Thứ năm, 28/03/2024 22:03 (GMT+7)

UBND tỉnh Lào Cai ưu ái cho Công ty Việt Long xây thủy điện 'chui'?

VĂN NGHĨA -  Thứ tư, 12/09/2018 07:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ, nhưng chủ đầu tư đã cho đổ khoảng 10.000m3 bê tông xuống suối,... song chỉ "buông" vài lời xin nhận khuyết điểm, còn tỉnh Lào Cai thì ra văn bản phê bình là…xong?!

Xây dựng “chui”

Ngày 16/11/2017 Bộ Công thương đã có Quyết định số 4319/QĐ-BCT về phê duyệt bổ sung dự án thủy điện Bản Hồ vào quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Lào Cai và được điều chỉnh lên 10MW tại Quyết định số 2018/QĐ-BCT ngày 11/6/2018.

Trên cơ sở đó cùng ý kiến của các sở, nhà đầu tư, ngày 7/3/2018 UBND tỉnh Lào Cai đã có Quyết định số 715/QĐ-UBND và điều chỉnh tại Quyết định số 2398/QĐ-UBND ngày 7/8/2018 chấp thuận chủ trương đầu tư và đồng ý để Công ty Cổ phần Công nghiệp Việt Long (gọi tắt là Công ty Việt Long) đầu tư dự án thủy điện tại xã Bản Hồ, huyện Sa Pa.

Dòng xuối bị "băm" nham nhỡ khi chưa được phép

 Tính đến ngày 31/8, hồ sơ pháp lý của dự án vẫn chưa đầy đủ, nhiều văn bản vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Lào Cai phê duyệt, tức vẫn chưa đủ điều kiện để thi công dự án.

Thế nhưng, Công ty Việt Long vẫn ngang nhiên xây dựng, bất chấp quy định của pháp luật, sự ảnh hưởng tới môi trường và đời sống người dân.

Về hiện trạng, Công ty Việt Long đã tổ chức thi công các hạng mục như: lán trại, nhà ở công nhân, đường thi công, đường điện, trạm trộn bê tông, đào đất đá hố móng đập, nhà máy, đổ bê tông cụm đập đầu mối (ước tỉnh khoảng 10.000m3 bê tông các loại).

Một vài căn cứ cho thấy, đã có hàng nghìn m3 bê tông được đổ xuống, hoạt động xây dựng diễn ra rầm rộ song tận ngày 13/7/2018 UBND tỉnh Lào Cai mới có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; tháng 6/2018 mới được UBND huyện Sa Pa cấp giấy phép quy hoạch; tháng 7/2018 mới được UBND tỉnh Lào Cai xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thương trong diện tích dự án xây dựng công trình thủy điện Sử Pán 1, thủy điện Bản Hồ!?

Công ty Việt Long phải chịu trách nhiệm về việc thi công khi chưa đủ điều kiện

 Trước những việc làm này, khi làm việc với các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Lào Cai, ông Phạm Hải Hà – Tổng Giám đốc Công ty Việt Long đã có ý kiến: “Chủ đầu tư xin nhận khuyết điểm khi thực hiện thi công mà chưa thông báo với chính quyền địa phương”.

Người có trách nhiệm nói gì?

Ngày 22/8/2018, đại diện các sở, ngành của tỉnh Lào Cai đã họp về việc thi công xây dựng thủy điện Bản Hồ. Qua đó, các cơ quan đã cho biết chủ đầu tư dự án chưa có hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được duyệt theo quy định, chưa có quy hoạch chi tiết 1/500, chưa cắm mốc giới đường viền vùng hồ, chưa có hồ sơ giải phóng mặt bằng, và đang hoàn thiện hồ sơ xin thuê đất, cấp đất,…

Là người đứng đầu nơi dự án, ông Đào A Khởi – Chủ tịch UBND xã Bản Hồ phát biểu: Một số hộ dân bị ảnh hưởng, mất đến 70%-80% đất nông nghiệp nên cũng có bức xúc. Các thủ tục hồ sơ của dự án thủy điện Bản Hồ thì đúng là xã không có đầy đủ. Do chưa có quy hoạch chi tiết nên chưa xác định rõ ranh giới đất của dự án thủy điện với đất của các hộ dân!

Hàng nghìn m3 bê tông đã được đổ xuống

 Đại diện huyện Sa Pa, ông Triệu Thiết Nghĩa – Phó Trưởng phòng KTHT khẳng định: Đến nay dự án thủy điện Bản Hồ chưa đúng về quy trình, trình tự thực hiện các thủ tục hồ sơ pháp lý.

Còn đại diện Sở Xây dựng tỉnh Lào Cai thì cho rằng, chủ đầu tư đã triển khai thi công một số hạng mục dự án nhưng chưa có quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 và giấy phép xây dựng, đề nghị chủ đầu tư tạm dừng thi công.

Thậm chí, vị đại diện còn đề nghị Sở Công thương tham mưu cho UBND tỉnh giao cho Sở GTVT phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý vi phạm trong đầu tư xây dựng công trình nếu phát hiện vi phạm.

Ông Tô Mạnh Tiến – Phó Giám đốc Sở NN&PTNN đề nghị chủ đầu tư phối hợp với địa phương xác định rõ ranh giới dự án, đặc biệt là vùng lòng hồ, từ đó thông báo, tuyên truyền cho người dân biết, tránh các ý kiến phản hồi không phù hợp.

UBND tỉnh Lào Cai không muốn xử lý đối với hành vi của Công ty Việt Long?

 Cũng theo ông Tiến, Công ty Việt Long cần có phương án thi công phù hợp, tránh để xảy ra sạt lở ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Đồng thời đề nghị sở công thương tham mưu báo cáo UBND tỉnh xem xét lại quy trình cấp, phê duyệt các bước thủ tục hồ sơ của dự án thủy điện.  

Dấu hiệu vi phạm rất rõ ràng, thế nhưng có căn cứ cho thấy UBND tỉnh Lào Cai không thanh tra cũng như không đưa ra chế tài xử lý đối với hành vi của Công ty Việt Long.

Vì sao UBND tỉnh Lào Cai lại "ưu ái" cho doanh nghiệp này như vậy? Hay có "lợi ích nhóm" hoặc có một thế lực nào đó "chống lưng"? Cách UBND tỉnh Lào Cai "ứng xử" với doanh nghiệp trong trường hợp này như vậy đã phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành hay chưa?

Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh ở bài tiếp theo.

Tổ chức hay cá nhân nào đứng sau Công ty Việt Long?

Đi tìm đáp án, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử phát hiện doanh nghiệp này được thành lập năm 2003, do ông Phạm Hải Hà là giám đốc. Điều đặc biệt, theo giấy phép đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp này có trụ sở tại tầng 2, tòa nhà Hội trường, số 12 Đào Tấn, Ba Đình, Thành phố Hà Nội, trùng với địa chỉ của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, thuộc Bộ Nội vụ.

Bạn đang đọc bài viết UBND tỉnh Lào Cai ưu ái cho Công ty Việt Long xây thủy điện 'chui'?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.