Thứ sáu, 29/03/2024 13:09 (GMT+7)

Trả lại không gian cho các bãi biển

MTĐT -  Thứ ba, 11/12/2018 13:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong quá trình xây dựng nhiều dự án đã cố tình lấn biển sai phép dẫn đến tình trạng môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống của dân cư ven biển.

Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260 km không kể các đảo. Đây là tài nguyên vô cùng quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho nước ta. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư phát triển du lịch, bên cạnh các dự án, công trình được các cấp chính quyền cấp phép, vẫn còn nhiều công trình, dự án trong quá trình xây dựng đã cố tình lấn biển sai phép, không phép như ở các tỉnh Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống của dân cư ven biển.

Bài 1: Nhiều dự án, công trình lấn Vịnh Nha Trang

Theo Quyết định 2466/QĐ-UBND ngày 8-9-2011 của UBND tỉnh Khánh Hòa về phê duyệt Đồ án quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Vịnh Nha Trang, trong đó ghi rõ thiên nhiên của Vịnh Nha Trang là tài sản vô giá, được hình thành từ hàng triệu năm, không thể khai thác cạn kiệt... Thế nhưng, đi ngược lại tinh thần bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị mà thiên nhiên ban tặng cho di tích quốc gia này, thời gian qua, hàng loạt dự án trong quá trình thi công đã ồ ạt đổ đất, đá… lấp mặt nước, lấn biển, gây ảnh hưởng cảnh quan, thiên nhiên Vịnh Nha Trang khiến dư luận bức xúc.

Biển và vịnh biến dạng

Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều dự án xây dựng ở tỉnh Khánh Hòa như Công viên Nha Trang Sao, khu du lịch Hòn Rùa, Champarama Resort & Spa… bị phát hiện có những sai phạm lấn chiếm Vịnh Nha Trang. Tại kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hòa mới đây, nhiều đại biểu hết sức bức xúc khi những dự án khu du lịch này được UBND tỉnh cấp phép có tình trạng lấn biển sai phép ở khu vực Vịnh Nha Trang. Qua khảo sát thực tế tại bãi trước, bãi sau ở TP Nha Trang và khu vực Bãi Tiên, phường Vĩnh Hòa (TP Nha Trang), chúng tôi nhận thấy bờ biển ở đây đang bị biến dạng bởi các khối đất đá lô nhô lấn ra biển từ vài mét đến vài chục mét.

Nhiều người dân ở phường Vĩnh Hòa cho biết, gần đây đơn vị thi công dự án Champarama Resort & Spa lại huy động nhiều phương tiện, thiết bị chở đất đá từ nơi khác đến san lấp biển, nhằm mở rộng đất nền khu du lịch. Việc đổ đất đá diễn ra một thời gian dài, cho nên hiện trường lấn biển đã tạo nên một khoảng đất dài hàng trăm mét chạy dọc bờ biển Bãi Tiên. Không chỉ có đất đá được đổ ồ ạt xuống biển, những rạn san hô đẹp, nguyên thủy dọc bãi biển cũng bị các đơn vị thi công đào, múc lên, xếp thành từng đống lớn. Toàn bộ khu vực dự án được rào chắn kín mít.

Ông Nguyễn Văn Tư, một người dân sinh sống nhiều năm tại phường Vĩnh Hòa, cho biết: “Bãi Tiên vốn là danh thắng nổi tiếng với núi đá sừng sững nhô ra biển, dưới chân là những rạn đá đen, san hô rất đẹp. Thế nhưng, bây giờ họ dùng máy móc để đào, múc rạn san hô lên. Cả Bãi Tiên đã bị biến dạng, tan hoang hết rồi!”.

Làm việc với các cơ quan chức năng, chúng tôi được biết, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty cổ phần Khu du lịch Champarama triển khai dự án Champarama Resort & Spa tại khu đất liền ven biển Bãi Tiên. Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp, với các chức năng nghỉ dưỡng, dịch vụ thể thao, spa, nhà hàng, nơi tổ chức hội nghị - hội thảo.

UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra Quyết định số 1938/QĐ-UBND ngày 5-7-2016 đồng ý phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án với quy mô hơn 44,41 ha đất liền, không bao gồm diện tích mặt nước liền kề. Thế nhưng, lợi dụng việc cấp phép xây dựng này, chủ đầu tư tự ý san lấp hơn 17 nghìn m2 đất ngoài ranh giới dự án được giao, làm hủy hoại hệ sinh thái ven biển ở khu vực Bãi Tiên, làm thay đổi diện mạo bãi biển và đường bờ biển ở đây…

Cách đất liền hơn 3 km ở Vịnh Nha Trang, chúng tôi thấy một vết xẻ lớn, vắt ngang qua hòn đảo xinh đẹp này. Trên những khu đất lấn biển, chủ đầu tư đã xây dựng lên một tổ hợp nhà truyền thống với cổng trụ nguy nga.

Dự án này đã được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Du lịch sinh thái Hòn Rùa thực hiện trong năm 2013. Mục tiêu của dự án là xây dựng một điểm đến du lịch cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế. Thiết kế xây dựng công trình theo hướng truyền thống kết hợp với việc giữ gìn bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Việc nuôi trồng rong biển còn nhằm tạo thảm thực vật bao quanh khu du lịch đảo...

Dự án triển khai diện tích hơn 14 ha, trong đó có 2,75 ha diện tích đất, 0,125 ha diện tích bãi biển và bãi đá, còn lại 11,3 ha là diện tích mặt nước liền kề với tổng mức đầu tư 56 tỷ đồng với tên gọi “Trồng rừng, nuôi rong biển kết hợp du lịch sinh thái đảo Hòn Rùa” (dự án Hòn Rùa). Trong quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Bộ Tài nguyên và Môi trường không có cụm từ nào cho phép chủ đầu tư san lấp, lấn chiếm biển.

Nhiều công trình xây dựng lấn chiếm bờ biển. Ảnh minh họa: Internet. 

Bên cạnh đó, quyết định này cũng không cho phép chủ đầu tư vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ giai đoạn xây dựng và hoạt động của dự án nêu trên. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án Hòn Rùa, chủ đầu tư đã vượt ranh giới dự án hơn 12 nghìn m2 và san ủi mặt bằng để thi công đường giao thông nội bộ dài 127 m ngoài ranh giới dự án. Chưa hết, Công ty TNHH Du lịch sinh thái Hòn Rùa không lập và gửi kế hoạch quản lý môi trường dự án để niêm yết công khai, vi phạm Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Trước đó, dự án Công viên Văn hóa, giải trí, thể thao Nha Trang Sao (Công ty cổ phần Nha Trang Sao làm chủ đầu tư) cũng diễn ra cảnh tương tự. Sau khi được cấp phép, chủ đầu tư xây dựng công viên, bãi đậu xe và cầu qua Hòn Đỏ nằm trong khu danh lam thắng cảnh Hòn Chồng - Hòn Đỏ; lấn chiếm, đổ đất lấn biển khoảng 2,3 ha, thi công công trình khi chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép.

UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra, xử phạt chủ đầu tư 130 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường trong giai đoạn thi công dự án; xử phạt 70 triệu đồng đối với hành vi đổ đất lấn biển 2,3 ha khi chưa được cấp phép, làm ảnh hưởng đến di tích quốc gia Vịnh Nha Trang. Để khắc phục những sai phạm của dự án này, tỉnh Khánh Hòa sẽ đưa vào phục vụ cộng đồng với hình thức công viên ven biển.

Xử lý nhiều, nhưng chưa triệt để

Làm việc với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa khẳng định, quan điểm của các cấp lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa là xử lý nghiêm và kiên quyết thu hồi các dự án vi phạm để trả lại cảnh quan cho Vịnh Nha Trang. Do vậy, ngay sau khi nhận được phản ánh của dư luận, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã họp và chỉ đạo các cấp chính quyền, sở, ban, ngành chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm.

UBND tỉnh đã có Quyết định số 2894/QĐ-XPVPHC ngày 29-9-2017 xử phạt hành chính đối với Công ty CP Khu du lịch Champarama, chủ đầu tư dự án Champarama Resort & Spa với tổng số tiền là 105 triệu đồng, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, chấm dứt ngay hành vi vi phạm và khôi phục hiện trạng ban đầu. Đối với dự án Hòn Rùa, UBND tỉnh đã có Quyết định 3022/QĐ-XPVPHC phạt 175 triệu đồng và yêu cầu chủ đầu tư khôi phục hiện trạng ban đầu…

Các kết luận thanh tra và các quyết định xử phạt của cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã chỉ rõ những sai phạm của các dự án, công trình lấn biển, đồng thời yêu cầu thời gian khắc phục rất rõ ràng. Tuy vậy, theo phản ánh của dư luận, việc xử lý sau thanh tra lại không được thực hiện một cách triệt để. Phần lớn các diện tích sai phạm do lấn, lấp Vịnh Nha Trang vẫn chưa được khắc phục. Nghiêm trọng hơn, rất nhiều dự án nằm trong phạm vi thuộc Vịnh Nha Trang. Có dự án nằm sát Hòn Chồng, Hòn Đỏ, khu vực danh lam thắng cảnh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1998.

Điều đáng nói, những dự án này đã vi phạm trong một quá trình khá dài nhưng biện pháp xử lý của UBND tỉnh Khánh Hòa dường như chưa đủ mạnh để buộc các đơn vị vi phạm khắc phục hậu quả. Năm 2018, Văn phòng Chính phủ có công văn hỏa tốc truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm tra làm rõ và có biện pháp xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.

Thực tế cho thấy, việc UBND tỉnh Khánh Hòa cấp phép cho các dự án, cho phép xây dựng công trình ở Vịnh Nha Trang là phù hợp, nhằm phát triển du lịch, góp phần nâng cao chất lượng khai thác, cũng như bảo tồn Vịnh Nha Trang. Thế nhưng, lợi dụng xây dựng phát triển các dự án để lấn chiếm Vịnh Nha Trang không chỉ ảnh hưởng xấu đến cảnh quan mà còn vi phạm Luật Di sản. Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa, cùng với việc xử lý kiên quyết các dự án vi phạm, cần tăng cường cơ chế giám sát.

Dự án sai phạm bị phạt và buộc phục hồi nguyên trạng phần vi phạm, nếu không phục hồi thì phải thu hồi giấy phép đầu tư. Bên cạnh đó, cần có biện pháp xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng nêu trên. Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa cho biết, sở dĩ các dự án sai phạm chưa được khắc phục triệt để, chưa bị thu hồi giấy phép là do có vấn đề trong khâu kiểm tra, giám sát.

Nguyên nhân là do có những bất cập về cơ chế, chính sách. Các cơ quan chuyên môn thiếu người thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát cũng như thiếu thiết bị kiểm tra chính xác dự án, công trình lấn biển. Cơ chế kiểm tra, kiểm soát, làm việc đối với các doanh nghiệp hiện nay bị giới hạn rất nhiều vấn đề. Một hành vi vi phạm của doanh nghiệp không thể một ngành làm được mà phải nhiều sở, nhiều ngành cùng phối hợp xử lý.

Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Lê Quốc Trung, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hằng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đối với UBND các địa phương, trong đó có các tỉnh, thành phố ven biển. Các dự án du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng ở tỉnh Khánh Hòa đều đã được cấp phép xây dựng sau ngày 8-7-2015 (thời điểm Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo được công bố). Căn cứ Điều 79 Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo, không được phép đầu tư, xây dựng công trình mới trong phạm vi 100 m tính từ mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền hoặc về phía trong đảo do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển xác định theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho đến khi hành lang bảo vệ biển được thiết lập…

Đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa làm rõ công trình xây dựng của các dự án nêu trên nằm trong hay ngoài phạm vi 100 m tính từ mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền hoặc về phía trong đảo để có biện pháp xử lý theo quy định. Đối với các dự án có vi phạm pháp luật về đất đai, đề nghị các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh Khánh Hòa và TP Nha Trang thanh tra, kiểm tra làm rõ thời điểm bàn giao và diện tích đất, diện tích mặt nước được bàn giao trên thực địa cho chủ đầu tư với từng dự án cụ thể để xác định vi phạm về tiến độ và phạm vi thực hiện dự án…

Theo báo Nhân dân

Bạn đang đọc bài viết Trả lại không gian cho các bãi biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới