Thứ sáu, 19/04/2024 10:29 (GMT+7)

Lâm hà - Lâm Đồng: 10 năm chưa xong một bản án?!

TÂN TÂY ĐÔ -  Thứ bảy, 14/10/2017 07:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cách đây tròn 20 năm, tại xã Hoài Đức (Lâm Hà, Lâm Đồng) đã diễn ra vụ tranh giành đất. Vụ việc đã được xét xử sơ thẩm, phúc thẩm rồi giám đốc thẩm, song vẫn chưa thể đưa ra một phán quyết sau cùng.

Những điều phi lý

Theo chủ trương của Nhà nước, năm 1985 gia đình ông Nguyễn Khánh Quỳnh (khi ấy ở huyện Hoài Đức, Hà Nội) cùng hàng nghìn hộ di cư vào Tây Nguyên lập nghiệp.

Tại quê hương mới, gia đình ông Quỳnh bắt tay vào khai phá, cải tạo đồi hoang để trồng trọt, tăng gia sản xuất. Sau gần 13 năm gắn bó với mảnh đất, năm 1997, gia đình ông cùng 657 hộ khác được UBND huyện Lâm Hà cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (GCNQSDT) đợt 1.

Theo Quyết định số 865/QĐ-UB ngày 12/12/1997, thửa đất ông Quỳnh được cấp sổ đỏ mang số 47, thuộc tờ bản đồ số 01, diện tích 30.886m2, tại xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà.

Ngôi nhà được cho là xây trái phép trên đất của gia đình ông Quỳnh

 Theo phản ánh của anh Nguyễn Khánh Mạnh (người thừa kế của ông Quỳnh) thì, sau bao năm khai phá, cải tạo đất, nay được nhà nước công nhận quyền sở hữu hợp pháp. Ông Quỳnh cùng các con xiết bao vui mừng với những dự định mới nhằm phát triển kinh tế gia đình. Nhưng dự định của bố con ông không thể thành hiện thực.

“Năm 1999, các ông Nguyễn Văn Trì, Nguyễn Danh Đức, Phạm Văn Khoa cùng một số người khác đã ngang nhiên nhẩy vào chiếm đoạt toàn bộ khu đất đã có sổ đỏ của gia đình tôi.

Sau khi chiếm đất, ông Nguyễn Danh Đức và Phạm văn Khoa đã xây nhà sinh sống. Còn Nguyễn Văn Trì thì “cắt” ra nhiều mảnh, bán lại cho một số người gồm các ông Hải, Côn, Trung, Thạch, Cảnh, Yên, Hồng và con trai là Nguyễn Văn Dũng”, đơn phản ánh viết.

Thấy quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm, các con ông Quỳnh đã định “ăn thua đủ” với những người chiếm đất, nhưng với bản tính hiền lành, ông Quỳnh không cho các con manh động mà chọn cách bảo vệ tài sản bằng cách gửi đơn khiếu kiện đến các cơ quan chức năng.

Và kể từ thời điểm này, gia đình ông Quỳnh bắt đầu “cuộc hành trình” đi tìm công lý hết sức gian nan và khổ ải, trải qua hai thế hệ, người bố chết, người con tiếp tục theo đuổi vụ việc nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả và vụ việc chưa biết bao giờ mới có hồi kết.

“Ngâm án…" ?

Sau thời gian thụ lý và đưa ra xét xử, sự thật, đúng, sai tưởng như đã sáng tỏ qua hai phiên tòa Sơ thẩm và Phúc thẩm. Theo phán quyết của TAND huyện Lâm Hà tại bản án Sơ thẩm số 13/2008/DS-ST ngày 31/1/2008 và bản án Phúc thẩm số 195/2008/DS-PT ngày 13/10/2008 của TAND tỉnh Lâm Đồng.

Trụ sở TAND huyện Lâm Hà

 Cả hai cấp tòa đã tuyên buộc tất cả những người đã chiếm đoạt trái phép toàn bộ diện tích đất đã có sổ đỏ phải trả lại cho nguyên đơn, bao gồm: bố con ông Nguyễn Văn Trì và Nguyễn Văn Dũng phải trả lại cho nguyên đơn 11.640 m2 đất; vợ chồng ông Nguyễn Danh Đức và Nguyễn Thị Thái phải trả lại 5.932 m2, vợ chồng ông Phạm văn Khoa và Nguyễn Thị Bình phải giao trả 4.669 m2, Nguyễn Khắc trung phải trả lại 560 m2, Lê văn hồng phải trả 2.192 m2 …

Kèm theo việc buộc phải trả lại trả đất, Tòa cũng đã tuyên ông Quỳnh (nguyên đơn) phải trả cho ông Nguyễn Danh Đức 18.122.500 đồng (tiền tài sản trên đất – PV), hủy bỏ việc sang nhượng giữa ông Trần Yên và bà Bùi Thị Loan, ông Yên phải trả cho bà Loan 38 triệu đồng, hủy bỏ việc sang nhượng giữa ông Trì với ông Nguyễn Văn Trung, buộc ông Trì phải trả cho ông Trung 17,9 triệu đồng tiền bán đất.

