Thứ bảy, 20/04/2024 02:39 (GMT+7)

Vụ vi phạm GT Cà Mau: Xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp

Yến Minh - Thế Bôn -  Thứ tư, 24/10/2018 16:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (GTĐB) của TAND huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, diễn ra từ 8 giờ sáng đến 17g30 phút chiều ngày 19/10/2018.

Đến cuối phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) huyện Cái Nước đã xin rút hồ sơ, để làm rõ một số tình tiết trong vụ án. Đây là phiên tòa hình sự sơ thẩm (lần 3), Hội đồng xét xử (HĐXX) tôn trọng kết quả tranh luận, dân chủ, khách quan, minh bạch theo tinh thần cải cách tư pháp, được dư luận đồng tình và đánh giá cao (MTĐT đã có loạt bài phản ánh).

     

Hiện trường vụ án códấu hiệubị sai lệch?!

Theo cáo trạng của Viện KSND huyện Cái Nước, vào khoàng 15 giờ ngày 1/6/2016, anh Dương Văn Công, sinh năm 1974, điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 69K1-165.43, chở bà Lâm Thị Hậu (mẹ ruột) đi từ xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời về nhà anh Công, ở xã Phú Tân, huyện Phú Tân. Khi đến khu vực ấp Cái Chim, xã Trần Thới, huyện Cái Nước, thì bị xe ô tô tải, biển số 69C-012.20 do Trần Văn Khang, điều khiển đi ngược chiều và chạy lấn sang phần đường hướng xe anh Công đang lưu thông nên anh Công thắng gấp, làm xe của anh bị ngã. Bà Hậu và anh Công ngã xuống đường, xe ô tô tài chạy qua cán vào đầu bà Hậu, làm bà Hậu tử vong tại chỗ, anh Công bị thương tích nhẹ. Sau khi gây tai nạn, Trần Văn Khang điều khiển xe qua khỏi hiện trường khoảng 20m dừng lại ít phút, rồi tiếp tục chạy đi giao hàng ở thành phố Cà Mau và thị xã Gía Rai. Đến 19 giờ cùng ngày, Công an huyện Cái Nước mới mời được Khang về làm việc. Kết quả điều tra, xác định Trần Văn Khang, đã gây ra vụ TNGT và bị truy tố ra trước TAND, để xét xử về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện GTĐB, theo điểm C Khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự.

Xe ô tô biển số 69C- 012.20 do Trần Văn Khang điều khiển

Sau khi công bố cáo trạng, Hội đồng xét xử (HĐXX), các luật sư, đại diện Viện KSND, đã tập trung thẩm vấn bị cáo Trần Văn Khang và các nhân chứng, đại diện hợp pháp cho bị hại Lâm Thị Hậu, chủ xe, nguyên đơn dân sự. Bị cáo cho biết: Vào khoảng 14g15 phút ngày 1/6/2016, Trần Văn Khang điều khiển xe ô tô tải, biển số 69C- 012.20, của doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Thảo Nhi, chở tôm đi giao theo yêu cầu của doanh nghiệp. Cùng đi trên xe có Diệp Tứ Thuận (phụ xe), lưu thông từ Cái Đôi Vàm đi thị trấn Cái Nước. Khi xe chạy tới ấp Cái Chim thì thấy có vụ TNGT xảy ra nằm toàn bộ phần đường bên trái theo hướng đi, lúc đó trời mưa vừa vừa. Bị cáo Khang cho xe tránh sát về bên phải, tốc độ khoảng 10km/giờ. Xe chạy tới gần cầu Tân Đức thì Cảnh sát giao thông (CSGT) yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Không phát hiện ra điều gì bất thường nên CSGT cho xe Khang tiếp tục lưu thông. Khang điều khiển xe tới Công ty chế biến thủy sản ở thành phố Cà Mau và Công ty chế biến thủy san ở thị xã Giá Rai giao tôm nguyên liệu. Đến 19 giờ cùng ngày, CSGT Công an huyện Cái Nước yêu cầu Trần Văn Khang, đưa xe biển số 69C- 012.20 cùng xe ô tô tải biển số 69C-004.12 của DNTN Thảo Nhi, về Công an huyện Cái Nước, để điều tra vụ TNGT. Trả lời câu hỏi của HĐXX vì sao thấy TNGT mà không cho xe dừng lại, Trần Văn Khang trả lời lúc đó có nhiều người ở đó và xe của Khang chở tôm nguyên liệu phải đi giao hàng, còn xe của Khang có dính mẫu vật, vì vụ tai nạn giao thông xảy ra lúc trời mưa, mẫu vật loang ra đường. Trần Văn Khang khẳng định, không gây TNGT, bị cáo bị oan, đề nghị cơ quan chức năng tìm ra đối tượng gây ra vụ TNGT, để xử lý theo pháp luật.

