Thứ sáu, 29/03/2024 16:41 (GMT+7)

Làm như Hà Nội, cả nước sẽ giảm được 70 - 80% lượng thuốc BVTV

MTĐT -  Thứ ba, 08/01/2019 14:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chưa ở đâu tôi được ăn những hạt gạo, con cá, cọng rau ngon lành đến thế, được hít thở bầu không khí trong sạch đến thế… nơi gần như đã hạn chế tối đa thậm chí lãng quên việc dùng thuốc BVTV…

Kết quả không tự trên trời rơi xuống

Nhiều nông dân ở Hà Nội đã quả quyết với tôi rằng: “Giờ dù có ai kề dao vào cổ bắt phun thuốc BVTV chúng tôi cũng không phun nữa vì sợ độc hại, vì ngại vất vả”. Nghe có vẻ cực đoan, rất “tả” nhưng thực tế thì nhiều nơi giảm thiểu thuốc BVTV thậm chí không phun nhưng năng suất lúa của Hà Nội vẫn khá, đạt bình quân 56,28 tạ/ha, sản lượng khoảng 1,1 triệu tấn/năm thuộc vào hàng top tỉnh thành ở phía Bắc.

Sau khi sáp nhập Hà Tây, một phần của Vĩnh Phúc, Hòa Bình vào, Hà Nội trở thành một trong những “siêu thủ đô” trên thế giới về nông nghiệp với khoảng 3,8 triệu dân nông thôn và có diện tích đất nông lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản là 188.601 ha trong đó riêng trồng cây là 150.990 ha. Hồi tôi viết bài: “Chuyện có thật ở nơi cả xã 10 năm nay không dùng đến thuốc sâu” nói về câu chuyện phần lớn người dân trồng lúa ở xã Đỗ Động huyện Thanh Oai nhiều năm không dùng đến thuốc BVTV thì ngay cả nhiều cán bộ nông nghiệp kỳ cựu cũng phản ứng mạnh với logic rằng: “Thuốc sâu với nông nghiệp cũng như thuốc tây với con người vậy, thiếu nó thì lấy gì để đảm bảo năng suất?”.

Lấy mẫu côn trùng để điều tra sự đa dạng về sinh vật trên đồng.

Nhưng chính những cán bộ BVTV của Hà Nội như anh Đàm Văn Tân - Trạm trưởng Trạm BVTV Thanh Oai, anh Nguyễn Duy Hồng - nguyên Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội đã khảng khái đứng lên chứng minh bằng những con số không thể không tin rằng: Hà Nội sử dụng ít thuốc BVTV năm 2014, 2015, 2016 tương ứng là 251 - 287 - 316 tấn, chi phí ngoại tệ 1,8 - 2,2 triệu USD chỉ bằng 0,25 - 0,32% so với toàn quốc. Lượng thuốc BVTV sử dụng cho 1 ha trồng cây nông nghiệp từ 1,67 - 2,1kg (trung bình toàn quốc gấp 4,8 - 6 lần Hà Nội), hàng năm tiết kiệm 190 - 201 tỷ đồng. So với Hà Nội, toàn quốc đang lãng phí khoảng 80% lượng thuốc BVTV, có nguy cơ cao đến an toàn thực phẩm, ảnh hưởng sức khỏe và môi trường.

Huyện Thanh Oai có 21 xã, thị trấn thì 6 xã vùng trồng rau, 3 xã vùng trồng quả còn dùng thuốc, còn lại hầu hết những xã trồng lúa dùng rất hạn chế hoặc gần như không dùng khiến cho 26 cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV hầu hết đã ngừng hoạt động, chỉ còn 3 cái tồn tại. Cũng tương tự, huyện Phú Xuyên có diện tích lúa 7.396ha nhưng lượng thuốc sâu sử dụng cho vụ xuân 2018 chỉ 825kg, thuốc bệnh chỉ 728kg, nhiều xã gần như không dùng như Quang Trung, Đại Thắng, Vân Từ, Phú Yên. Huyện Mỹ Đức có xã như Hồng Sơn 3 năm liền không dùng đến thuốc sâu, thuốc bệnh, như HTX Hợp Tiến, như HTX Đại Nghĩa nhiều vụ cũng không mấy ai còn dùng…

Thu hoạch lúa ở ngoại thành Hà Nội.

Kết quả trên không tự nhiên từ trên trời rơi xuống mà là thành quả của một loạt những hành động kiên trì và quyết liệt trong thời gian dài của Hà Nội. Để nâng cao kiến thức kỹ năng canh tác, nhận thức về hệ sinh thái cho nông dân, cán bộ kỹ thuật và quản lý, Chi cục BVTV đã triển khai đồng bộ các hoạt động: đào tạo giảng viên, lớp học đồng rộng, tờ hướng dẫn, đĩa CD, VCD, hội nghị đầu bờ, báo, truyền thanh, truyền hình… Cốt lõi nhất là tổ chức được 5.011 lớp học đồng ruộng về IPM cho 124.703 nông dân, 953 lớp nghiên cứu về canh tác, không sử dụng thuốc BVTV mà che phủ nilon, bẫy chua ngọt, Flykill, ngâm nước ruộng, bón khô dầu đậu tương… và 205 lớp mô hình SRI (từ 4 đến 50ha) với diện tích 4.272ha. Diện tích ứng dụng từng phần và toàn phần SRI trên lúa đạt tới 60%, diện tích rau được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất đạt trên 5.000ha, rau hữu cơ trên 50ha nên chỉ có 1 - 2% mẫu rau vượt dư lượng tối đa cho phép thuốc BVTV.

