Thứ năm, 28/03/2024 19:51 (GMT+7)

Bảo vệ môi trường nhìn từ việc xử lý rác thải

MTĐT -  Thứ bảy, 03/11/2018 11:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đề án "Xây dựng Đà Nẵng - TP môi trường" đã được thành phố triển khai từ năm 2008 và thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, góp phần tạo dựng hình ảnh một Đà Nẵng trong lành về môi trường.

Tuy nhiên, những cố gắng và các giải pháp về giảm thiểu khả năng gây ô nhiễm vẫn cần những bước đi mang tính đột phá để tạo những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa để môi trường Đà Nẵng được bảo vệ, giữ gìn một cách bền vững.

Điều muốn nói đầu tiên, đó là vấn đề thu gom, quản lý và xử lý rác thải. Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, chỉ nói đến vấn đề rác thải sinh hoạt thôi cũng là một vấn đề thời sự nóng hổi. Thực tế là bãi rác Khánh Sơn đã bắt đầu quá tải và thành phố đã phải tìm địa điểm mới để xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn mới để thay thế. Bên cạnh đó, việc ứng dụng các công nghệ xử lý rác hiện nay vẫn chưa đạt đến trình độ tiên tiến hoặc có nhưng còn rất nhỏ lẻ. Để trở thành thành phố môi trường đúng nghĩa thì vấn đề xử lý triệt để rác thải là một nội dung cần được quan tâm hàng đầu và nhất là phải được sự hưởng ứng tích cực của toàn dân.

Hiện nay, Đà Nẵng mỗi ngày ước tính khoảng hơn 850-900 tấn rác thải ra. Lượng rác thải đó được Cty Môi trường đô thị TP tiếp nhận và xử lý theo phương pháp chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn. Một trong số lượng rất ít rác thải được phân loại, làm nguyên liệu compost, sản phẩm tái chế, còn lại đa số rác lẫn lộn giữa vô cơ và hữu cơ được xử lý theo hình thức thức chôn lấp, phun chế phẩm khử mùi hôi v.v….

Bãi rác Khánh Sơn đã bắt đầu quá tải và phương thức xử lý này được coi là quá "cổ điển".

Việc xử lý rác theo phương pháp có thể gọi là "cổ điển" như vậy, nói một cách nghiêm túc, là sự lãng phí nguồn tài nguyên và gây nhiều tác động nguy hiểm. Để phát triển mang tính lâu dài và bền vững cần thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch- chính sách phân loại rác tại nguồn (PLRTN) để giảm áp lực cho việc xử lý một lượng rác khổng lồ mỗi năm mỗi nhiều thêm.

Đối với Đà Nẵng, PLRTN không phải là vấn đề mới, nó đã được triển khai cách đây hơn 15 năm với dự án thí điểm PLRTN trong dân cư ở P. Nam Dương (Q. Hải Châu). Dự án này những tưởng sẽ đạt được mong muốn như ban đầu đặt ra là với sự thành công từ mô hình thí điểm này sẽ nhân ra toàn quận, toàn thành phố trong một sớm một chiều.

Tuy nhiên, cho đến nay, việc PLRTN trong khu dân cư vẫn chỉ dừng lại ở mức độ… dự án do không khép kín được quy trình. Kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy, để thực hiện chính sách PLRTN một cách thành công, phải hiểu rõ mạng lưới chi phối đến chính sách này để có biện pháp xử lý hiệu quả. Yếu tố nòng cốt ở đây chính là người dân. Các yếu tố chi phối đến người dân là xã hội, kinh tế, cơ sở quản lý.

Đầu tiên, về mặt xã hội, phải xuất phát từ các tổ chức đoàn thể từ cơ sở đến thành phố, tất cả cùng thống nhất trong việc đưa ra hướng giải quyết tốt nhất và các hành động cùng đi trên con đường và phải nhất quán, kiên quyết.

Để thực hiện tốt chính sách PLRTN, nhất thiết cần nguồn đầu tư khá nhiều về khoa học kỹ thuật, máy móc, thiết bị. Kinh phí được chi ra để trang bị từ những vật dụng đơn giản nhất như túi đựng rác phân hủy sinh học, thùng rác, ô-tô chở rác tái chế, in tờ bướm tuyên truyền... những khoản này không thể dựa vào người dân, hay doanh nghiệp, mà phải có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Về cơ sở quản lý, sau khi được người dân phân loại ban đầu, người thu gom ở công ty môi trường phân loại lần nữa. Từ đó sẽ chuyển đến hệ thống các nhà máy để xử lý theo phương pháp thích hợp. Chỉ có những loại rác thải vô cơ không thể tái chế được chuyển đến bãi chôn lấp đạt tiêu chuẩn, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Các yếu tố trên đều có mối liên hệ chặt chẽ, mật thiết với nhau; phối hợp các yếu tố để đem lại kết quả tốt nhất cho chính sách.