Sau phán quyết của tòa. Do các bị đơn chống đối, không chịu thi hành án, ngày 26/11/2009, Chi cục Thi hành án huyện Lâm Hà đã ra quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên, khi chuẩn bị thực hiện cưỡng chế thì bỗng có “lệnh” tạm dừng?

Cùng với đó, các bị đơn gồm Nguyễn Danh Đức, Nguyễn Văn Trì và Nguyễn Văn Dũng đã có đơn kiến nghị đến Viện KSND tối cao và TAND tối cao, đề nghị xem xét lại bản án.

Về phía VKSND tối cao đã có Văn bản số 3019/VKSND Tối cao ngày 8/10/2010, khẳng định các bị đơn không có cơ sở kháng nghị bản án phúc thẩm số 195/2008/DS-PT ngày 13/10/2008 của TAND tỉnh Lâm Đồng.

Tuy nhiên, ngày 12/10/2011, Chánh án TAND Tối cao ra Quyết định kháng nghị bản án Phúc thẩm của TAND tỉnh Lâm Đồng.

Tiếp theo, ngày 18/11/2012, Hội đồng Giám đốc thẩm tòa Tối cao đã ra Quyết định Giám đốc thẩm số 35/2012/DS-GĐT, hủy bản án Phúc thẩm số 195/2008/DS-PT ngày 13/10/2008 của TAND tỉnh Lâm Đồng, hủy bản án Sơ thẩm số 13/2008/DS-ST của TAND huyện Lâm Hà. Đồng thời giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Lâm Hà xét xử sơ thẩm lại vụ án theo quy định của pháp luật.

Dân khánh kiệt, tòa bỏ mặc?

Bắt đầu từ đây, theo di chúc của ông Quỳnh, gia đình anh Nguyễn Khánh Mạnh cùng các anh em khác bước vào cuộc “hành trình” gian nan theo kiện. Kể từ khi tiếp nhận hồ sơ để xét xử lại phiên Sơ thẩm, đã gần 6 năm trôi qua, nhưng vụ việc vẫn “giẫm chân tại chỗ”.

Làm việc với PV, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chánh án TAND huyện Lâm Hà cho biết: Do vụ án quá phức tạp, phát sinh nhiều tình tiết mới nên phải kéo dài?!

Cũng theo ông Hùng, vụ án này ông cũng đã quan tâm, nắm bắt cụ thể qua báo cáo hàng tháng của thẩm phán được giao thụ lý vụ án.

Trả lời đề nghị của PV được tiếp cận với văn bản báo cáo của thẩm phán về vụ án này, hoặc biên bản cuộc họp có ghi nội dung về vụ án, ông Hùng cho biết là chỉ có báo cáo “miệng”.

Tiếp tục với câu hỏi về việc thẩm phán nhiều lần “gọi” nguyên đơn lên để thay mặt bị đơn “thương lượng, ra giá”  đền bù, giải quyết nhằm không phải trả lại đất (theo tố cáo của nguyên đơn- PV). Ông Chánh án cho biết, do tính chất phức tạp của vụ án, thẩm phán phải dùng “kỹ năng” để giải quyết?!

Phải chăng sự thờ ơ, vô trách nhiệm của TAND huyện Lâm Hà đã đẩy gia đình ông Mạnh vào bước đường cùng, gia tài khánh kiệt, sức khỏe và tinh thần suy sụp.

Không những thế, TAND huyện cũng như chính quyền địa phương còn “phớt lờ”, không có động thái gì, dù nguyên đơn đã có đơn đề nghị TAND huyện Lâm Hà, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, ngăn chặn tình trạng phía bị đơn, bất chấp pháp luật vẫn tiếp tục sang nhượng  đất trái phép, khiến tình hình ngày càng thêm phức tạp, khó giải quyết.

Tại sao gần chục năm trôi qua, kể từ ngày được giao xét xử lại án Sơ thẩm, nhưng TAND huyện Lâm Hà chưa thể tổ chức phiên tòa? Phải chăng, ngoài sự thờ ơ, vô trách nhiệm của những người “cầm cân nẩy mực”, còn có những “khuất tất, tiêu cực” khiến vụ việc kéo dài với những diễn biến mới phức tạp hơn?! 

Bạn đang đọc bài viết Lâm hà - Lâm Đồng: 10 năm chưa xong một bản án?!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?