Thứ bảy, 20/04/2024 21:00 (GMT+7)

Huế: Dân 'tố' cơ sở tái chế nhựa gây ô nhiễm, chính quyền 'thờ ơ'?

Nguyễn Nam -  Thứ tư, 20/09/2017 08:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều hộ dân ngụ tổ 12 bức xúc cho biết họ suốt ngày đêm phải chịu đựng mùi hôi khét lan tỏa từ cơ sở tái chế nhựa.

Theo phản ánh của người dân tới tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, tình trạng ô nhiễm môi trường của cơ sở tái chế nhựa trên địa bàn tổ 12, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng chục hộ dân.

 Cận cảnh cơ sở tái chế nhựa

Nghẹt thở bởi… mùi nhựa tái chế

Nhận được thông tin phản ánh của người dân, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã xuống trực tiếp hiện trường. Tại đây, sau khi được người dân địa phương dẫn đến một cơ sở tái chế nhựa nằm lọt giữa khu dân cư.

Theo quan sát của PV, đó là một xóm nhỏ thuộc tổ 12, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, khi phóng viên hỏi về tình trạng ô nhiễm môi trường lâu nay tại đây, ai cũng lắc đầu than: Khổ lắm chú à!

Những điều người dân nói không sai, bởi khi chúng tôi tiến lại gần cơ sở tái chế nhựa đã cảm nhận được mùi khét khác thường.

 Nếu để lâu cơ sở sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân xung quanh

 Có mặt tại cơ sở tái chế trên, PV không gặp được chủ cơ sở và cũng không có nhân viên nào đang làm việc.

Theo ghi nhận, cơ sở sản xuất hạt nhựa này bên ngoài không có bảng hiệu, bên trong có hàng chục bao căng phồng chứa hạt nhựa tái chế chất thành đống. Các loại bao bì, rác thải được chất thành từng đống lớn trong khuôn viên khu sản xuất, còn hệ thống máy chế biến nhựa đang ngưng hoạt động.

Tiếp xúc với PV, ông Đ.V.T.(58 tuổi, người dân địa phương) cho biết, người dân nơi đây phải sống trong không khí ô nhiễm đã 3-4 năm nay.

Cũng theo ông T, cơ sở đốt rác nhựa tái chế làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân cư.

 Hình ảnh PV ghi nhận tại cơ sở

 “Cơ sở này đi vào hoạt động cũng được 3 đến 4 năm rồi, họ thường hoạt động vào ban đêm từ 7 giờ tối đến 5 giờ sáng ngày hôm sau. Hoạt động vào ban đêm nên nhiều lúc tụi tui phải bịt khẩu trang để ngủ.

Hại nhất là vào mùa nắng nóng, khói bốc lên mùi khét nồng nặc, ngột ngạt đến không thở nổi. Tụi tui đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương có biện pháp xử lý tình trạng ô nhiễm không khí trong khu dân cư, nhưng đến chừ cơ sở tái chế nhựa này vẫn hoạt động khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn”. Ông T nói.

Cách nhà ông T không xa, bà L.T.T (53 tuổi), nhà nằm sát cơ sở tái chế nhựa bức xúc: “Cơ sở này gây ô nhiễm lắm, xe chở bao bì rác thải rơi vãi dọc đường rất hôi thối, nhà tui ở gần sát cơ sở này nên hôi cả ngày lẫn đêm.

Nhất là về đêm khi cơ sở này hoạt động thì mùi hôi càng đậm đặc hơn. Người lớn, trẻ con ở đây ai cũng ho sặc sụa và nhức đầu khi hít phải mùi hôi này”.

 Hình ảnh bên trong cơ sở tái chế nhựa

Chủ cơ sở né tránh, chính quyền chậm trễ xử lý?

Trước thực trạng trên, người dân đã nhiều lần góp ý về mùi hôi gây ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người nhưng chính quyền vẫn chưa xử lý.

Theo một số người dân tại địa phương cho biết, họ thiết tha đề nghị chính quyền địa phương sớm có biện pháp chấn chỉnh và di dời cơ sở tái chế nhựa trên để môi trường sống và sức khỏe của người dân được đảm bảo.

 Khi được PV hỏi về cách liên hệ để gặp chủ cơ sở tái chế nhựa này thì người dân tại đây cho biết, ở cơ sở này chỉ có công nhân được thuê làm việc vào ban đêm, còn chủ cơ sở rất ít khi có mặt tại đây, và rất khó để liên hệ với họ.

Để làm rõ hơn nội dung trên, trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, ông Trương Văn Công Chủ tịch UBND phường Thủy Phương cho biết: Cơ sở tái chế nhựa này có giấy phép kinh doanh với tên là doanh nghiệp Phạm Văn Việt, người đăng ký giấy phép kinh doanh thì chỉ nhớ tên là Tuyết, và đã từng có cam kết bảo vệ môi trường.

 Nhưng việc cơ sở tái chế gây ô nhiễm môi trường đã từng nhiều lần được người dân phản ánh đến chính quyền. Ủy ban phường đã có nhiều lần kiến nghị, đề xuất lên cấp trên, sắp tới phường sẽ tiến hành xác minh, thành lập đoàn kiểm tra, và có biện pháp xử lý nghiêm, nếu cơ sở này vi phạm.

Ông Công cho biết thêm, trước đó, phòng TN&MT đã từng lên kiểm tra nhưng bà Tuyết, chủ cơ sở nói "bận việc và không tiếp".

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Huế: Dân 'tố' cơ sở tái chế nhựa gây ô nhiễm, chính quyền 'thờ ơ'?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất