Thứ sáu, 19/04/2024 18:07 (GMT+7)

Thái Hòa - Nghệ An: Hành trình đi tìm công lý của một thương binh

Hoàng Oanh - Quỳnh Nga -  Thứ bảy, 08/09/2018 10:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với niềm tin vào công lý nên ông Trần Văn Bình, trú tại xã Nghĩa Thuận, Thị xã Thái Hòa, Nghệ An vẫn kiên trì đi tìm công lý.

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, lo lắng đến đời sống của nhân dân và không ngừng quyết tâm xây dựng một xã hội kỷ cương, công bằng. Tuy nhiên đâu đó vẫn còn có những sự việc chậm trễ giải quyết và giải quyết không dứt điểm nên ảnh hưởng. Với niềm tin vào công lý nên ông Trần Văn Bình, trú tại xã Nghĩa Thuận, Thị xã Thái Hòa, Nghệ An vẫn kiên trì đi tìm công lý, mặc dù đã bao năm vất vả, thậm chí phải nói là gian nan trong hành trình đấu tranh bằng phương pháp pháp lý để đòi lại đất của mình.

Năm 1988, khu vực đất sát tỉnh lộ 48 nguyên là của nông trường Đông Hiếu. Theo chủ trương của Chính phủ, các thửa đất mà nông trường Đông Hiếu không sử dụng sẽ bàn giao lại cho các xã lân cận. Lúc này, với mục đích giãn dân từ trong thôn ra, chính quyền xã Nghĩa Thuận đã quy hoạch vùng đất này từ đất màu thành đất ở. Năm 1988 đến 1989, mỗi suất đất bám mặt đường ở đó có giá trị 40.000 đồng với diện tích khoảng 300m2 với chiều rộng khoảng 10 m mặt đường, sâu vào khoảng 30m đến giáp vào đường quy hoạch của xóm. Các hộ có nhu cầu ra ở đó cần làm đơn gửi UBND xã Nghĩa Thuận, UBND xã sẽ xét và làm việc, sau đó tổ chức bốc thăm chứ không đấu thầu như hiện nay. Riêng mảnh đất của ông Bình, nguyên là của ông Cao Thúc, là thân nhân (bố) liệt sĩ nên được Đảng ủy, Chính quyền xét cho là ưu tiên lấy bám mặt đường không cần bốc thăm, thời điểm đó ông Cao Thúc cũng đã làm móng nhà bằng vôi vữa rồi. Sau đó, ông Cao Thúc không sử dụng mảnh đất đó nữa và đã có đơn trả lại cho UBND xã Nghĩa Thuận.

Thời gian này gia đình ông Bình cũng có một mảnh đất mua với giá 40.000 đồng ở phía Đông mảnh đấy ấy. Nhưng do gia đình khó khăn nên vợ chồng ông đã lên dựng một quán lều tranh bán nước chè trên mảnh đất nhà ông Cao Thúc, hồi đó đường vẫn còn bé và chưa có đường nhựa.

Ngày 29/4/1991, UBND xã Nghĩa Thuận cử cán bộ Nguyễn Quảng Đông xuống nói với ông bà Bình Thu rằng mảnh đất này Ủy ban thống nhất rồi, ai mua được giá 1.200.000 đồng thì bán (ý nói mảnh đất của ông Cao Thúc mà vợ chồng ông Bình đang bán hàng –PV). Vì nghĩ thửa đất đó vừa nằm sát tỉnh lộ 48, vừa sát đường liên xã nên dù đắt gấp 30 lần so với những lô đất xung quanh thì ông bà vẫn cố vay mượn anh em, đồng đội, bạn bè mỗi người một ít để mua.

Diện tích ông mua được các cán bộ tính là khoảng 300m2 (quy ước không văn bản giống các lô xung quanh), chính xác là 333m2 vì sau này ông Bình phải đóng thuế đất với diện tích này và có giữ phiếu thu, Phó Chủ tịch Phạm Hồng Quảng đã đóng dấu vào biên lai thu tiền, ông Nguyễn Quảng Đông là cán bộ được ủy nhiệm nhận thu.

