Thứ sáu, 26/04/2024 02:38 (GMT+7)

Đã có chế tài xử hành vi gây ô nhiễm môi trường khu chung cư

MTĐT -  Thứ ba, 06/12/2016 08:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chính phủ vừa ban hành, mức phạt tiền tối đa cho các hành vi gây ô nhiễm môi trường như vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư là 5 triệu đồng.

Nghị định số 155/2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2017, quy định cụ thể về các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo đó, Nghị định áp dụng đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường, trong đó có áp dụng với nhiều hành vi gây ô nhiễm môi trường ở chung cư. Cụ thể, vi phạm hành chính đối với các hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường theo khoản1 Điều 20 bị xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này;

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.

Như vậy, so với hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ và nơi công cộng được quy định tại Nghị định 167/2013 thì mức phạt mới sẽ tăng gấp 10 lần. Với mức phạt này, nhiều người cho là hợp lý, đảm bảo tính răn đe có hiệu quả hơn đối với hành vi gây mất vệ sinh môi trường đang có chiều hướng gia tăng như hiện nay.

Bên cạnh đó, Nghị định 155/2016 còn có chế tài phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng để xử lý vi phạm hành chính chủ đầu tư xây dựng mới khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu chung cư có hành vi bàn giao công trình đưa vào sử dụng mà không thực hiện đúng và đầy đủ một trong các yêu cầu về bảo vệ môi trường như: Không có kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường phù hợp với quy hoạch đô thị, khu dân cư tập trung đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; không có thiết bị, phương tiện thu gom, tập trung chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với khối lượng, chủng loại chất thải và đủ khả năng tiếp nhận chất thải đã được phân loại tại nguồn từ các hộ gia đình trong khu dân cư; không bảo đảm các yêu cầu về cảnh quan đô thị, vệ sinh môi trường; không có hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải riêng biệt phù hợp với quy hoạch thoát nước thải, bảo vệ môi trường của khu dân cư; không có nơi tập trung rác thải sinh hoạt bảo đảm vệ sinh môi trường; không có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Ngoài ra, để khắc phục hậu quả, chủ đầu tư còn bắt buộc phải thực hiện xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm.

Ngay từ khi mới được ban hành, Nghị định 155/2016 đã nhận được nhiều ý kiến tích cực từ phía người dân. Anh Nguyễn Thế Hưng (Khương Trung, Hà Nội) cho biết, các chế tài xử lý hành vi tiểu tiện bữa bãi nơi công cộng như vậy sẽ góp phần nâng cao ý thức xã hội, đủ sức răn đe để đẩy lùi tình trạng tiểu bậy, cố ý gây mất vệ sinh môi trường cũng như mất mỹ quan đô thị.

Tuy nhiên, chị Nguyễn Huyền Trang (Đống Đa, Hà Nội) cũng bày tỏ sự băn khoăn, nghi ngại về thực trạng thiếu hụt nhà vệ sinh công cộng vẫn luôn là vấn đề nhức nhối của các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội. Bên cạnh đó, những nhà vệ sinh cũ này thường xuống cấp, mất vệ sinh khiến khiến người dân không khỏi phàn nàn. Do vậy, để giải quyết gốc rễ vấn đề thì phía chính quyền cũng cần tăng cường lắp đặt thêm các nhà vệ sinh công cộng mới, cùng trang thiết bị hiện đại để phục vụ nhân dân.

Theo Báo Xây dựng

Bạn đang đọc bài viết Đã có chế tài xử hành vi gây ô nhiễm môi trường khu chung cư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.