đoàn thanh tra, thường thì luôn có một đoàn là giám sát hoạt động của đoàn thanh tra từ trình tự thủ tục, tác phong… Tức là khi làm việc với DN và tất cả hoạt động thanh tra đều được giám sát chặt chẽ.

Ngoài ra trước đây, người ra quyết định thanh tra giao cho cục nào đi thanh tra thì cục trưởng cục đó có trách nhiệm giám sát hoạt động đó. Ví dụ như Cục Môi trường miền Nam thanh tra thì ông cục trưởng cục này thực hiện giám sát.

Trong trường hợp có dấu hiệu tiêu cực thì sẽ phải tiến hành xác minh ngay và báo cáo lên lãnh đạo cấp Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT. Nếu có sai phạm thì sẽ phải tiến hành xử lý.

Tuy nhiên, đến nay chỉ là có những thông tin này kia thôi. Còn DN tố cáo, có ý kiến thì hầu như là chưa. Bản thân chúng tôi chỉ cần nghe qua thông tin đại chúng là đã vào cuộc xác minh rồi không cần phải có đơn tố cáo của DN.

Xin cám ơn ông.

Tập trung DN có nguồn xả thải lớn

So với những năm gần đây thì đối tượng, số lượng thanh tra có xu hướng giảm dần vì chủ yếu tập trung vào những DN có nguồn thải lớn như Formosa, Lee&Man, Hóa lọc dầu Nghi Sơn, bôxit Tây Nguyên. Còn những DN nhỏ thì sẽ phân cấp cho các địa phương thực hiện.

Ông HOÀNG VĂN VY,Phó Cục trưởng phụ trách Cục Kiểm soát bảo vệ môi trường (Tổng cục Môi trường)

Bạn đang đọc bài viết Thanh tra môi trường: ‘Chưa bị DN tố tiêu cực’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo plo.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới