Thứ năm, 28/03/2024 16:31 (GMT+7)

Quảng Bình: Dân thấp thỏm vì cả trăm mét đê chắn sóng hư hỏng nặng

Nguyễn Thưởng - Quốc Huy -  Thứ hai, 23/10/2017 07:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cơn bão số 10 đi qua đã hơn 1 tháng để lại thiệt hại nặng nề cho người dân Quảng Bình. Trong đó có hàng trăm mét tuyến kè đê biển tại xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch bị sạt lở nghiêm trọng.

Theo phản ánh từ người dân, PV Môi Trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có mặt tại làng biển Lý Hòa (Bố Trạch, Quảng Bình). Một đoạn bờ kè dài khoảng 200m đã bị sóng biển phá hủy nghiêm trọng, nhiều mảng kè bê tông kiên cố bị sóng đánh vỡ vụn tan tành gây ra tình trạng sạt lở và sụt lún đất.

Các hộ dân ở đây cho biết: "Cơn bão số 10 vừa qua mang theo nhiều đợt sóng cao và mạnh ập thẳng vào bờ khiến cho nhiều đoạn bờ kè bằng bê tông kiên cố bị đánh sập và cuốn phăng ra biển.

Tuyến đê này có chiều dài khoảng hơn 3km, đã được xây dựng từ lâu với mục đích để chắn sóng, chống xâm thực và sạt lở bờ biển, đồng thời cũng là đường giao thông để mọi người lưu thông qua lại. Tuy nhiên, giờ đây nó đã bị sóng biển phá hủy một cách trầm trọng".

Theo quan sát của PV tại tuyến đê này, một đoạn kè bằng bê tông kiên cố dài chừng 200m đã bị đổ sập. Nhiều mảng bê tông bị sóng đánh vỡ vụn, nằm ngổn ngang, vương vãi khắp nơi.

Một đoạn dài bờ kè bằng đá được xây đựng khá chắc chắn cũng bị sóng biển đánh tan tành khiến cho nhiều mét đất của bà con bị sạt lở và cuốn ra biển.

Có những chỗ sóng biển cuốn trôi hết lớp đất cát bên dưới, chỉ để lại những lớp bê tông vụn vỡ nằm trơ trọi. Hiện tại, sóng biển đã ăn sâu vào trong đê khoảng 7 – 8 mét, làm sụp đổ cả một đoạn dài đường bê tông khiến cho việc đi lại của bà con bị gián đoạn.

Một ngư dân làm nghề đánh cá lâu năm ở đây cho biết: “Trước đây chưa hề có việc sạt lở nghiêm trọng như thế này, kể cả cơn bão mạnh hồi năm 2013 tuyến đê này cũng không bị ảnh hưởng gì.

Tuy nhiên, cơn bão số 10 vừa rồi sóng ập vô mạnh quá, có lúc sóng cao 5 – 7 mét cứ ập vào bờ biển liên hồi, khi bão đi qua bà con đi kiểm tra mới biết bờ kè này đã bị sóng biển làm hư hỏng nghiêm trọng”.

Trao đổi với PV anh Nguyễn Trung Hầu (thôn Nội Hải, xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch) không khỏi lo lắng: "Tuyến đê này vừa là đê chắn sóng, vừa là đường giao thông để cho bà con đi lại hàng ngày.

Nhưng giờ đây nó đã bị sóng biển phá hủy trầm trọng khiến cho nhiều bà con sống ở đây nơm nớp lo sợ trước nguy cơ bị mất đất mất nhà. Nếu tình hình này không sớm được khắc phục".

Chia sẻ về sự khó khăn trong công tác khắc phục, ông Nguyễn Duy Huy – Chủ tịch UBND xã Hải Trạch cho biết: "Tuyến đê bị sạt lở nghiêm trọng từ sau bão số 10. Đoạn sạt lở kéo dài khoảng 200 mét và ăn sâu hết cả mặt đường với chiều rộng khoảng 7 – 8 mét.

Hiện tại chính quyền địa phương đã nắm bắt được tình hình và đã có báo cáo gửi lên cấp trên để chờ hướng giải quyết".

"Việc nâng cấp, tu sửa đoạn kè này cần đòi hỏi nguồn chi phí lớn ngoài khả năng của xã do vậy xã vẫn đang chờ ý kiến của cấp trên.

Hiện tại trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ vận động bà con tiến hành đổ đất, đấp lại để tạm thời để chống sạt lở thêm cũng như phục vụ việc đi lại của bà con trong vùng". Ông Huy cho biết thêm.

Một số hình ảnh mà PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử ghi nhận tại tuyến đê này:

Hơn 200 mét tuyến kè đê biển tại xã Hải Trạch bị bão làm hư hỏng nghiêm trọng

Nhiều mảng bê tông kiên cố bị sóng đánh vỡ vụn nằm ngổn ngang

Đoạn bờ kè được xây bằng đá khá chắc chắn cũng bị sóng đánh tan tành, khiến nhiều diện tích đất của bà con bị sạt lở hoặc cuốn xuống biển

Có những chỗ đất cát bị sóng biển cuốn đi hết, để lại trở trọi những mảng bê tông

Đê bị sạt lở khiến cho việc đi lại của bà con bị gián đoạn

Hàng trăm hộ dân sống ở đây đang lo sợ tình trạng sạt lở có thể tiếp tục diễn ra

Bạn đang đọc bài viết Quảng Bình: Dân thấp thỏm vì cả trăm mét đê chắn sóng hư hỏng nặng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới