Thứ sáu, 29/03/2024 00:49 (GMT+7)

Nghệ An: Lập tổ kiểm tra quy trình xả lũ của các nhà máy thủy điện

MTĐT -  Thứ năm, 23/08/2018 14:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tỉnh Nghệ An sẽ thành lập tổ kiểm tra quy trình vận hành xả lũ của các nhà máy thủy điện. Mục đích là xem xét việc thực hiện quy trình xả lũ của các nhà máy thủy điện có đúng quy định hay không.

Theo thông tin trên TTXVN, sáng nay (23/8), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường cho biết, tỉnh Nghệ An sẽ thành lập tổ kiểm tra quy trình vận hành xả lũ của các nhà máy thủy điện.

Mục đích của tổ kiểm tra này là để xem xét việc thực hiện các quy trình xả lũ của các nhà máy thủy điện có nghiêm túc và đúng với những quy định hiện hành hay không. Tổ công tác sẽ trực tiếp kiểm tra nhật ký, hệ thống truyền dẫn, truyền thông về việc xả lũ của các nhà máy thủy điện cũng như việc phối hợp vận hành với trung tâm.

Thông qua việc kiểm tra cũng để tỉnh và các địa phương rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, phòng chống mưa lũ cho những lần sau.

UBND tỉnh Nghệ An cũng cho biết đã tiếp thu các ý kiến của dư luận và người dân cũng như các cơ quan chức năng. Theo đó, tỉnh giao cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An là ông Đinh Viết Hồng chỉ đạo thành lập một tổ kiểm tra những thiệt hại mà tỉnh cần phải xử lý.

Thủy điện Bản Vẽ. Ảnh: TTXVN.

Đồng thời, hỗ trợ kịp thời đối với các huyện miền núi trong tỉnh bị thiệt hại nặng nề do đợt mưa lũ vừa qua. Tổ này sẽ trực tiếp làm việc với các huyện, các ngành và với người dân về những thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua; đưa ra các phương án tham mưu đề xuất về các vấn đề liên quan đến công tác khắc phục hậu quả của những thiệt hại.

Tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu Sở Tài chính cân đối để xử lý, kể cả dùng cả ngân sách dự phòng năm 2018 của tỉnh phục vụ cho khắc phục hậu quả đợt mưa lũ này. Cùng đó, kiểm tra, thống kê, ghi nhận những ý kiến cụ thể của các huyện để xem những vấn đề gì xử lý được và xử lý sớm; tham mưu xử lý cho các huyện, đặc biệt lưu ý những vấn đề trước mắt, như giống nông nghiệp, thuốc men, kinh phí khắc phục sửa chữa một số đoạn đường bị sạt lở, hư hỏng, ách tắc…

Trước đó, dù bão số 4 không trực tiếp đổ bộ vào Nghệ An nhưng lại gây ra hậu quả nặng nề cho các huyện miền núi và một số vùng hạ du. Nhiều người cũng đặt ra câu hỏi, việc dự báo, cảnh báo lũ lụt có đảm bảo đúng quy trình.

Đến ngày hôm nay (23/8), dù trời nắng nhưng nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn chìm trong biển nước.

Lũ gây thiệt hại nặng nề cho các huyện miền núi và vùng hạ du Nghệ An. Ảnh: Dân Trí. 

Theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, đợt mưa lũ từ ngày 16/8 - 23/8 vừa qua đã gây thiệt hai nặng nề cho địa phương và người dân các huyện miền núi và một số địa phương ở vùng hạ du, đặc biệt là các huyện như Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Hợp, Quế Phong, Anh Sơn, Thanh Chương. Tổng thiệt hại về kinh tế do đợt mưa lũ vừa qua gây ra là trên 786 tỷ đồng.

Để khắc phục những thiệt hại do bão số 4 gây ra, tỉnh Nghệ An đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ 350 tỷ đồng cùng thuốc, hóa chất, trang thiết bị để ổn định đời sống, sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân.

Ngoài ra, tỉnh Nghệ An cũng đề xuất Chính phủ hỗ trợ cho các huyện miền núi của tỉnh 06 máy xúc (0,5m3) để xử lý ách tắc giao thông, sạt lở đất… do thiên tai; hỗ trợ cho lắp thêm 01 rađa theo dõi thời tiết đặt ở huyện Kỳ Sơn để phục vụ cho công tác dự báo thời tiết ở hệ thống sông Cả tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.

Theo báo Giao thông, việc xuất hiện lũ bất thường ở vùng hạ lưu sông Lam, sông Cả là do các thủy điện đầu nguồn đồng loạt xả lũ từ ngày 17/8 cho tới nay. Các thủy điện xả lũ gồm: Bản Vẽ, Nậm Mô, Nậm Nơn, Bản Ang, Khe Bố và Chi Khê. Quá trình các thủy điện xả lũ đã khiến hàng loạt các huyện miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông lâm vào cảnh ngập nặng từ ngày 17/8; làm chia cắt QL7 trong hai ngày 17-18/8.

Sau đó, gây ngập lụt diện rộng ở vùng hạ lưu ven sông Cả, sông Lam từ ngày 19/8. Nhiều người đặt nghi ngờ về quá trình vận hành hồ đập, cũng như công tác cắt lũ giảm lũ của các nhà máy thủy điện.

Ông Tạ Hữu Hùng, Phó giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ cho biết: “Công tác điều tiết nước, xả lũ ở Thủy điện Bản Vẽ do Ban chỉ huy PCTT tỉnh chỉ đạo và tuân theo quy trình nghiêm ngặt. Không có chuyện vì tích nước phát điện mà không cắt lũ, giảm lũ”.

Riêng về việc dự báo lũ xa, ông Hùng thừa nhận: “Các dự báo chỉ chính xác trong khoảng tương lai gần từ 1 - 2 ngày”. Đây cũng là trăn trở của ông Đào Duy Tân, Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty Phát triển năng lượng Nghệ An: Dự báo khí tượng thủy văn vừa rồi cho rằng lưu lượng lũ xa cao nhất cũng chỉ 2.000m3/s, nhưng thực tế lên đến 4.200m3/s. Tuy nhiên, cũng không trách được họ vì lũ phía Tây Nghệ An đa phần do nước từ thượng nguồn bên nước bạn Lào đổ về, mà bên đó không có các trạm khí tượng để đo, dự báo lũ.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Nghệ An: Lập tổ kiểm tra quy trình xả lũ của các nhà máy thủy điện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.