Thứ ba, 19/03/2024 15:57 (GMT+7)

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 17/10/2018

MTĐT -  Thứ tư, 17/10/2018 09:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 17/10/2018. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 17/10/2018.

Khu du lịch quốc gia Sa Pa: Ô nhiễm mùi và tiếng ồn từ các lò giết mổ

Không khí xung quanh bốc mùi khó chịu, nước thải chưa qua xử lý thải trực tiếp ra môi trường. Tiếng ồn làm cho người sống gần và du khách thức giấc lúc nửa đêm. Đó là những tồn tại đang hiện hữu tại các lò mổ nhỏ lẻ nằm lẫn trong khu dân cư tại khu du lịch quốc gia Sa Pa, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Đã có nhiều khách du lịch than phiền với chúng tôi rằng, nghỉ đêm tại một số khách sạn trong trung tâm Khu du lịch quốc gia Sa Pa, họ đã giật mình tỉnh giấc lúc 3 giờ và thức đến sáng vì tiếng lợn kêu, bò giống… nghe rất thê lương. Tiếng ồn đó phát ra từ những lò mổ tự phát của các hộ dân trên địa bàn thị trấn Sa Pa. Tính đến thời điểm này, huyện Sa Pa chưa có khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Trong khi đó riêng địa bàn trung tâm thị trấn Sa Pa đã có đến 33 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ nằm xen kẽ quanh các khu dịch vụ, nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn.

Theo ghi nhận của PV, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm hiện có trên địa bàn thị trấn Sa Pa không đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) vì thiếu mặt bằng rộng và không có hệ thống thu gom nước thải, chất thải gia súc, gia cầm trong quá trình nuôi nhốt, giết mổ. Đặc biệt, có những chủ lò mổ làm thịt gia súc ngay dưới nền đất rất bẩn.

Anh Phạm Hồng Quang, Cán bộ Thú y, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Sa Pa đã thẳng thắn cho biết: 100% số lò mổ gia súc, gia cầm hiện có trên địa bàn huyện Sa Pa đều không đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này, luôn tiềm ẩn nguy cơ cao về việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân và du khách đến với Sa Pa.

Cần nhấn mạnh rằng, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm thịt gia súc, gia cầm tại thị trường huyện Sa Pa là rất lớn. Bởi, ngoài 64.916 nhân khẩu của toàn huyện (riêng địa bàn thị trấn Sa Pa là 10.984 nhân khẩu) thì mỗi năm địa phương còn đón trên, dưới 2 triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. Nhờ vậy, các lò mổ nhỏ lẻ ở đây luôn trong tình trạng hoạt động hết công suất mới đủ thực phẩm cung ứng kịp thời cho người dân và các bếp ăn tập thể là nhà hàng, khách sạn, trường học, bệnh viện, công trường...

Triều cường ở Bạc Liêu cao nhất trong 40 năm qua

Ngày 16/10, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong 5 ngày (từ ngày 7 đến 11/10), triều cường đo được tại trạm Gành Hào từ 2m13 – 2m35 (cao hơn rất nhiều so với dự báo chỉ từ 1m70 – 1m90).

Đây là đợt triều cường cao nhất lịch sử trong vòng 40 năm trở lại đây; vượt mức báo động III tại khu vực cửa sông Gành Hào (báo động III là +2m).

Triều cường dâng cao, khiến 3,6 km tuyến QL1 đi qua huyện Hòa Bình và thị xã Giá Ra (Bạc Liêu) bị chìm trong nước; nhiều tuyến đường trong nội ô TP Bạc Liêu, đường nông thôn ở các huyện, với tổng chiều dài trên 40 km bị ngập nặng, độ sâu có nơi trên 0,4m.

Giao thông ở các tuyến đường bị ngập gặp nhiều khó khăn; hoạt động học tập, kinh doanh và sinh hoạt của người dân bị đảo lộn.