Khi ông Bình bà Thu nộp tiền thì UBND xã Nghĩa Thuận yêu cầu phải trả lại mảnh đất ông bà đã mua với giá 40.000 đồng đã có trước đó (Hiện thửa đất này anh Nguyễn Văn Vinh và chị Lý đang sử dụng) thì mới được lấy mảnh đất 1.200.000 này vì mỗi hộ chỉ được mua một thửa đất.

Ở viện bị cắt chân, ở nhà bị cắt đất

Tiếp xúc với ông Trần Văn Bình, mặc dù tuổi đã ngoài 60 nhưng khí phách của người lính vẫn toát lên trong ông vẻ cương nghị. Ông cho chúng tôi biết ông là quân nhân tham gia trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, rời quân ngũ với Huân chương chiến công giải phóng; Huy chương kháng chiến; Huy hiệu; cùng các vết thương từ chiến trường. Ông vẫn lạc quan với cuộc sống đời thường, do hậu quả của chiến tranh, các vết thương của ông tái phát dẫn đến tắc động mạch và phải cắt cụt 2 chân sau 15 lần phẫu thuật để giữ lại mạng sống.

 Ông thương binh Trần Văn Bình khắc khoải chờ công lý

Ngày 12/5/1991, ông Bình phải đi bệnh viên Y học Quân đội điều trị biến chứng vết thương do chiến tranh để lại. Ngày 15/5/1991, khi ông Bình đang phải đi viện, ở nhà gia đình đào móng nhà mới. Ông xóm trưởng Đinh Văn Định mới thông báo, viết đơn lên UBND xã Nghĩa Thuận là ông Bình bà Thu làm nhà trái phép, UBND xã đã cử một số cán bộ xuống lập biên bản đình chỉ, do ông Nguyễn Quảng Đông ký tên. Ngày 18/5/1991, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thọ Thuệ đã giữ lại và chỉ đạo cán bộ địa chính cắt suất đất diện tích 230m2 (phần phía mặt đường trong mảnh đất nhà ông Bình) thành 3 lô, trong đó 2 lô phía trước là đất ốt để làm kinh tế, giá 50.000/m, còn phía sau là 5.000/m. Ngày 20/5/1991, cán bộ địa chính xã Đinh Văn Ty ký tên, Chủ tịch Nguyễn Thọ Thuệ ký và đóng dấu xây dựng sơ đồ cấp đất ấy. Sau đó vài ngày UBND xã đã bán phần sau mảnh đất nhà ông Bình cho ông Đinh Văn Thòa (nguyên là chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận). Gia đình ông Đinh Văn Năm (con trai ông Đinh Văn Thòa) đã đến nhận phần đất phía sau ấy, tranh chấp phát sinh từ đây. Trao đổi với phóng viên, ông Bình cho biết: “ Ông Đinh Văn Năm còn là em trai ruột ông Đinh Văn Thị- nguyên Phó Chủ tịch huyện nghĩa Đàn, nay là Phó Chủ tịch thị xã Thái Hòa. Lúc đó UBND xã cùng với Ban địa chính đã xuống tận nơi để giải quyết tranh chấp. Cán bộ địa chính Đinh Văn Ty là cháu của ông Thòa cũng có mặt. Việc này đã không được xử lý và gia đình ông đã nhiều lần đề nghị được cấp giấy CNQSDĐ cũng không được giải quyết, chỉ được trả lời rằng căn cứ sơ đồ vẽ ngày 20/5/1991 thì đất này là đất kiốt nên không được cấp GCNQSDĐ”. “Ngày 9/2/1992, Biên bản giải quyết tranh chấp giả được lập ra, giả mạo chữ ký ông Bình. Thời gian này ông đang nằm viện chữa trị bệnh tắc động mạch do biến chứng vết thương không thể ở nhà ký được biên bản đó. Bây giờ các biên bản hòa giải vẫn còn nhưng ông không công nhận chữ ký của mình trong đó.” - ông Bình cho hay. Ngoài ra, thông báo kết quả giám định tất cả các văn bản chứng cứ hòa giải, cũng có phân định chữ ký các cán bộ các ngành nhưng không biết lý do gì công an không giám định được (?)

