Thứ sáu, 19/04/2024 22:08 (GMT+7)

Huế: Biển xâm thực nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống gần 700 hộ dân

Nguyễn Nam -  Thứ hai, 20/11/2017 07:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tình trạng xâm thực ở khu vực bờ biển thuộc xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc) diễn ra từ hàng chục năm nay và ngày một nghiêm trọng, sóng biển ngoạm sâu vào đất liền đe dọa trực tiếp cuộc sống người dân.

Sóng biển "xé toang" rừng phòng hộ

Vinh Hải (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) là xã bãi ngang có hơn 4 km bờ biển và thường xuyên hứng chịu nhiều thiên tai, bão lụt, nhất là tình trạng xâm thực bờ biển. Trung bình mỗi năm, nơi đây nước biển ăn sâu vào đất liền từ 10 – 15m, đe dọa trực tiếp đến hàng trăm hộ dân ven biển.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của cơn bão số 12 và đợt mưa lũ lớn vừa qua, với sự tác động của triều cường dâng cao kết hợp với sóng lớn, một đoạn bờ biển có chiều dài khoảng 3,3km tại xã Vinh Hải bị xâm thực, sạt lở nghiêm trọng, mở thêm cửa biển mới thông vào đồng ruộng, khu nuôi trồng thủy sản của dân bên trong. Rừng phòng hộ ven biển cũng có nguy cơ bị sóng biển cuốn trôi. Cuộc sống của người dân nơi đây đã khốn khó nay lại càng khó khăn.

Theo ghi nhận của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, xâm thực toàn tuyến bờ biển xã Vinh Hải dài 3,3 km, có đoạn biển xâm thực chỉ còn cách Tỉnh lộ 21 là 0,5 m; trong đó, tại bờ biển thuộc thôn 4 bị xâm thực sâu hơn 10m so với cách đó mấy ngày với chiều dài khoảng 100m. Nghiêm trọng hơn, hệ thống đê ven biển được xây dựng kiên cố bằng bê tông tại Vinh Hải cũng bị sóng đánh vỡ từng đoạn. Nước biển “xé toang” dải cát và rừng phi lao cũ, mở thêm cửa biển mới nối thông vào đồng ruộng, ao hồ nuôi trồng thủy sản bên trong, ảnh hưởng đến gần 200ha đất nông nghiệp.

Nói về tình trạng xâm thực biển đang diễn ra hằng ngày trên mảnh đất mình sinh sống, ông Phan Văn Vui (trú ở thôn 3, xã Vinh Hải) không giấu được nỗi lo lắng trên khuôn mặt cho biết: “Hơn 15 năm trước, vợ chồng tôi ra đây dựng nhà ở làm ăn sinh sống. Khi đó, bờ biển cách nhà cả cây số. Thế nhưng, mấy năm trở lại đây, tình trạng xâm thực diễn ra ngày càng nghiêm trọng, nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển cũng đã bị sóng biển xé toang và cuốn trôi. Tính đến thời điểm hiện tại, bờ biển chỉ cách nhà tôi chưa tới 30m. Đặc biệt, cơn bão số 12 vừa rồi đã khiến nơi đây bị xâm thực càng nghiêm trọng. Với tốc độ xâm thực biển nhanh chóng như hiện nay thì việc nước biển xâm thực và cuốn trôi nhà dân là hoàn toàn có thể xảy ra”.

Theo người dân cho biết, trước đây dọc biển có rừng cây phi lao phòng hộ rất rộng lớn. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của thiên tai, đã làm diện tích rừng phòng hộ ven biển nơi đây thu hẹp đáng kể. Nghiêm trong hơn, việc biển xâm thực đã khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp nơi đây bị nhiễm mặn, khiến người dân không thể canh tác, trồng lúa như trước đây.

Vừa chỉ tay vào hàng phi lao, ông Nguyễn Công (xã Vinh Hải) nghẹn ngào: “Cứ mỗi mùa mưa bão đi qua, rừng phi lao phòng hộ mà ông bà chúng tôi trồng trước đây lại hẹp dần. Chú xem! Giờ hàng phi lao bị thu hẹp chỉ còn hơn chục mét! Con đường dọc bờ biển mà nhà nước làm cho dân chúng tôi đi lại trước sau gì cũng bị sóng biển cuốn mất”. Ông Công cho biết thêm, do biển xâm thực sâu vào đất liền khiến nhiều diện tích đất trồng lúa của người dân bị nhiễm mặn nên không trồng trọt gì được.

Người dân mong có đê chắn sóng để yên tâm bám biển

Tình trạng xâm thực biển đang diễn ra ngày một nghiêm trọng. Mong ước của người dân nơi đây là có được một con đê chắn sóng vững chắc dọc chiều dài bờ biển Vinh Hải, như vậy người dân nơi đây mới ổn định cuộc sống, yên tâm bám biển.

Anh Vũ Văn Hòa thổ lộ: “Là người dân sinh sống ở đây đã lâu, tôi mong muốn các cấp, các ngành có những biện pháp ngăn chặn kịp thời. Mong rằng, có con đê chắn sóng dọc ven biển Vinh Hải để người dân chúng tôi ổn định cuộc sống, giữ nhà, đất đai, hoa mầu để yên tâm bám biển”.

Trao đổi với ông Nguyễn Hữu - quyền Chủ tịch UBND xã Vinh Hải, ông Hữu cho biết, tình trạng xâm thực bờ biển tại địa phương đã xảy ra từ lâu và ngày càng nghiêm trọng. Trong 15 năm trở lại đây, mỗi năm xã Vinh Hải bị biển xâm thực hơn 10m sâu vào đất liền gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của gần 700 hộ dân tại đây.

“Năm 2014-2015, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí kè đê biển tạm thời với chiều dài 110m, nhưng đến cuối năm 2016, tình hình xâm thực ngày càng phức tạp, nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng. Tại thôn 4 sóng đánh mạnh làm sạt lở cửa biển dài 35m và toàn tuyến tiếp tục bị xâm thực mạnh vào đất liền.

Trước tình hình đó, xã đã xin hỗ trợ 3,5 tỷ đồng để xử lý 300m đê biển xung yếu. Sau cơn bão số 12 vừa qua, tình hình sạt lở càng trở nên nghiêm trọng hơn, kè bao cát ở nhiều đoạn có nguy cơ bị sóng đánh vỡ. Vì vậy, kính đề nghị cấp trên quan tâm hỗ trợ xây đê kiên cố hóa để người dân an tâm sinh sống và bám biển” - ông Hữu trao đổi.

Ghi nhận của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử:

Tình trạng xâm thực diễn ra ngày càng nghiêm trọng

Nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển cũng đã bị sóng biển "xé toang" và cuốn trôi

Nước biển có thể cuốn trôi nhà dân bất cứ lúc nào

Bạn đang đọc bài viết Huế: Biển xâm thực nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống gần 700 hộ dân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...