Qua thực tế ở TPHCM cũng như ở P. Nam Dương, về kết quả chưa như mong muốn trong quá trình thí điểm PLRTN cho thấy. Nguyên nhân chính là do việc thực hiện rời rạc, chưa có sự liên kết giữa các yếu tố liên quan nên quá trình triển khai thực hiện không tiến triển theo hướng tích cực. Một nguyên nhân không thành công nữa là, tuy ban đầu người dân thực hiện nghiêm túc, chủ động phân loại rác tại thùng phân loại tại nhà nhưng những người thu gom rác lại gom chung các loại rác đã được phân loại lại với nhau từ đó gây bức xúc, nản lòng trong người dân. Vòng luẩn quẩn giữa vốn đầu tư và thực hiện như vậy dẫn đến việc không biết đến khi nào mới kết thúc.

Bài học rút ra từ thực tế việc triển khai quy mô toàn dân những chính sách lớn, liên quan mật thiết  đến đời sống người dân như việc đội mũ bảo hiểm, ban đầu cũng vô cùng vất vả… nhưng nhờ sự kiên quyết, răn đe và nhất là hệ thống truyền thông và luật do đó đội mũ bảo hiểm đã trở thành thói quen, vật dụng không thể thiếu khi tham gia giao thông. Đó cũng là bài học điển hình để áp dụng cho việc triển khai chính sách PLRTN, tiền đề của việc quản lý, chế biến và xử lý rác theo hướng văn minh cho bất cứ đô thị nào ở nước ta, trong đó có Đà Nẵng.

Do vậy, đối với chính sách PLRTN cần vạch ra kế hoạch, phương pháp cụ thể để chính sách được đưa vào thực tế nhanh hơn. Các vấn đề được quan tâm, đầu tư là chuổi khép kín từ phương tiện đến pháp lý, tuyên truyền và cuối cùng là nhà máy xử lý.

Đi vào chi tiết từ góc độ hộ gia đình, điều đầu tiên phải nhắc đến là cái thùng rác 2 ngăn để người dân có thể phân loại ra được. Ở công đoạn tiếp theo, xe trung chuyển rác cũng phải là loại xe chuyên dùng, kín để khi đi thu gom, nước rỉ rác thì rỉ dọc theo tuyến đường đi, mùi không phát tán ra ngoài không khí làm ô nhiễm… Một công cụ không thể thiếu đó là nguồn vốn, nếu được phân bổ nguồn vốn đầy đủ về các địa phương, phường, quận thì công việc sẽ được triển  khai, đi vào nề nếp nhanh hơn.

Chế tài để thực hiện PLRTN cũng là một yếu tố rất quan trọng. Phải có thưởng- phạt rõ ràng để thực hiện. Đưa ra hệ thống luật để cảnh cáo, phạt những người vi phạm vì tính tự giác chưa cao, cần thời gian mới hình thành tốt ý thức mới. Công tác tuyên truyền cũng là một yêu tố cực kỳ quan trọng, mang lại ý nghĩa, hiểu biết tốt hơn cho cộng đồng. Cuối cùng là nhà máy xử lý rác. Lượng rác khổng lồ thải ra từng ngày đem đi chôn lấp thì sẽ rất nhanh đầy bãi, trong khi lượng rác tái chế thì ít.

Khi rác đã được phân loại tại nguồn thì một lượng rác vô cơ vô hại như giấy, túi nilon, chai nước nhựa, vỏ lon kim loại, đồ điện gia dụng… được phân tách, chuyển đến nhà máy sản xuất đồ tái chế như các sản phẩm nhựa gia dụng, hộp xốp chứa thức ăn, vật liệu xây dựng… Ngoài sản xuất các sản phẩm tái chế, cần quan tâm đến xây dựng nhà máy xử lý chất thải hữu cơ để sản xuất ra phân bón hoặc nhà máy xử lý rác theo công nghệ lò đốt, nhằm tận dụng nhiệt năng để phát điện, phục vụ cho chính nhà máy đó hoặc khu vực lân cận…

PLRTN đã đến lúc cần bàn đến một cách nghiêm túc để triển khai rộng rãi trong toàn thành phố, với sự tham gia, đồng thuận của cả hệ thống chính trị, từ chính sách đến đầu tư, chế tài, tuyên truyền và trang thiết bị, ban đầu có thể tốn kém về ngân sách, nhưng về lâu dài đây là việc làm thiết thực và ý nghĩa để góp phần xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường, văn minh và hiện đại.

Theo báo CADN

Bạn đang đọc bài viết Bảo vệ môi trường nhìn từ việc xử lý rác thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.