Thứ sáu, 19/04/2024 08:44 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 4/12/2018

MTĐT -  Thứ ba, 04/12/2018 10:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 4/12/2018. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 4/12/2018.

Chất lượng không khí tại Hà Nội có xu hướng giảm

Trong tuần vừa qua (từ ngày 25/11 - 1/12), chất lượng không khí tại Hà Nội đang có xu hướng giảm xuống, nguyên nhân chủ yếu là do diễn biến thời tiết có nhiều thay đổi.

Chất lượng môi trường không khí là một trong những yếu tố được quan tâm hàng đầu hiện nay tại Hà Nội, vì điều này liên quan trực tiếp đến đời sống cũng như sức khỏe của người dân Thủ đô. Những năm gần đây, chất lượng không khí tại Hà Nội luôn được theo dõi thường xuyên và chặt chẽ, người dân hoàn toàn có thể theo dõi các chỉ số không khí tại Thủ đô hàng ngày để nắm bắt những thay đổi của môi trường.

Những ngày gần đây, chất lượng không khí tại nhiều vùng Hà Nội đang có xu hướng xấu đi. Tổng hợp báo cáo chất lượng không khí AQI trong tuần vừa qua (từ ngày 25/11 - 1/12) tại Hà Nội cho thấy, chất lượng không khí đang giảm xuống khá nhiều so với các tuần trước đó trong tháng 11, có những ngày ở mức trung bình và kém, không có ngày nào đạt mức độ tốt.

Theo bảng quy đổi giá trị AQI, chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt nằm ở ngưỡng 0 - 50, các chuyên gia đánh giá không ảnh hưởng đến sức khỏe; mức trung bình là 51 - 100 khuyến cáo nhóm nhạy cảm (trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp) nên hạn chế thời gian ở ngoài; mức kém 101 - 200, nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở ngoài; mức xấu 201 - 300 thì nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, những người khác hạn chế ở ngoài; mức nguy hại (trên 300 khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.

Xét theo bảng quy đổi giá trị AQI thì chỉ số trong tuần vừa qua ở mức khá cao, tất cả các trạm quan trắc chất lượng không khí đều tăng chỉ số, biên độ dao động lớn trong khoảng 59 - 178. Trong đó, các trạm nền đô thị AQI dao động trong khoảng 59 - 97, các trạm quan trắc giao thông AQI dao động trong khoảng 62 - 178.

Cụ thể, tại các trạm quan trắc chất lượng không khí giao thông trên tuyến đường Minh Khai, Hàng Đậu, Thành Công và Phạm Văn Đồng, chất lượng không khí trong tuần luôn duy trì chủ yếu ở mức kém, chỉ duy nhất trạm Thành Công có 1 ngày AQI ở mức trung bình. Còn tại các điểm quan trắc không khí nền đô thị như Trung Yên 3, Kim Liên, Mỹ Đình, Tân Mai và Tây Mỗ, trong tuần này 100% số ngày AQI đạt mức trung bình. Tại nhiều điểm quan trắc cho thấy chỉ số AQI ở mức 108 - 178.

Tại các điểm quan trắc giao thông nội đô như Hoàn Kiếm, Hàng Đậu và Thành Công trong tuần này chất lượng không khí cũng có sự biến động. Tại trạm Hàng Đậu, Thành Công có nhiều ngày chỉ số chạm ngưỡng kém, trạm tại quận Hoàn Kiếm chỉ số AQI luôn ở mức trung bình.

Điện Biên: Động đất 3 độ cách ranh giới huyện Mường Nhé 50km

Theo Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu), vào hồi 9 giờ 17 phút 53 giây (giờ GMT) ngày 3/12, tức 16 giờ 17 phút 53 giây (giờ Hà Nội) ngày 3/12, một trận động đất 3 độ xảy ra tại vị trí có tọa độ 22,485 vĩ độ Bắc, 101,665 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 12 km.

Động đất xảy ra gần khu vực biên giới Lào-Trung Quốc cách ranh giới huyện Mường Nhé, tỉnh Điên Biên khoảng 50km.

Trên địa bàn tỉnh Điện Biên từng xảy ra 2 trận động đất lớn. Đó là trận động đất với 6,75 độ vào năm 1935 trên đới đứt gẫy sông Mã và năm 1983 với 6,8 độ xảy ra ở Tuần Giáo nằm trên đới đứt gãy Sơn La. Tuy vậy, hai trận động đất này đều không gây ra hậu quả nặng nề cho người dân nơi đây.

