Thứ sáu, 29/03/2024 11:39 (GMT+7)

Lo ngại rác thải đường phố

MTĐT -  Thứ hai, 15/10/2018 13:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thậm chí là xử phạt, song tình trạng rác thải sinh hoạt vẫn tràn ngập trên các tuyến đường, vỉa hè.

Trăn trở về vấn đề này, ngày 14/10, Hội đồng Nhân dân TP HCM đã tổ chức chương trình lắng nghe và trao đổi tháng 10 với chủ đề “Xử phạt vi phạm hành chính về môi trường ở nơi công cộng và khu dân cư – Thực trạng và giải pháp”.

Phạt nhẹ, rác nhiều

Theo thống kê của Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) TP HCM, trung bình mỗi ngày thành phố thu gom 8.900 tấn rác thải sinh hoạt, tăng 6% mỗi năm. Dự báo, vào năm 2020 lượng rác thải sẽ lên mức 11.000 tấn rác thải mỗi ngày. Điều bất cập nhất hiện nay là cứ có đám đông, hàng rong, hàng quán xuất hiện là có rác, trong khi đó chính  quyền các cấp, sở ngành dù tuyên truyền, vận động, thậm chí xử phạt, song tình trạng rác thải sinh hoạt vứt bỏ bừa bãi chưa thuyên giảm.

Cử tri Lý Thiếu Mai (Quận 1) cho hay: “Ai cũng biết đây là thành phố đông dân nên lượng rác thải sinh hoạt thải ra ngày càng nhiều. Chính quyền liên tục tuyên truyền, thế nhưng một bộ phận không nhỏ người dân vẫn thiếu ý thức và có thói quen vứt rác lung tung gây phản cảm, mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường”.

Khảo sát của HĐND TP HCM cho thấy, rất ít phường – xã thực hiện xử phạt hành vi xả rác gây ô nhiễm môi trường. Ông Trương Lâm Danh - Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP HCM cho hay, quy định xử phạt có đầy đủ nhưng rất ít phường – xã xử phạt người có hành vi gây ô nhiễm môi trường. Khảo sát cho thấy, phường thực hiện xử phạt cao nhất là 4 vụ, đa phần là 1 vụ, có nhiều phường – xã không xử phạt trường hợp nào.

“Kết quả trên cho thấy cán bộ địa phương chưa chú trọng, quan tâm xử phạt. Như vậy vô hình trung tạo thói quen cho một số người dân rồi lây lan sang ý thức người khác. Nếu cơ quan thẩm quền không kiên quyết thì ô nhiễm ngày càng nhiều” – ông Danh trăn trở. Vị quan chức này khẳng định, xử phạt về môi trường được quy định đầy đủ tại Nghị định 155, Nghị định 167. Cơ quan có thẩm quyền xử phạt là công an cấp phường – xã.

Bàn về công tác xử phạt hành vi xả rác thải không đúng quy định, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở TNMT TP HCM cho hay, thời gian qua thành phố xử phạt được 463 trường hợp với tổng số tiền phạt hơn 12 tỷ đồng. Rõ ràng đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, vì chính quyền địa phương để lọt rất nhiều hành vi trên.

Việc triển khai xử phạt xả thải không đúng quy định vẫn gặp nhiều khó khăn.

Tăng cường giải pháp đồng bộ

Bà Mỹ khẳng định, xử phạt có, tuyên truyền có nhưng vẫn chưa khắc phục được hành vi xả thải rác thải sinh hoạt vì hành vi xảy ra nhanh, tức thời ở các địa điểm vắng người. Nguyên nhân thứ hai, lực lượng chức năng mỏng lại kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên quản không xuể. Thứ ba, có 3 Nghị định xử phạt đó là, Nghị định 155/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường; Nghị định 167 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; Nghị định 46/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Mặc dù quy định xử phạt rất nhiều nhưng vì chồng chéo giữ các Nghị định nên khó khăn trong việc xử phạt.

“Đối với người thu nhập thấp thì áp dụng có cân nhắc, một số hàng vi bỏ chất thải xây dựng chưa bị phạt, truy xuất từ camera cũng chưa được xử phạt” - bà Mỹ lý giải khó khăn.

Mong muốn hạn chế tới mức thấp nhất những hành vi xả rác thải sinh hoạt không đúng quy định, Sở TNMT TP HCM kiến nghị, các cơ quan địa phương, ban, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và vệ sinh nơi công cộng nói riêng, từng bước hoàn thiện trang bị thùng rác công cộng, nhà vệ sinh công. Đồng thời, Sở tổng hợp các hạn chế, vướng mắc trong các quy định về xử phạt kiến nghị Bộ TNMT trình Chính phủ sửa đổi lại nghị định xử phạt.

Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, HĐND thành phố có Nghị quyết 03 về vấn đề bảo vệ môi trường ở đô thị và khu dân cư; trong đó có đề cập đến rất nhiều vấn đề để quản lý chất thải rắn và chất thải sinh hoạt. Hiện nay các cấp chính quyền đang tập trung triển khai, HĐND thành phố đang tập trung giám sát, kiểm tra. Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị, UBND thành phố tiếp tục có những chỉ đạo cụ thể hơn, giải quyết kịp thời những vướng mắc mà sở, ngành nêu như những vấn đề quy định pháp luật đã có nhưng việc triển khai trên địa bàn chưa nghiêm.

* Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, trung bình mỗi ngày thành phố thu gom 8.900 tấn rác thải sinh hoạt, tăng 6% mỗi năm. Dự báo, vào năm 2020 lượng rác thải sẽ lên mức 11.000 tấn rác thải mỗi ngày. Các cấp, sở ngành dù tuyên truyền, vận động, thậm chí xử phạt, song tình trạng xả rác sinh hoạt không thuyên giảm.

Theo báo Đại đoàn kết

Bạn đang đọc bài viết Lo ngại rác thải đường phố. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Khúc giao mùa tháng Ba
Mộc miên thắp lửa đỏ trời///Lúa chiêm trong nắng xanh ngời chân mây///Giấc mơ lả cánh cò bay///Cố hương ơi! Những mê say cuối chiều.