Thứ bảy, 20/04/2024 15:00 (GMT+7)

Thiếu kinh phí, bí công nghệ

MTĐT -  Thứ ba, 18/12/2012 10:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) độc hại tồn kho ở nhiều địa phương đã gây tác động xấu đến môi trường và sức khỏe người dân. Thế nhưng, đến thời điểm này, việc xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại các điểm gây ô nhiễm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng gặp nhiều khó khăn.

Đáng lo ngại
Hàng chục năm nay, người dân xã Bình Minh (huyện Thanh Oai, Hà Nội) bị ám ảnh bởi các kho chứa thuốc trừ sâu nằm gần khu dân cư gây ô nhiễm chưa được xử lý. Các kho thuốc này trước đây là nơi chứa phân bón, thuốc BTVT phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khi cơ chế thay đổi, các kho này không sử dụng nữa nhưng thuốc tồn đọng đã bị phân hủy, ngấm vào đất, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa môi trường và cuộc sống người dân. Ông Lê Văn Côi, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Thanh Oai cho biết, khi thời tiết thay đổi, mùi thuốc trừ sâu 666, DTD, Monitơr, Vophatoc bốc lên nồng nặc, khó chịu. Người dân địa phương kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Theo ông Lê Xuân Trường, Phòng Quản lý chất lượng, Chi cục BVTV Hà Nội, hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng mỗi HTX nông nghiệp trước đây có một kho chứa thuốc BVTV nhỏ lẻ nên Hà Nội có tới hàng nghìn kho chứa như vậy. Đến nay, nhiều kho sử dụng vào mục đích khác nhau nên đánh giá mức độ gây ô nhiễm đất, nước ngầm cần có lộ trình.

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu gây ra, Chi cục BVTV Hà Nội phối hợp với Viện Môi trường nông nghiệp xác định vị trí lấy mẫu bằng Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và thu thập các mẫu đất, nước để phân tích các chỉ tiêu về hóa chất BVTV tại các kho thuộc xã Bình Minh (huyện Thanh Oai), kho Ninh Sơn, Ninh Kiều (huyện Chương Mỹ), kho huyện Thạch Thất, kho thuốc Nhổn, xã Xuân Phương (huyện Từ Liêm) và kho thuốc huyện Ứng Hòa tại thị trấn Vân Đình. Kết quả, cả 8 kho đều chứa hoạt chất thuốc BVTV. Chỉ số cao nhất thuộc kho thuốc BVTV huyện Thanh Oai, trong đó kho số 1 có tới 24 hoạt chất thì 8/16 mẫu có hàm lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép, kho 2 có 18 hoạt chất được tìm thấy thì 12/16 mẫu có hàm lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép. Đáng lo ngại, một số kho lưu chứa thuốc BVTV nằm gần các khu dân cư và đã chuyển mục đích sử dụng như: Kho thuốc ở xã Bình Minh chuyển sang làm trụ sở làm việc, kho thuốc BVTV huyện Thạch Thất - người dân đang trồng rau muống, kho thuốc huyện Ứng Hòa - một phần diện tích được UBND huyện cho chuyển mục đích sang xây dựng nhà ở, mở cửa hàng ...

Nan giải

Không riêng Hà Nội, hiện trên cả nước có trên 1.152 điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất BVTV tồn lưu gây ra. Đây là những kho lưu giữ và khu vực bị ô nhiễm hợp chất hữu cơ độc hại đứng đầu danh sách 12 loại độc chất nguy hiểm, rất khó phân hủy. Những hóa chất này theo thời gian ngấm sâu vào nguồn nước sinh hoạt hoặc tiềm ẩn trong không khí, là một tác nhân gây nên các bệnh nan y. Song đến thời điểm này, nhiều địa phương hết sức lúng túng trong việc xử lý, khắc phục, do thiếu kinh phí đầu tư và công nghệ. Ngay Hà Nội dù có đủ kinh phí nhưng lựa chọn phương án và công nghệ phù hợp lại không đơn giản. Chi cục BVTV Hà Nội đang triển khai thí điểm xử lý bằng hóa chất kết hợp với công nghệ sinh học làm giảm dư lượng tồn dư thuốc BVTV trong đất xuống dưới mức cho phép tại các kho thuốc cũ tại xã Bình Minh. Nếu thành công, đây là cơ sở để xử lý môi trường đất tại các điểm ô nhiễm tiếp theo trên địa bàn. Nhưng do một vài vướng mắc về thủ tục, dự án chưa được thực hiện nên rất khó đánh giá - Ông Trường phân trần.

Chuyên gia Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường - Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Trần Ngọc Đình cho rằng, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường do tồn lưu hóa chất BVTV vẫn là vấn đề nan giải. Hiện nay, có rất nhiều biện pháp để xử lý đất phơi nhiễm nhưng phải làm một cách tổng thể. Nếu đất ô nhiễm nặng, có thể múc đất đó lên xử lý bằng phương pháp đun ở nhiệt độ cao, ở mức độ nhẹ mới xử lý bằng biện pháp sinh học. Vấn đề đặt ra là liệu các địa phương có đủ ngân sách? Do đó, biện pháp trước mắt là tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, trang bị kiến thức để người dân chủ động phòng tránh tác hại của ô nhiễm tồn lưu thuốc BVTV. 
Thúy Nga
(HNM)
Bạn đang đọc bài viết Thiếu kinh phí, bí công nghệ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