Thứ năm, 18/04/2024 09:03 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 12/12/2018

MTĐT -  Thứ tư, 12/12/2018 12:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 12/12/2018. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 12/12/2018.

Thế giới vẫn chưa hành động quyết liệt để chống biến đổi khí hậu

Theo báo cáo của các nhà nghiên cứu công bố tại Hội nghị của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP24) đang diễn ra ở Katowice (Ba Lan) cho thấy Trái Đất vẫn đang trong quá trình nóng lên, vượt xa mức tăng nhiệt độ đề ra theo Thỏa thuận Paris năm 2015.

Đảm bảo nguồn nước sạch, vệ sinh môi trường sau mưa lũ

Tình trạng mưa to đã gây ngập lụt và sạt lở đất ở nhiều nơi sẽ làm gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh tại nhiều địa phương.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để phòng chống dịch bệnh ứng phó với mưa lũ.

Bộ Y tế yêu cầu y tế các tỉnh chủ động triển khai các phương án ứng phó về y tế và công tác phòng chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường trong và sau mưa lũ và ngập lụt.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng nguy cơ bị ảnh hưởng mưa lũ và ngập lụt triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh khác theo các khuyến cáo về các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau bão lụt.

Bên cạnh đó, các địa phương cần triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lũ và ngập lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh các dịch, bệnh truyền nhiễm. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

Để phòng chống dịch bệnh có thể xảy ra sau lũ, các đơn vị có liên quan cần tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra. Đó là các dịch bệnh như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, đặc biệt cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn… Duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch để sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới.

Về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, ngành y tế các tỉnh cần hỗ trợ cung cấp hóa chất, hướng dẫn người dân triển khai thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt bằng Chloramin B, Aquatabs hoặc những hóa chất khử khuẩn khác tại các vùng bị mưa lũ, ngập lụt và sạt lở đất.

Sở Y tế các tỉnh cần bảo đảm nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm cho các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ, ngập lụt và sạt lở đất; Tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các hoạt động phòng chống, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh và công tác đảm bảo y tế trên địa bàn.

Đà Nẵng tổng lực khắc phục hậu quả sau trận ngập lịch sử

Ngày 11/12, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có văn bản gửi hàng loạt các đơn vị liên quan yêu cầu khẩn trương thực hiện vệ sinh môi trường, khắc phục các sự cố và dọn dẹp sau lũ.

Theo ông Thơ, trong hai ngày 9 và 10/12, địa bàn TP đã diễn ra mưa lớn trên diện rộng, gây ngập úng sâu, cục bộ trong khu dân cư, gây sạt lở bờ biển tại các điểm xung yếu. Lượng rác thải lớn đã tấp vào các khu vực bãi biển của TP.

Nhằm đảm bảo cao nhất sức khỏe cho nhân dân và mỹ quan đô thị TP, chủ tịch Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị khẩn trương tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác vệ sinh, môi trường nhằm đảm bảo sớm ổn định đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Trước mắt, ông ty Cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng chịu trách nhiệm chủ động tổ chức công tác thu gom, dọn vệ sinh rác thải đô thị, đảm bảo không có tình trạng tồn lưu rác trên các tuyến đường, trong khu dân cư nhằm tránh phát sinh dịch bệnh sau mưa lũ...

Ông Thơ giao Sở TN&MT làm đầu mối việc thực hiện của các đơn vị, kịp thời đề xuất UBND TP các vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Thủ trưởng các đơn vị báo cáo kết quả, tình hình triển khai thực hiện trước 17 giờ hằng ngày (trong thời gian từ ngày 11 đến ngày 17/12) về Sở TN&MT để tổng hợp, báo cáo.

“Đây là nhiệm vụ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân TP. Do đó, yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện” - ông Thơ yêu cầu.

Bờ biển xã Vinh Hải, Thừa Thiên - Huế sạt lở nghiêm trọng

Từ ngày 8 - 11/12, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao, tại Thừa Thiên - Huế đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Vùng ven biển có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng to, triều cường, kết hợp nước dâng làm nhiều đoạn bờ biển của một số địa phương trong tỉnh tiếp tục sạt lở nặng. Trong đó, nghiêm trọng nhất là bờ biển xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc) bị sạt lở nặng với chiều dài  khoảng 3,3 km; biển xâm thực vào đất liền từ 5-7 mét, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân, đất sản xuất và vùng nuôi trồng thủy sản tại địa phương này.

Được biết, trong năm 2017, huyện Phú Lộc đã đầu tư trên 2,5 tỷ đồng xây dựng một kè mềm dài hơn 300 mét để chống xói lở bờ biển khu vực này nhưng hiện vẫn bị sóng biển đánh sạt lở, lộ ra 1/2 phần thân đập.

Ông Đặng Ngọc Trân, Bí thư Huyện ủy Phú Lộc cho biết, những năm gần đây, tuyến bờ biển xã Vinh Hải liên tục bị xâm thực vào đất liền, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của nhân dân. Đặc biệt, sau trận mưa lũ liên tiếp trong những ngày qua bờ biển trên địa bàn càng bị sạt lở nghiêm trọng. Tại các điểm sạt lở dọc tuyến bờ biển Vinh Hải, hàng loạt cây phi lao đã bị sóng biển xô ngã, bật gốc, bờ cát bị sạt lở dựng đứng "ăn" vào sát khu dân cư.

Cần Thơ sẽ đóng cửa 2 bãi rác quá tải

Ban Đô thị HĐND TP Cần Thơ vừa có báo cáo kết quả giám sát công tác tổ chức thực hiện và quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP. Qua đó Ban Đô thị đề nghị TP có kế hoạch dần dần đóng cửa bãi rác tại hai khu xử lý chất thải (KXLCT) rắn ở huyện Cờ Đỏ và quận Ô Môn.

Ban Đô thị HĐND TP Cần Thơ vừa có báo cáo kết quả giám sát công tác tổ chức thực hiện và quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP. Qua đó Ban Đô thị đề nghị TP có kế hoạch dần dần đóng cửa bãi rác tại hai khu xử lý chất thải (KXLCT) rắn ở huyện Cờ Đỏ và quận Ô Môn.

Nguyên do là vì một số bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt ở huyện Cờ Đỏ và quận Ô Môn đang bị quá tải, phát tán mùi hôi, nước rỉ rác, gây ô nhiễm môi trường. Phần lớn các lò đốt rác này hiện sử dụng công nghệ lạc hậu, vận hành gây khói bụi, phát tán mùi hôi.

Đặc biệt, tại khu vực chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt ở xã Đông Thắng (huyện Cờ Đỏ) đang bị tồn đọng nước rỉ rác, tích trữ nước mưa ngày càng nhiều, có nguy cơ vỡ bờ bao, gây ô nhiễm khu vực gần bãi rác.

Do đó, Ban Đô thị kiến nghị Thường trực HĐND TP có ý kiến với UBND TP chỉ đạo các đơn vị liên quan tham mưu kế hoạch dần dần đóng cửa các bãi rác tại hai khu xử lý nói trên.

Chỉ đạo các chủ đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở những khu vực này xây dựng phương án cải tạo, phục hồi môi trường khi đóng cửa các bãi rác theo quy định.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 12/12/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.