Thứ sáu, 26/04/2024 03:47 (GMT+7)

Cần Thơ: Dân tố chính quyền thu hồi đất trái pháp luật

Thế Bôn -  Thứ năm, 21/09/2017 11:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự án nhà máy xử lý chất thải rắn tại Cần Thơ: Dân tố chính quyền Cần Thơ thu hồi đất trái pháp luật.

Ban biên tập Môi trường và đô thị Việt Nam điện tử nhận được đơn kêu cứu và đề nghị can thiệp của cụ Nguyễn Tuấn Kiệt 85 tuổi, thường trú khu vực Thới Phong A, phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

Theo đơn phản ánh UBND quận Ô Môn cùng Hội đồng bồi thường thiệt hại và tái định cư dự án nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung tại đây, trong quá trình thu hồi đất và chính sách tái định cư cho gia đình các con của cụ đã thực hiện không đúng theo quy định của Luật đất đai, dẫn đến những việc làm sai phạm của chính quyền trong việc thực hiện cưỡng chế để thu hồi đất...

Vợ chồng cụ Kiệt đứng trên khu nhà bị cưỡng chế chỉ túp lều màu xanh mà gia đình cụ đã từng cả chục ngườì phải tá túc ăn tết ở đây…

Quá trình xác minh cho thấy, vợ chồng cụ Nguyễn Tuấn Kiệt (có 5 người con), được cha mẹ chia cho một khu đất từ trước giải phóng 1975 để ra ở riêng và canh tác.

Năm 1978, cụ Kiệt lên liếp lập vườn, trồng cây lâu năm và xây dựng căn nhà trên thửa đất này và sinh sống ổn định từ đó đến nay.

Năm 1989, cụ được UBND huyện Ô Môn cấp Giấy CNQSDĐ (tạm thời) và đến năm 2006 cụ được cấp lại Giấy CNQSDĐ (sổ đỏ), diện tích đất 4.789m2, thửa đất số 674, tờ bản đồ số 04.

Vì tuổi cao sức yếu, việc đi lại vay vốn ngân hàng khó khăn nên năm 2009 cụ Kiệt đã sang cho người con trai út là anh Nguyễn Tuấn An đứng tên thửa đất này để có điều kiện vay vốn làm ăn. Từ năm 1990 đến năm 2010 đất bị quy hoạch, cụ luôn nộp đầy đủ thuế nhà đất hàng năm.

Vườn xoài có tuổi đời gần nửa thế kỷ đang cho thu hoạch hàng trăm triệu mỗi năm bị chặt phá nhưng lại đề bù rẻ mạt. 

Tháng 03 năm 2010, UBND quận Ô Môn công bố quy hoạch xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn tại phường Thới An, quận Ô Môn. Toàn bộ thửa đất số 674 có 2 căn nhà xây dựng kiên cố, 01 căn của vợ chồng cụ Kiệt làm từ năm 1978 có vợ chồng anh An con trai út đang ở cùng và 01 căn của hộ anh Nguyễn Văn Hớn con trai cả của cụ, xây dựng từ năm 1994, vợ chồng và 2 con anh Hớn ở ổn định từ đó đến nay không ai tranh chấp (và đã tách hộ khẩu về căn nhà này từ năm 1995) bị lọt vào quy hoạch dự án này.

Theo bảng chi tiết bồi thường ngày 29 tháng 11 năm 2010, thì cả 2 hộ anh Nguyễn Tuấn An và anh Nguyễn Văn Hớn đều không được bồi thường về đất ở và không được bố trí tái định cư theo luật định...

Đất bị cưỡng chế nhưng hàng chục năm dự án không triển khai…Nhìn xa chỉ thấy khói mù bao phủ của một nhà máy thủ công đã cũ nát đang gây ô nhiễm…

Các con cụ Kiệt đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại đến UBND quận Ô Môn và UBND thành phố Cần Thơ để đòi quyền lợi nhưng đều bị bác đơn, vì 2 cấp chính quyền nơi đây cùng cho rằng đơn khiếu nại của các anh không có cơ sở để giải quyết...

Ngày 13-6-2014, Chủ tịch UBND quận Ô Môn ký ban hành Quyết định số 1897/QĐ-UBND, về việc cưỡng chế thu hồi đất nhưng không bồi thường đất ở và tái định cư cho 2 hộ con trai cụ Kiệt theo quy định. Quyết định này đã vi phạm pháp luật về đất đai.

Bởi lẽ, theo hồ sơ vụ việc, chính quyền quận Ô Môn và Phường Thới An đã thừa nhận việc gia đình cụ Kiệt đã cất nhà ở tại thửa đất số 674, tờ bản đồ số 04 từ năm 1978 và đã đóng thuế nhà đất cho Nhà nước từ năm 1989 đến khi đất bị thu hồi là trên 20 năm. Do đó, khi Nhà nước thu hồi toàn bộ thửa đất này làm dự án, thì phải thực hiện đúng theo các quy định sau đây:

1- Về việc bồi thường đất ở của hộ anh Nguyễn Tuấn An

Theo Khỏan 2, Điều 45 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai quy định: “Trường hợp đất ở có vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư được sử dụng trước ngày 18 tháng 12 năm 1980 mà trong hồ sơ địa chính hoặc các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai có ghi nhận rõ ranh giới thửa đất ở (hoặc thổ cư) thì toàn bộ diện tích đất đó được xác định là đất ở theo quy định tại khoản 2 Điều 87 của Luật Đất đai: “…Trường hợp ranh giới thửa đất chưa được xác định trong hồ sơ địa chính hoặc trên các giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai thì diện tích đất ở được xác định không quá năm (05) lần hạn mức diện tích giao đất ở của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định tại khoản 2 Điều 83 và khoản 5 Điều 84 của Luật Đất đai nhưng tổng diện tích không vượt quá diện tích đất mà hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng; phần diện tích đất còn lại sau khi đã xác định thửa đất ở thì được xác định theo hiện trạng sử dụng đất.