Đến năm 1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 64-CP về việc giao đất nông nghiệp cho các hộ gia đình, năm 1995, nhiều hộ dân sinh sống gần khu vực nhà ông Bình ở đa phận đều được cấp GCNQSDĐ nhưng phần đất nhà ông Bình đang sử dụng vẫn không được công nhận. Sau đó ông Bình đã liên tục làm đơn đề nghị và khiếu nại lên chính quyền UBND xã và huyện với nội dung đề nghị cấp GCNQSDĐ và đơn kiện ông Đinh Văn Ty cán bộ địa chính cho đến năm 1999.

Phát hiện hàng loạt bất thường (?)

Theo hồ sơ phóng viên thu thập được thì vào ngày 20/10/1996, tuy là ngày chủ nhật nhưng vẫn được UBND xã Nghĩa Thuận ký tên đóng dấu cấp GCNQSDĐ cho ông Đinh Văn Năm (điều đáng nói là có trước khi có đơn xin cấp QSDĐ cả năm trời, tức năm 1997) (?!); Dấu hiệu sửa chữa thửa đất số 31 thành số 54 với 200m2 (?!); Ngày 20/2/1997, đã bị gạch thửa 54 không hợp lệ.

Từ năm 1991 đến năm 1997, gia đình ông Bình vẫn nộp thuế đất ở, giấy tờ nộp thuế có chữ ký của xóm trưởng với mức thuế là 8,1kg thóc đất nông thôn theo giá thời điểm UBND tỉnh quy định, và 2kg thóc đất vườn (1 năm) (diện tích 333m2). Năm 1999, làm văn phòng UBND xã, đồng chí Võ Minh Khuê là Chủ tịch UB. Gia đình ông Bình đã gửi đơn lên kèm theo: văn bản và sơ đồ đất ốt, biên lai thu tiền đất ở trị giá 1.200.000, biên lai thu thuế đất ở và thuế vườn suốt 7 năm. Lúc này mới họp UBND xã với văn phòng tham mưu để điều tra, làm rõ. Sau đó thì cấp cho ông Bình GCNQSDĐ.

Tuy nhiên, năm 1994, đường Tỉnh lộ 48 lên thành đường Quốc lộ 48, hành lang đường đang từ 14,5m lên thành 24,5m, do đó buộc phải trừ đi hành lang đường, diện tích đất của ông bà chỉ còn 39,6m2; Ngày 18/2/2000, UBND xã Nghĩa Thuận phê đủ điều kiện chuyển nhượng QSDĐ của ông Đinh Văn Năm (thửa 54) dù thửa đất đó đã bị gạch không hợp lệ trước đó; Năm 2015, Khi có chủ trương cấp, đổi lại GCNQSDĐ, gia đình ông Bình đã được cấp lại Trích lục Bản đồ địa chính thửa đất (đo, chỉnh lý bổ sung) từ tờ Bản đồ số 29, tỉ lệ 1:1000, thuộc Bộ BĐĐC xã Nghĩa Thuận (số 341 BĐ/ĐC)

Năm 1992, ông Bình phải đi bệnh viện điều trị biến chứng vết thương do chiến tranh để lại, điều làm ông đau đớn là khi ông phải cắt chân thì ở nhà, mảnh đất mà vợ chồng ông đã dành dụm mua của Nhà nước cũng bị cắt bán cho người khác.Khi tìm hiểu chúng tôi được biết nguồn gốc thửa đất của ông là do nhận chuyển nhượng từ chính quyền xã với giá 1,2 triệu đồng. Hiện ông Bình vẫn còn lưu giữ phiếu thu này.