Đình chỉ các cơ sở tái chế bao bì “bức tử” sông Nhơm

Nhiều năm qua, người dân xã Thái Hoà (Triệu Sơn, Thanh Hoá) liên tục kêu cứu tới cơ quan chức năng việc các cơ sở tái chế trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nước thải từ hoạt động giặt bao bì xả thẳng ra sông Nhơm, bốc mùi hôi thối.

Theo số liệu từ Phòng Tài nguyên môi trường (TN&MT) huyện Triệu Sơn, trên địa bàn xã Thái Hòa có 28 cơ sở giặt và tái chế bao bì phế liệu. Các cơ sở tái chế bao bì lấy nguồn nước sử dụng chủ yếu là nước sông Nhơm. Nguyên liệu đầu vào là các vỏ bao bì xi măng, lưới nhựa, đồ gia dụng bằng nhựa thải được các cơ sở này thu mua từ các đại lý trong và ngoài tỉnh về sơ chế và sản xuất. Những cơ sở này hoạt động theo mô hình hộ gia đình, mặt bằng sản xuất chật hẹp, vị trí xưởng sản xuất được bố trí ven bờ sông Nhơm.

Thiết bị phục vụ sản xuất đơn giản, thường có 1-2 máy giặt, công suất khoảng 5.000 bao bì/máy giặt/ngày và một máy xeo giấy. Trong đó, có 5 cơ sở ngoài giặt bao bì thu hồi bột giấy còn sản xuất thêm hạt nhựa (khoảng 1-1,2 tấn nhựa hạt/ngày), có một cơ sở dệt bao bì (công suất 1.000 bao bì/tháng). Các cơ sở sử dụng nước khoảng 100-200m3/ngày, cá biệt có cơ sở dùng đến 1.200m3 nước/ngày.

Bức xúc trước việc các cơ sở tái chế bao bì gây ô nhiễm môi trường, ông Lê Ngọc Phi trú tại xã Thái Hoà cho biết: “Từ giặt bao bì, đến các công đoạn chế biến khác, họ xả thẳng nước thải ra sông, nhiều hôm trời nắng bốc mùi hôi tanh không sao chịu nổi”.

Phó phòng TN&MT huyện Triệu Sơn Nguyễn Thị Xuân cho biết: “Việc các cơ sở tái chế bao bì gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân là có thật. Sau khi kiểm tra thực tế, phòng đã tham mưu cho huyện có văn bản đề xuất, kiến nghị Sở TN&MT phối hợp để lấy mẫu phân tích mức độ gây ô nhiễm môi trường từ các cơ sở tái chế bao bì”.

Được biết, vừa qua đoàn kiểm tra của Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa đã có kết luận: “…việc đăng ký kinh doanh, thủ tục hồ sơ môi trường, tài nguyên nước, các cơ sở này hầu hết đều không có hồ sơ, thủ tục bảo vệ môi trường. Có 14/28 cơ sở được UBND huyện Triệu Sơn cấp giấy phép đăng ký kinh doanh; có 1/28 cơ sở nộp đề án bảo vệ môi trường (không đạt yêu cầu) và cũng chỉ có 1/28 cơ sở có bản cam kết môi trường nhưng vẫn gây ô nhiễm môi trường...”.

Từ kết luận trên, có 27/28 cơ sở bị xử phạt hành chính. Cụ thể, có 6/27 cơ sở không có bản cam kết bảo vệ môi trường; 10/27 cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn... mức phạt cơ sở cao nhất là 35 triệu đồng, thấp nhất là 25 triệu đồng, với tổng số tiền phạt là 792 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu 28/28 cơ sở này dừng ngay việc xử lý nước thải chưa qua xử lý ra sông Nhơm, trong đó 21/28 cơ sở dừng hoạt động sản xuất 6 tháng.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 17/10/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Bài thơ: Im lặng để mất nhau
Anh im lặng , em cũng sẽ lặng im////Dù con tim hình bóng anh khuất lấp///Niềm nhớ thương dành cho anh duy nhất///Cũng im lìm chẳng nhắn gọi anh đâu...
Bài thơ: Lòng cỏ
Đôi khi lòng đau như cỏ///Vết chân vô ý lướt qua,///Có khi lòng vui như cỏ///Bàn chân mềm mại thướt tha.