Thứ năm, 28/03/2024 20:54 (GMT+7)

90 làng nghề truyền thống đang chịu ô nhiễm nghiêm trọng

MTĐT -  Thứ ba, 06/11/2018 10:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu đề cập trong phiên chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 là xử lý ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề…

Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho rằng, theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học công nghệ của Quốc hội, hiện nay chỉ có 26,7% cơ sở làng nghề là có thu gom nước thải công nghiệp và có 20,9% số làng nghề là có thu gom chất thải rắn công nghiệp. Đây đang là một vấn đề lớn trong xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường ở nông thôn nhất là các làng nghề truyền thống.

Còn theo đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam), tại kỳ họp thứ 3 đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đã gửi câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng về giải pháp của Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường trong việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sông Nhuệ và sông Đáy được Bộ trưởng trả lời và hứa giải quyết, phấn đấu sau 5 năm sẽ trả lại màu xanh trong cho dòng sông.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói về xử lý ô nhiễm môi trường tại phiên họp của Quốc hội. Ảnh Quốc Khánh. 

“Tuy nhiên, qua giám sát và ý kiến của cử tri, hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường sông Đáy, sông Nhuệ vẫn chưa được khắc phục, tình trạng xả thải vẫn chưa được giải quyết. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm xử lý ô nhiễm môi trường nước sông Nhuệ, sông Đáy như thế nào? Có quyết tâm thực hiện không, tại sao chưa được giải quyết”, đại biểu hỏi.

rả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà giải thích, khu công nghiệp hiện nay có trên 80% là đã đầu tư hạ tầng xử lý nước thải tập trung, trong đó có trên 10% đã lắp đặt các hệ thống quan trắc tự động.

Ở khu công nghiệp có bước tiến đáng kể, riêng cụm công nghiệp hiện nay tình hình hết sức nan giải. Trên thực tế, các cụm công nghiệp là khu vực do địa phương quyết định đầu tư nên nguồn lực, nguồn nhân lực và việc đầu tư ở đây hết sức hạn chế, tỷ lệ đầu tư hạ tầng, xử lý nước thải tập trung cũng như giám sát môi trường cụm công nghiệp đang đặt ra.

Về làng nghề, hiện nay có trên 5.000 làng nghề, trong đó đã phân loại ra khoảng 160 làng nghề, trong đó 90 làng nghề là loại ô nhiễm nghiêm trọng, 60 làng nghề ở mức độ cần phải kiểm soát, còn lại các làng nghề truyền thống thì cũng có các phương án để xử lý.

Để xử lý môi trường các dòng sông, đặc biệt là các dòng sông liên tỉnh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cho rằng, phải xử lý tại nguồn, người gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm xử lý. Trên thực tế, theo các thống kê thì vấn đề ô nhiễm của các dòng sông này có liên quan đến các địa phương.

Hiện đã có một đề án tổng thể về xử lý ô nhiễm môi trường lưu sông, trong đó có sông Nhuệ, sông Đáy. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, cơ chế quy hợp có thể nói là chưa hiệu quả, hiện nay chưa bố trí được nguồn lực, vấn đề công nghệ nào để xử lý đối với nước thải sinh hoạt trong điều kiện hiện nay chưa thu gom và xử lý tập trung.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, mô hình hiện nay công nghệ không phải khó, thực tế TP Hà Nội đã có 2-3 mô hình xử lý trên từng đoạn sông và các làng nghề, tập trung vào nước thải sinh hoạt. Với mô hình này nếu chúng ta tính toán chi phí từ Nhà nước, trong đó có sự tham gia của các đối tượng là từ người dân, từ làng nghề, những người sản xuất thì chúng ta hoàn toàn tính toán thu hút xã hội hóa để xử lý.

“Có mấy vướng mắc, hiện nay có nhiều DN muốn vào nhưng thực tế việc lựa chọn đối tác công tư các quy trình, thủ tục đấu giá không khác với nguồn vốn Nhà nước nên cũng cản trở, làm chậm đi việc thu hút nguồn lực xã hội hóa. Hai là phải làm rõ trách nhiệm của Nhà nước trong đầu tư hạ tầng. Ba là phải xác định được DN có công nghệ và năng lực để xử lý. Bốn là cần xem xét lại cơ chế để tính chi phí xử lý, trong đó có Nhà nước, người dân và có lợi nhuận cho DN thì khi đó sẽ làm được”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Cũng liên quan đến vấn đề môi trường, Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, hầu hết các địa phương vẫn thực hiện xử lý rác bằng phương pháp thu gom, chôn cất hoặc đốt mà chưa có những nhà máy xử lý rác hiện đại theo kiểu công nghiệp. Dưới sự phát triển mạnh của dân số, đã dẫn đến việc mở rộng ra các đô thị, ra các vùng của TP, thị trấn, kéo thêm khoảng cách gần hơn giữa bãi rác với khu dân cư.

“Đồng thời, sức chứa của các bãi rác có hạn cộng với sức thải của con người, việc sử dụng bừa bãi các rác thải tiêu hủy khó, điều đó đã góp phần không nhỏ vào việc quá tải sức chứa của các bãi rác. Đây là những việc không phải mới phát sinh mà nó được phản ánh và đã tồn tại từ lâu nhưng không được các ngành chức năng giải quyết đến nơi đến chốn. Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành có liên quan phải giải quyết dứt điểm tình trạng trên”, đại biểu nói.

Theo Pháp luật XH

Bạn đang đọc bài viết 90 làng nghề truyền thống đang chịu ô nhiễm nghiêm trọng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.