Tại phiên tòa sơ thẩm, anh Dương Văn Công (nguyên đơn dân sự) trình bày: Vào khoảng 15 giờ chiều ngày 1/6/2016, anh Công điều khiển xe gắn máy, biển số 69K1-165.43, chở bà Lâm Thị Hậu (mẹ ruột). Khi đến khu vực ấp Cái Chim, xã Trần Thới, huyện Cái Nước, lúc đó trời mưa, anh Công chạy với tốc độ 45-50km/giờ, thì phát hiện xe ô tô tải, vận tốc khoảng 70- 80km/giờ, chạy ngược chiều lấn hết phần đường xe gắn máy. Khi cách xe ô tô tải khoảng 10m, anh Công thắng gấp nên xe gắn máy té ra giữa lộ. Anh Công và bà Hậu bị té nằm gần nhau, cách xe gắn máy 5m. Anh không nhớ bị té trước hay sau xe ô tô tải nhưng bị xe ô tô tải chạy qua cán vào đầu bà Hậu, làm bà Hậu tử vong tại chỗ, còn anh Công bị thương tích. Khi qua khỏi hiện trường 20m, xe ô tô tải dừng lại nên anh thấy được biển số xe 69C-012.20. Anh nhiều lần khẳng định không di dời thi thể mẹ anh, mà chỉ chỉnh lại đầu mẹ anh cho ngay ngắn và niệm phật cho mẹ. Khi HĐXX hỏi anh Công điều khiển xe gắn máy với tốc độ 45-50km/giờ thì sao trên hiện trường, vết xe gắn máy cày trên đường dài tới 30m thì anh Công lại trả lời...không nhớ !?

    

Coi trọng kết quả tranh tụng tại phiên tòa

Sau khi đại diện Viện KSND phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án, đề nghị HĐXX tuyên Trần Văn Khang phạm tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện GTĐB, theo khoản 1 Điều 9 Luật giao thông đường bộ, áp dụng Điểm C Khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt bị cáo Khang từ 3 đến 4 năm tù. Các luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Văn Khang đã trình bày ý kiến tranh luận: Trong vụ án này, Trần Văn Khang bị Viện KSND truy tố về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện GTĐB là không có căn cứ. Cụ thể là: Biên bản hiện trường và sơ đồ hiện trường có nhiều nội dung chưa chính xác, có dấu hiệu phục dựng lại. Biên bản tai nạn giao thông và sơ đồ hiện trường có điểm đáng chú ý: vị trí nạn nhân đã được di dời, biên bản hiện trường bị xáo trộn. Các biên bản có sự trùng lập về thời gian; biên bản hiện trường và sơ đồ hiện trường không có ông Lê Văn Đời ký tên và không thể hiện xe tải va chạm với xe máy nhưng biên bản tai nạn giao thông, ông Đời trình bày xe tải va chạm với xe gắn máy là không chính xác.

TAND huyện Cái Nước

Biên bản khám nghiệm xe, bản ảnh khám nghiệm hiện trường, bản ảnh khám nghiệm tử thi, bản ảnh khám nghiệm xe, biên bản kiểm tra xe đều lập sau ngày xảy ra tai nạn. Thời tiết lúc xảy ra tai nạn trời mưa không được thể hiện trong biên bản hiện trường, xe ông Công bị ngã, sau đó ông Công dựng lên, mở cốp xe lấy điện thoại điện cho người thân, đã làm sai lệch hiện trường. Khi thực nghiệm điều tra về thời gian không phù hợp với thời gian xảy ra tại nạn, lúc xảy ra tai nạn trời mưa nhưng khi thực nghiệm lại là trời nắng. Cơ quan điều tra không lấy lời khai của ông Công ngay trong ngày xảy ra tại nạn mà 5 ngày sau mới lấy lời khai. Ai đưa ông Công đi bệnh viện, khi xuất viện không nộp hồ sơ bệnh án mà đến ngày 22/11/2016 mới nộp cho Công an. Việc ông Công khai thấy xe tải phía trước chạy tốc độ cao, lấn đường, ông Công thắng gấp nên bị té, vết cày dài 30m nhưng ông Công vẫn nhìn thấy biển số xe gây tai nạn là không chính xác. Tại bút lục 323, 324, ông Công trình bày, khi xảy ra TNGT, xe va chạm rất mạnh là không đúng với thực tế, trong khi xe của Khang không có dấu trầy xước do va chạm. Các lời khai của ông Công có nhiều mâu thuẫn, không đáng tin cậy, không ai trực tiếp nhìn thấy vụ tai nạn nên xe tải biển số 69C-012.20 không va chạm với xe gắn máy là có cơ sở.