Tại thời điểm đó, giá chuyển nhượng thửa đất trên của UBND xã cho ông cao gấp hàng chục lần so với những lô khác gần đó. Nhiều hộ cũng mua đất của UBND xã với giá chỉ có 40,000 đồng/m2 và nhận bàn giao thửa đất tương đương 300 đến 400 mét vuông. Thuy nhiên sau này thì một phần thửa đất của ông của UBND xã đã được chính UBND xã bán lại cho ông Đinh Văn Năm và tranh chấp phát sinh từ đó.

Với việc đất đang có tranh chấp thì dù theo quy định của Luật đất đai nào cũng không thể tiến hành thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất cho bất kỳ ai. Tuy nhiên, để hợp thức hóa việc tranh chấp đã được giải quyết, một biên bản giải quyết tranh chấp đã được lập ra nhưng ông Bình không biết, không ký vào biên bản đó. Tuy nhiên, vì không trực tiếp kiểm tra thực tế nên hồ sơ đã được hợp thức hóa. Vì vậy, năm 1995, ông Đinh Văn Năm đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng phần đất đang tranh chấp. Trong khi đó, phần đất mà ông Bình đang quản lý vẫn không được công nhận quyền sử dụng.

Tại sao vẫn chưa giải quyết, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thương binh Trần Văn Bình?

Tiếp xúc với Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, ông thương binh Trần Văn Bình cho biết bản thân không muốn và không đủ sức khỏe để khiếu kiện kéo dài, nhưng bao nhiều năm qua vì quyền lợi hợp pháp, phải tích cóp bao nhiêu năm trời mà tài sản bị mất trắng ngay trước mặt như vậy thì quá oan ức nên ông không cam lòng.

Công lý chưa thấy đâu nhưng trong hành trình đi tìm công lý, người thương binh già thậm chí còn bị xúc phạm danh dự nhân phẩm. Vợ ông Đinh Văn Ty, cán bộ địa chính, người gây ra bao đau khổ, khó khăn cho gia đình ông vẫn tại vị, còn vợ ông Ty, một hiệu trưởng, đã đến tận nhà ông đưa thư xúc phạm danh dự ông.

 Thư đe dọa gia đình ông Bình, bà Thu.

Sự việc đó đã gây phẫn nộ cho các đồng đội cũng như các thương binh, cựu chiến binh ở địa phương. Lúc đó có tờ Báo Kinh doanh và Pháp luật lên tiếng và Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, đôn đốc các địa phương, đơn vị liên quan kiểm tra, xem xét, giải quyết các ý kiến của cơ quan báo chí nêu.

Ngày 21/11/2017, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có Công văn số 917C-CV/BTGTU Về việc xử lý vụ việc báo nêu gửi Thị ủy Thái Hòa. Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị Thị ủy Thái Hòa chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ sự việc, nếu đúng như báo nêu thì kịp thời có giải pháp khắc phục, xử lý và báo cáo kết quả gửi Thường trực Tỉnh ủy (qua Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Phải chăng vụ việc đất của ông Trần Văn Bình với khiếu nại, tố cáo mất đất khó giải quyết vì ông Đinh Văn Năm có anh trai là Đinh V. T.h đang là Phó Chủ tịch thị xã Thái Hòa?.

Phải chăng vì vậy nên cho đến thời điểm này chính quyền thị xã Thái Hòa vẫn chưa có phương án nào để giải quyết dứt điểm cho gia đình người thương binh.

Phóng viên đã liên hệ làm việc với một số cơ quan chức năng thuộc thị xã Thái Hòa để tìm hiểu thêm về sự việc. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Thái Hòa - Nghệ An: Hành trình đi tìm công lý của một thương binh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...