Thứ nữa là nhân lực, kinh phí của Hà Nội tương đối đảm bảo cho tuyên truyền, tập huấn nông dân, cho các cá nhân, tổ chức kinh doanh vật tư nông nghiệp; cho thanh tra, kiểm tra vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm. Cuối cùng là tổ chức BVTV đồng bộ từ thành phố đến xã với gần 600 người đa số có trình độ đại học để điều tra, phát hiện đến hộ, hướng dẫn phòng trừ đúng địa điểm, thời điểm. Phân công, phân cấp cụ thể thanh tra, kiểm tra của 3 cấp (thành phố, huyện, xã) về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm. 

Vẫn còn những gam màu tối

Trong một bức tranh toàn cảnh nhiều gam màu hồng như thế nhưng Hà Nội vẫn có những gam màu tối. Anh Nguyễn Duy Hồng phân tích cụ thể, sử dụng thuốc vài năm gần đây có biểu hiện tăng 10 - 25% so với trước đó, một số huyện lượng thuốc BVTV sử dụng cao như Mê Linh, Đông Anh, Từ Liêm, Hoài Đức, Ba Vì, lượng thuốc BVTV sử dụng/ha gieo trồng ở đây khá nhiều.

Lượng thuốc BVTV còn có nguy cơ tăng cao trong thời gian tới do bất cập của quy định quản lý, chính sách cho con người và điều kiện thực hiện: Nhận thức, hiểu biết, trách nhiệm của nông dân, của tổ chức cá nhân kinh doanh, sử dụng thuốc, của chính quyền, cơ quan quản lý các cấp. Thiếu nguồn lực con người, kinh phí thực hiện. Ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu. Nhất là tác động của danh mục thuốc BVTV do chưa có quy định chặt chẽ (hay tiêu chí) đăng ký khiến cho ngành BVTV khó hướng dẫn, nông dân khó lựa chọn. Số hoạt chất và tên thương phẩm thuốc BVTV quá nhiều, có nhiều tỷ lệ hoạt chất, cùng hoạt chất, cùng tỷ lệ hoạt chất, cùng dạng chế phẩm nhưng đăng ký đối tượng rất phức tạp.

Các công ty kinh doanh thuốc BVTV dành nguồn lực lớn cho công tác khuyến nông với nhiều hình thức (tập huấn, hội thảo, trình diễn…), liên tục quảng cáo trên báo (hình, nói, viết, mạng), tạp chí, tài liệu (sổ tay, tờ hướng dẫn), baner, bảng biển, mũ, túi, quần, áo… cuối cùng cũng chỉ để xui dân mua thuốc BVTV. Chính sách chiết khấu cao, khuyến mại hấp dẫn như cho sản phẩm sử dụng thử, ứng sản phẩm đầu vụ cuối vụ trả tiền. Thời gian tiếp xúc, mật độ tiếp xúc, phương pháp tiếp xúc trực tiếp của cửa hàng thuốc nhiều hơn cán bộ kỹ thuật và các thành phần khác, đối lập với các hoạt động khuyến nông của nhà nước rất hạn chế, nhất là các lớp học đồng ruộng về IPM. Sức ép vô hình này dễ làm cho nông dân ngả nghiêng, phun thuốc theo khuyến cáo của các cửa hàng vật tư, các công ty thuốc BVTV.

Xác nhận của anh Lương Văn Hoan - Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Phú Xuyên.

Và điều quan trọng là Hà Nội cũng như các tỉnh thành trong cả nước, nơi mỗi xã có hàng ngàn hộ nông dân, có hàng chục ngàn mảnh ruộng, không thể có lực lượng cán bộ BVTV nào có thể quản lý nổi nếu thiếu đi sự hợp tác của chính quyền địa phương, mà nhất là thôn, xã. Trong khi đó, nhận thức, hiểu biết, trách nhiệm, xử lý nghiêm vi phạm kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV của UBND cấp xã, cấp huyện còn rất hạn chế. Chưa có một nông dân nào của Hà Nội bị xử lý do sử dụng sai thuốc, lạm dụng thuốc BVTV dù chế tài xử phạt đã có từ lâu.

Theo anh Nguyễn Duy Hồng, con đường giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV của Hà Nội hoàn toàn có thể thực hiện được trên phạm vi toàn quốc với những điều kiện như sau: Tổ chức lớp học đồng ruộng về quản lý dịch hại tổng hợp trên các cây trồng cho các tỉnh trên toàn quốc. Có chính sách để nông dân được học tập, tiếp cận với kỹ thuật mới không sử dụng thuốc BVTV. Quy định chặt chẽ về đăng ký thuốc. Tổ chức BVTV đồng bộ từ tỉnh, thành phố đến xã. Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về phát triển sản xuất, chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm của cấp huyện, cấp xã.

Kiến nghị gửi Bộ NN-PTNT

Riêng về phía Bộ NN-PTNT ban hành Thông tư về đăng ký thuốc BVTV, trong đó quan tâm: không đăng ký đặc cách, không hỗn hợp hoạt chất, một tỷ lệ hoạt chất, đối tượng đăng ký chung cho hoạt chất, tỷ lệ hoạt chất, không đăng ký đối tượng cho từng sản phẩm. Hủy bỏ thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV. Cùng Bộ KH-ĐT đệ trình và thuyết phục Chính phủ về vai trò của dự án: “Tổ chức lớp học đồng ruộng về quản lý dịch hại tổng hợp Việt Nam giai đoạn 2018 - 2028”.

Theo NNVN

Bạn đang đọc bài viết Làm như Hà Nội, cả nước sẽ giảm được 70 - 80% lượng thuốc BVTV. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.