Thứ sáu, 29/03/2024 21:17 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 8/1/2019

MTĐT -  Thứ ba, 08/01/2019 10:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 8/1/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 8/1/2019.

Nước sông Đà xuống thấp kỷ lục, người nuôi cá lồng gặp khó

Hơn một tháng nay nước sông Đà đoạn chảy qua địa bàn huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ xuống thấp kỷ lục trong vòng 4 năm trở lại đây. Điều này khiến hàng chục lồng cá đặc sản của những hộ nuôi cá lồng gặp nhiều khó khăn, thậm chí có nguy cơ mất trắng vì thiếu nước.

Anh Nguyễn Văn Quang, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, cho biết, khoảng một tuần nay năm lồng cá giống và cá thương phẩm phải nằm trên cát, phơi nắng, phơi sương. Do nước sông xuống thấp, doi cát nhô lên cao nên cả năm lồng cá của gia đình bị ảnh hưởng.

Để khắc phục, gia đình anh Quang đã phải thuê máy sục vào cát và tời lưới lên cho nổi lồng để cứu cá, đồng thời huy động nhân công chuyển cá đi nơi khác tránh tình trạng cá chết. Anh Quang đã đem cá đi gửi ở những hộ nuôi cá lồng tại những nơi còn ít mặt nước. Tuy nhiên, hiện nay nước xuống quá thấp nên ngừng chảy, cá rất dễ bị chết vì thiếu ô xy.

Trao đổi với TTXVN, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết, trước mắt Chi cục khuyến cáo người dân bán sớm cá thương phẩm, tăng cường máy sục khí ô xy cho các lồng nuôi cá giống để hạn chế thấp nhất thiệt hại. Huyện Thanh Thủy hiện có hàng trăm lồng cá được đặt rải rác dọc sông Đà, trong đó nhiều nhất là tại xã Xuân Lộc.

Nhà máy 60 tỷ nguy cơ đóng cửa, vì huyện không trả tiền xử lý rác thải

Đây là nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ cao đóng trên địa bàn xã Nghĩa Bình (huyện Nghĩa Đàn), được khởi công tháng 11/2016 đến tháng 7/2017 thì chính thức hoạt động; công suất xử lý hơn 75 tấn rác/ngày. Đến nay nhà máy đã giải quyết được bài toán rác tồn đọng trong nhiều năm qua ở vùng đất Phủ Qùy.

Nhà máy được đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, khép kín, xử lý rác bằng cách phân loại, đốt và cho ra sản phẩm là gạch không nung và hạt nhựa. Đây là dự án thuộc diện thu hút đầu tư của tỉnh. Ngoài huyện Nghĩa Đàn, còn thu gom rác từ một số huyện khác ở miền Tây về mới đủ công suất hoạt động cho nhà máy.

Nhà máy hoạt động tốt, không gây ô nhiễm môi trường, người dân không có phản ánh gì. Môi trường trong nhà máy rất sạch sẽ, không khí trong lành, có thể ngồi ăn uống, sinh hoạt trong khuôn viên. Tuy nhiên, toàn bộ kinh phí hoạt động của nhà máy vẫn do chủ đầu tự bỏ ra, chưa được địa phương thanh toán theo quy định.

Trao đổi với báo Nông nghiệp VN, ông Triệu Tiến Đàm, Giám đốc nhà máy cho biết, mỗi tháng Cty phải bỏ ra 200 triệu đồng cho toàn bộ hoạt động của nhà máy. Ông Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn công nghệ T-TECH nói: "Chúng tôi đã nhiều lần gửi công văn cho địa phương đề nghị thanh toán chi phí xử lý rác hơn 1 năm qua nhưng chưa được giải quyết. Nếu cứ kéo dài thì có nguy cơ đóng cửa nhà máy".

Rác dồn ứ vì... xã nợ tiền

Do không có kinh phí để thanh toán cho Công ty CP môi trường đô thị Quảng Nam, rác thải ở xã Duy Hải, H.Duy Xuyên, Quảng Nam đang bị dồn ứ, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Bãi tập kết rác thải tại thôn Tây Sơn Tây (xã Duy Hải) ngập tràn rác đủ loại, kéo dài suốt từ đường liên xã đến gần công trình xây dựng Khu du lịch nam Hội An. Rác ứ đọng lâu ngày nên ruồi nhặng sinh sôi, dòi bọ lúc nhúc, bốc mùi hôi thối khiến người đi đường phải bịt mũi, nín thở.

Ông Nguyễn Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Duy Hải, thừa nhận việc rác tồn đọng gây ô nhiễm môi trường là do… xã thiếu nợ công ty hơn 100 triệu đồng, cho đến những ngày cuối năm 2018 vẫn chưa biết “xoay” đâu ra để trả.

Theo ông Thống, khi chưa có công trình xây dựng Khu du lịch nam Hội An, lượng rác thải cũng vừa phải, xã đủ tiền trả cho lực lượng thu gom vận chuyển rác. Nhưng khi khu du lịch này mọc lên, hơn 2.000 công nhân các nơi đổ về ở trọ tại các khu nhà dân cũng góp phần làm tăng đột biến rác thải. Phía Công ty CP môi trường đô thị Quảng Nam căn cứ theo khối lượng rác thải thu gom để tính tiền, trong khi nhiều hộ dân không đóng tiền theo quy định.

Hội An: Bờ biển Cửa Đại tan hoang

Những năm qua, tuyến kè Cửa Đại đã được đầu tư hơn 78 tỉ đồng từ nguồn vốn Trung ương và địa phương nhưng tình trạng sạt lở vẫn liên tục xảy ra. Bờ biển Cửa Đại hiện tan hoang và trở thành nỗi ám ảnh không chỉ với chính quyền mà cả người dân, du khách.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh cộng triều cường đợt cuối năm 2018 và đầu 2019, sóng lớn cùng mưa kéo dài nhiều ngày đã khiến hàng trăm mét bờ biển Cửa Đại sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu vào bờ. Tuyến kè mềm được đầu tư tiền tỉ bị sóng biển phá nát. Đến thời điểm này vẫn chưa có phương án cụ thể để có thể chấm dứt tình trạng biển xâm thực.

Ông Nguyễn Thế Hùng (Phó chủ tịch UBND TP Hội An) cho biết, TP đang kiểm tra, rà soát lại sau khi có kết quả sẽ tính phương án thay thế, gia cố.

“Tạm thời TP sẽ giao cho các đơn vị liên quan sửa lại các túi kè bị sóng xê lệch để ngăn sóng không đập vào bờ, tránh tình trạng sạt lở tiếp tục xảy ra. Hiện TP đang đôn đốc tỉnh thống nhất chủ trương và phê duyệt, đầu tư khoảng 8 tỉ đồng trích từ nguồn ngân sách phòng chống sạt lở do Trung ương hỗ trợ để gia cố tuyến kè này”, ông Hùng nói.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 8/1/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới