Thứ năm, 28/03/2024 23:32 (GMT+7)

Vì sao chuẩn khí thải ô tô Việt Nam thấp?

MTĐT -  Thứ bảy, 16/06/2018 11:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiện xe ô tô đang lưu hành tại Việt Nam đang được kiểm soát theo mức tiêu chuẩn khí thải thấp hơn nhiều so với hầu hết các nước láng giềng và khu vực châu Á.

Đáng nói là dù các ngưỡng tiêu chuẩn cao hơn đã được ban hành từ hơn chục năm nay nhưng chưa thể áp dụng để ngăn ngừa ô nhiễm môi trường từ khói thải ô tô.

Lượng phát thải tăng 3 lần

Theo Cục Đăng kiểm VN, việc kiểm soát khí thải đối với ô tô đang lưu hành bắt đầu được áp dụng từ tháng 7/2006 tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương và 2 năm sau đó áp dụng đồng bộ trên cả nước. Việc kiểm soát được thực hiện tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, thông qua việc đo khí thải phương tiện.

Theo đó, trong khói thải của phương tiện dùng xăng chỉ được phép tối đa có 4,5% chất CO; còn xe dùng nhiên liệu diesel chỉ được tối đa 72% HSU, 1.200 HC (ppm thể tích). Tiêu chuẩn trên vẫn được giữ nguyên từ đó đến nay, khiến cho mức độ gây ô nhiễm không khí từ xe ô tô đang lưu hành tăng nhanh, nhất là ở các đô thị lớn. Điều này hoàn toàn có cơ sở, bởi theo nghiên cứu của trường Đại học Công nghệ GTVT và Cục Đăng kiểm VN, nếu như cách đây 10 năm, toàn quốc chỉ có hơn 946.600 xe ô tô thì hết năm 2017 đã tăng lên hơn 2,92 triệu xe.

Hiện đo khí thải mới được thực hiện theo phương pháp không tải, gia tốc tự do (Trong ảnh: Chuẩn bị đo khí thải xe khách tại một trung tâm đăng kiểm phía Bắc).

“Chỉ số kiểm soát chất độc hại từ khí thải xe ô tô không thay đổi, còn lượng xe tăng gấp 3,06 lần dẫn đến tổng lượng phát thải tăng lên. Các báo cáo đánh giá chất lượng không khí, đặc biệt tại Hà Nội và TP HCM cũng ghi nhận, các chỉ số NOx, CO - là các hợp chất có trong khí thải của phương tiện cơ giới đã vượt mức cho phép từ 1,2-1,5 lần. Điều này đang tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân”, nhóm nghiên cứu đánh giá.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, tỷ lệ trung bình xe không đạt tiêu chuẩn khí thải trong lần kiểm định khí thải đầu tiên khoảng 13-15% và giảm dần trong các năm 2013-2016. Ôtô tải là nhóm cao nhất có tỷ lệ không đạt tiêu chuẩn; nồng độ phát thải của xe dùng xăng có tuổi đời trên 20 năm ở mức khá cao, hầu hết thuộc nhóm xe không bị khống chế niên hạn sử dụng.

Đáng quan tâm là việc kiểm soát khí thải từ xe ô tô đang lưu hành ở Việt Nam hiện đang dễ dãi hơn so với nhiều nước trong khu vực châu Á. Theo thông tin từ nhóm nghiên cứu, trong khi ô tô tại Việt Nam được phép có đến 72% chất HSU trong khói xe dùng diesel, thì tại Indonesia, Malaysia, Hong Kong (Trung Quốc), Campuchia, Singapore chỉ là 50%; ở Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ (45-65%). Đối với xe dùng xăng, tiêu chuẩn trong nước là 4,5% CO, tương đương Trung Quốc, Indosnesia, Malaysia, Campuchia nhưng vẫn thấp hơn Thái Lan (1,5%), Philippines (0,5%), Ấn Độ (3%), Hong Kong (0,5%).

Như vậy, đồng nghĩa với việc, xe ô tô đang lưu hành ở Việt Nam được phép phát thải các chất độc hại nhiều hơn, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường cao hơn.

Tiêu chuẩn cao nhưng thiếu... lộ trình áp dụng

Theo ông Vũ Ngọc Khiêm, Hiệu phó trường ĐH Công nghệ GTVT, vấn đề ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông đường bộ, nhất là ô tô đang ở mức báo động, cần sự kiểm soát chặt chẽ hơn để giảm thiểu nguồn phát thải này. Các đô thị lớn như: Hà Nội, TP.HCM, chính quyền địa phương từng đề nghị sớm nâng tiêu chuẩn kiểm soát khí thải xe ô tô.

Tuy vậy, hai vấn đề quan trọng đối với việc nâng tiêu chuẩn khí thải là nâng lên mức bao nhiêu và lộ trình áp dụng để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội thực tế vẫn chưa rõ ràng.

Liên quan vấn đề trên, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết, tiêu chuẩn khí thải đang được áp dụng chỉ là mức thấp nhất trong 3 mức đã được quy định từ năm 2005. Theo 2 mức tiêu chuẩn cao hơn, nếu được áp dụng sẽ giúp giảm đáng kể mức độ phát thải chất gây ô nhiễm từ ô tô so với hiện nay.

“Nội dung Quyết định 249 năm 2005 của Thủ tướng đã quy định 3 mức tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô đang lưu hành. Từ đó đến nay mới áp dụng theo mức 1, còn mức 2-3 có tiêu chuẩn cao hơn nhưng chưa thể áp dụng do trong quyết định không đề cập đến lộ trình, thời điểm bắt đầu áp dụng”, ông Trí lý giải.

Cụ thể, theo quyết định trên, 3 mức tiêu chuẩn tối đa chất HSU trong khói xe dùng nhiên liệu diesel là 72-60-50%; HC là 1.200-800-600ppm; đối với xe xăng, chất CO là 4,5-3,5-3%.

Theo ông Đặng Trần Khanh, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-03V, vài năm gần đây, tiêu chuẩn xe ô tô được sản xuất mới đã được nâng lên, trong đó có tiêu chuẩn khí thải. Vì vậy, việc kiểm soát chặt chẽ khí thải xe đang lưu hành cũng là giải pháp để chủ phương tiện duy trì chất lượng thông qua bảo dưỡng định kỳ. Tuy vậy, dù đã có tiêu chuẩn khí thải cao hơn nhưng cũng cần có cơ sở để đưa ra lộ trình áp dụng, quy trình đo khí thải. Bên cạnh đó, hiện việc kiểm định khí thải mới thực hiện bằng phương pháp đo khi xe gia tốc tự do, trong khi một số nước đã áp dụng phương pháp đo khi xe ở tốc độ thấp, có tải.

“Quyết định 249/2005 của Thủ tướng đã quy định các mức tiêu chuẩn kiểm soát khí thải đối với xe ô tô đang lưu hành. Trên cơ sở dữ liệu, thống kê về kiểm định đã có, Cục Đăng kiểm VN có thể sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định 249 để kiểm soát tốt hơn nguồn phát thải từ xe ô tô đang lưu hành”.

Ông Ngô Hồng Hệ

Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN

Theo báo Giao thông

Bạn đang đọc bài viết Vì sao chuẩn khí thải ô tô Việt Nam thấp?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.