Bạc Liêu: Không để biến đổi khí hậu làm chậm bước phát triển

Với bờ biển dài 56km, Bạc Liêu có tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế biển, nhưng đang chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, nhất là hiện tượng xói lở bờ biển, sạt lở đê biển và kè cửa sông do thay đổi dòng chảy và sóng to, gió lớn, gây thiệt hại ngày càng nặng nề cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Cả năm trụ cột phát triển cho giai đoạn 2016 - 2020 gồm: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo, du lịch, thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao và phát triển kinh tế biển, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh đều có thể chịu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn, khốc liệt hơn so với các dự báo trước đây.

Báo cáo với Đoàn công tác của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn đầu, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thành Trung cho biết, tình hình biến đổi khí hậu diễn biến hết sức phức tạp, mực nước biển dâng trung bình 3,34mm/năm kết hợp với sụt lún khoảng 7,28mm/năm, gây ngập tăng tổng cộng 10,62mm/năm, kết hợp với triều cường, nhất là trong các đợt triều cường dâng cao làm cho nước kênh Bạc Liêu - Cà Mau tràn qua Quốc lộ (QL) 1A, đã ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân, an toàn giao thông nơi đây. Trong khi đó, tuyến đê Biển Đông đã xuống cấp nghiêm trọng, nhất là một số đoạn thuộc thành phố Bạc Liêu và hai huyện Hòa Bình và Đông Hải. Nguyên nhân là do thảm rừng phòng hộ trước các đoạn đê này đã bị sạt lở nghiêm trọng do sóng biển tác động, cao trình đỉnh đê thấp, mặt đê bị sụt lún nên không còn khả năng ngăn nước khi thủy triều dâng cao.

Sau khi cùng Đoàn công tác của Quốc hội trực tiếp thị sát kè, đê biển ở một số khu vực sạt lở nghiêm trọng tại Bạc Liêu ngày 3.12, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cơ bản đồng tình với giải pháp công trình phá sóng, gây bãi bồi từ xa gắn với trồng rừng phòng hộ ở khu vực bờ biển xung yếu nhất đang sạt lở mạnh; đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giúp Bạc Liêu sớm hoàn thành các thủ tục đầu tư để có thể sử dụng một phần nguồn vốn 10 nghìn tỷ đồng mà Quốc hội Khóa XIV tại Kỳ họp thứ 6 đã quyết định dành cho hệ thống đê biển trọng yếu đang bị sạt lở, ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có 3 tuyến đê biển cấp thiết của Bạc Liêu theo đề nghị của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để Bạc Liêu đổi mới mô hình tăng trưởng theo 5 trụ cột phát triển đã xác định. “Chúng ta phải coi đây là thách thức lớn nhất của Bạc Liệu trên con đường phát triển và xác định đây là công việc thường xuyên, lâu dài làm trong nhiều năm liền mới có kết quả. Thực ra là chúng ta phải tiếp nối truyền thống làm thủy lợi của cha ông từ thời kỳ khẩn hoang vùng đất này hàng trăm năm trước” - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Chiến dịch đổi rác lấy vé xe bus miễn phí tại Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ

Các thành phố ở Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ đã đề xuất chiến dịch đổi rác lấy vé bus miễn phí để giải quyết vấn nạn rác thải nhựa đang gây ô nhiễm nghiêm trọng trên thế giới.

Tại Surabaya, thành phố lớn thứ 2 của Indonesia, hành khách có thể đổi chai hoặc ly nhựa để được đi xe bus miễn phí. Một vé xe bus sẽ được đổi ngang với 10 ly hoặc 5 chai nhựa tùy thuộc vào kích thước của chúng. Dự kiến, mỗi xe bus sẽ thu được 250kg chai, ly nhựa mỗi ngày. Số rác này sẽ được tháo nhãn rồi bán cho các công ty tái chế. Tiền thu về sẽ được sử dụng để đầu tư cho hoạt động giao thông vận tải ở Java.

Trong khi đó, ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, các máy bán hàng tự động sẽ được đặt ở trạm xe điện ngầm. Hành khác đến bỏ chai, ly nhựa vào sẽ nhận được một khoản tiền tùy theo kích thước của món đồ đó. Tiền thu được sẽ đem đổi lấy vé đi xe điện.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 4/12/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?
Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.