Luật sư cho rằng, Viện KSND căn cứ sơ đồ hiện trường, biên bản phân tích lỗi, để buộc tội bị cáo Khang là không có cơ sở. Bởi lẽ: Sơ đồ hiện trường lập lúc 15 giờ ngày 1/6/2018 là rất sớm, ngay sau khi xảy ra tai nạn nhưng không xác định được ví trí bà Hậu ngã, vị trí xe ông Công ngã, sơ đồ hiện trường cũng không xác định được vị trí nằm của nạn nhân, vị trí xe ông Công ngã, đây là sai sót rất nghiêm trọng.Trong sơ đồ hiện trường có độ sai số rất lớn ở phần tỷ lệ khu vực các mẫu sinh học của nạn nhân trên mặt lộ, ở vùng các dấu vết sinh học của nạn nhân, sơ đồ thể hiện tỷ lệ 1/250, khi tính lại là không phù hợp, thể hiện việc sơ sài trong việc lập sơ đồ hiện trường. Biên bản thực nghiệm điều tra thể hiện lấy óc động vật làm mẫu vật, sau khi thực nghiệm điều tra thu giữ mẫu vật cho là trùng khớp với mẫu vật đã thu giữ của nạn nhân trước đó nhưng hồ sơ không thể hiện được việc trùng khớp đó, sơ đồ có sự sai số, do đó thực nghiệm là chưa chính xác. Trong bản ảnh tử thi thể hiện là Hậu bị bể nửa đầu bên phải, không bị thương nửa người bên phải. Như vậy, khi xe cán chỉ ở một góc đầu của bà Hậu và chỉ có nửa bánh xe cán qua đầu bà Hậu, điều đó không thể nào các mẫu vật sinh học văng lên khắp gầm xe tải do bị cáo Khang điều khiển. Đối với xe chạy với vận tốc 50km/h thì chỉ trong 0,5 giây là xe đã đi qua hiện trường, không thể nào mẫu vật sinh học dính khắp gầm xe. Còn việc các mẫu vật dính trên xe của bị cáo Khang là do trong biên bản hiện trường thể hiện các mẫu vật sinh học của bà Hậu văng vãi trên bề mặt rộng 2,6m nên khi xe bị cáo Khang đi qua bánh xe cuốn lên. Ngoài xe của bị cáo Khang còn có xe mang biển số 69C- 004.12 điều khiển qua hiện trường, cũng có các mẫu vật sinh học dính lên xe. Vậy, tại sao, xe của Trần Văn Khang dính các dấu vết sinh học thì kết luận bị cáo gây ra tai nạn!?

Luật sư không đồng ý với cáo trạng và luận tội của đại diện Viện KSND, chỉ dựa vào các mẫu giám định có phù hợp với bánh xe của bị cáo Trần Văn Khang và xác định bị cáo gây tai nạn do mẫu giám định trùng khớp. Do đó, phải xem xét toàn diện vụ án, có phù hợp với chứng cứ đó không, đến thời điểm này thì chưa. Việc nhận định bị cáo Khang chạy không đúng làn đường thì có ai nhìn thấy bị cáo chạy sai, đụng ở vị trí nào, lấn đường bao nhiêu mét nhưng Biên bản hiện trường, sơ đồ hiện trường không xác định được. Về kết luận giám định, chứng cứ không rõ, mâu thuẫn, chưa xác định được chân lý, phải giám định để tìm ra chân lý. Hơn nữa, kết luận phải trên cơ sở khoa học, chứ không nói là cho phép, nhận định, đánh giá. Giám định phải là kết luận, chỉ có kết luận mới trả lời được vụ án. Với bản kết luận điều tra bổ sung, luật sư cho rằng, với hồ sơ hiện tại, chưa đủ cơ sở kết luận đối với bị cáo Khang phạm tội, trong trường hợp này, cần áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, khi không đủ căn cứ để buộc tội bị cáo Khang.

Các ý kiến tranh luận thẳng thắn, quyết liệt, phân tích, dẫn chứng rất cụ thể, sâu sắc, mang tính thuyết phục của các luật sư đã được HĐXX ghi nhận.

Tại phiên tòa, HĐXX đã xem xét cẩn trọng, toàn diện theo tinh thần cải cách tư pháp, tạo điều kiện cho các luật sư thẩm vấn, trình bày ý kiến, phát biểu tranh luận, phân tích, cung cấp tài liệu, chứng cứ nhằm làm sáng tỏ vụ án, dân chủ, khách quan, minh bạch, tôn trọng kết quả tranh tụng. Chính vì vậy, đến cuối phiên tòa, đại diện Viện KSND huyện Cái Nước, đã đề nghị xin rút hồ sơ lại để tiếp tục làm rõ một số tình tiết quan trọng của vụ án và được HĐXX chấp thuận. Dư luận cho rằng, mặc dù kết luận điều tra và cáo trạng đã được bổ sung nhiều lần nhưng vẫn chưa làm rõ bản chất vụ án, còn khiên cưỡng trong việc xem xét, đánh giá chứng cứ, chưa chứng minh được hành vi gây TNGT của bị cáo một cách khoa học, phù hợp với thực tế hiện trường. Do đó, HĐXX cần áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, vì chân lý chỉ có một, không gây oan sai và tránh xảy ra tình trạng không buộc tội được thì lại xin hoãn phiên tòa, xin rút hồ sơ... làm cho vụ án kéo dài, không có điểm dừng.                                                                                                                                                                                                                        

Bạn đang đọc bài viết Vụ vi phạm GT Cà Mau: Xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...