Ngoài ra, tại Điều 6n về Phân loại đất, Nghị định 181 còn quy định: “1. Loại đất, mục đích sử dụng đất của mỗi thửa đất được xác định theo một trong các căn cứ sau: d) Đất đang sử dụng ổn định phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt; đ) Đối với trường hợp chưa có căn cứ quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này thì căn cứ vào hiện trạng sử dụng đất ổn định, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh xác định loại đất, mục đích sử dụng đất. 3. Đất đai được phân loại theo các nhóm như sau: a) Nhóm đất nông nghiệp; b) Nhóm đất phi nông nghiệp; c) Nhóm đất chưa sử dụng. 5. Nhóm đất phi nông nghiệp được chia thành các phân nhóm sau: a) Đất ở bao gồm đất ở tại nông thôn và đất ở tại đô thị.” Theo các quy định đã nêu, mặc dù trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Tuấn An có ghi thửa 674 diện tích 4.789m2 đất trồng cây lâu năm nhưng thực tế trên đất này gia đình ông Nguyễn Tuấn An đã cất nhà ở hợp pháp từ năm 1978.

Do vậy, ông An có phần đất ở (thuộc nhóm đất phi nông nghiệp) trong thửa đất 674 nên ông An được nhận tiền bồi thường phần đất ở và được tái định cư theo Điều 4 Nghị định 197/NĐ-CP là phù hợp.

Chưa hết, theo điểm a khỏan 1 Điều 44, Nghị định 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ về Bồi thường, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đất đối với đất sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất: “a- Trường hợp đất đang sử dụng là đất có nhà ở và không thuộc một trong các trường hợp sử dụng đất quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định này thì người đang sử dụng đất được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng nhưng diện tích được bồi thường không vượt quá hạn mức giao đất ở theo quy định tại khoản 2 Điều 83 và khoản 5 Điều 84 của Luật Đất đai tại thời điểm có quyết định thu hồi đất. Đối với phần diện tích vượt hạn mức giao đất ở và phần diện tích đất vườn, ao trên cùng thửa đất có nhà ở nhưng không được công nhận là đất ở (nếu có) thì được bồi thường, hỗ trợ về đất theo quy định đối với đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư ”.

Chúng tôi muốn nêu ra thêm điều khỏan này để chứng minh, người không có giấy tờ về QSDĐ khi bị thu hồi đất còn được bồi thường đất ở, thì không có lý do gì người đã có giấy CN-QSDĐ hợp pháp như gia đình anh Nguyễn Tuấn An (đất có tình trạng pháp lý tốt hơn) lại không được bồi thường đất ở khi bị thu hồi.

Chính quyền nơi đây làm sai nghiêm trọng… nhưng Văn bản số 265/C.III-NV2 ngày 11/8/2015 của Cục Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Thanh tra khu vực III, do ông Đỗ Duy Phức,  phó Trưởng cục III ký, vẫn cố tình “bảo kê” cho các quyết định ban hành trái pháp luật của UBND quận Ô Môn và UBND TP.Cần Thơ?!

2- Về việc bồi thường đất ở của hộ anh Nguyễn Văn Hớn

Theo quy định, khi có chấp thuận chủ trương triển khai dự án, Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng phải khảo sát, đo đạc, lên liệu đồ hoặc bản đồ tuyến để xác định rõ “hiện trạng sử dụng đất” xem trên diện tích đất dự án có bao nhiêu hộ dân sinh sống và tình trạng hành chính các hộ dân cụ thể ở đây ra sao…Từ đó có phương án bồi thường, tái định cư phù hợp với các quy định hiện hành.

Trường hợp hộ anh Nguyễn Văn Hớn được UBND phường Thới An xác nhận đã có nhà ở ổn định từ năm 1994 trên phần đất diện tích 200m2 tại thửa 674 do cha mẹ cho, trước khi sang tên thửa đất này cho anh Nguyễn Tuấn An đứng tên. Sau đó, anh Hớn đã cùng vợ con tách hộ khẩu riêng về căn nhà đó từ năm 1995.

Như vậy, mặc dù phần đất của gia đình anh Hớn còn nằm trong sổ đỏ, nhưng khi thực hiện dự án, Ban giải phóng mặt bằng nơi đây chưa làm rõ thực tế “hiện trạng” phần đất của hộ anh Hớn đang sử dụng để giải quyết bồi thường theo quy định tại Điểm a, Khỏan 1, Điều 45, Nghị định 84/2007/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất đối với đất sử dụng từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 trở về sau mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất: “Trường hợp đất đang sử dụng là đất có nhà ở và không thuộc một trong các trường hợp sử dụng đất quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định này thì người đang sử dụng đất được bồi thường về đất theo diện tích đất thực tế đang sử dụng nhưng diện tích được bồi thường không vượt quá hạn mức giao đất ở quy định tại khoản 2 Điều 83 và khoản 5 Điều 84 của Luật Đất đai tại thời điểm có quyết định thu hồi đất và giá trị bồi thường phải trừ đi tiền sử dụng đất phải nộp theo mức thu quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 8 Nghị định số 198/2004/NĐ-CP”.

Như vậy, việc UBND quận Ô Môn chưa bồi thường đất ở và không bố trí tái định cư cho 2 hộ của anh em ông Nguyễn Tuấn An nêu trên là không đúng với quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân

Điều tra của Thế Bôn

Bạn đang đọc bài viết Cần Thơ: Dân tố chính quyền thu hồi đất trái pháp luật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.