Thứ năm, 28/03/2024 22:05 (GMT+7)

Xây cao ốc ở ga Hà Nội phục vụ ai?

MTĐT -  Thứ tư, 20/09/2017 13:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nếu khu vực ga Hà Nội xây dựng những công trình cao 200m (tương đương khoảng 70 tầng) sẽ không chỉ phá vỡ quy hoạch chung, gây áp lực lớn về dân số, hạ tầng giao thông mà còn nhiều hệ lụy khác.

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm với Đại Đoàn Kết xung quanh văn bản số4417/UBND - xin ý kiến các bộ ngành liên quan đối với Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm 

Tầng bậc quy hoạch phải được tuân thủ

PV: Ông có bình luận gì về đề xuất xây một số công trình cao tầng ở ga Hà Nội?

Ông Đào Ngọc Nghiêm: Có nhiều vấn đề xung quanh đề xuất này. Trước hết, việc đề xuất xây dựng một số công trình cao từ 40-70 tầng (khoảng 100-200m) tại khu vực ga Hà Nội được xem là đi ngược với Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành vào tháng 4/2016.

Theo quy chế, xung quanh ga Hà Nội là khu vực điểm nhấn đô thị nên khi nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng phải thông qua Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch TP, đảm bảo các điều kiện phù hợp với quy hoạch phân khu ga Hà Nội, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ.

Quy chế nêu rõ khu vực này được xây dựng tối đa 18 tầng (tương đương 65m). Đồng thời, các công trình cao phải đảm bảo giảm mật độ xây dựng, tạo không gian thoáng, thông tầng tại các tầng đế, kết nối không gian công cộng với không gian khu vực ga Hà Nội.

Cũng theo quy chế này, với phố Lê Duẩn (đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến Khâm Thiên) được xây dựng tối đa 9 tầng (tương đương 32m) với điều kiện phía Tây tuyến đường đảm bảo phù hợp cảnh quan khu vực, nghiên cứu bảo tồn công trình ga Hà Nội.

Rõ ràng quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử là thể hiện mong muốn, ý chí của TP Hà Nội trước áp lực hàng loạt công trình cao tầng được xây dựng. Bản thân quy định này cũng căn cứ từ quy hoạch chung và luật Thủ đô. TP phải tôn trọng những điều đã đặt ra trong quy chế

Điều gì sẽ xảy ra nếu ngay tại ga Hà Nội mọc lên những tòa nhà cao tầng thưa ông?

Trong khu vực nội đô lịch sử khi lập quy hoạch chung xây dựng Thủ đô năm 2011 Hà Nội có 1,2 triệu dân. Lúc đó chúng ta đã đặt ra vấn đề phải giảm xuống còn 80 vạn dân. Nếu không giảm dân số xuống sẽ tác động rất lớn đến vấn đề môi trường, không gian kiến trúc, ách tắc giao thông và nâng cao chất lượng sống của người dân.

Rõ ràng, giảm dân số trong khu vực lõi là vấn đề cấp bách. Trong khi các giải pháp khác như di dời trụ sở, các bộ, ngành, các trường đại học... ra khỏi khu vực nội đô dành quỹ đất cho công cộng thì gần như dẫm chân tại chỗ thì việc thêm các công trình cao tầng ở khu vực nhạy cảm này sẽ là áp lực rất nặng nề cho chính quyền TP. Tôi cho rằng, khu vực ga Hà Nội không cần một trung tâm tài chính, thương mại, nghỉ dưỡng vì trung tâm tài chính đã được xác định ở vị trí khác.

Nhưng ga Hà Nội cũng không thể để sập xệ như hiện nay, cần làm điều gì đó cho nó chứ, thưa ông?

Muốn làm điều gì đó cho ga Hà Nội phải xem xét kỹ. Trong quy hoạch giao thông vận tải người ta đã đồng ý chuyển từ ga đầu mối của TP thành ga trung tâm của giao lưu đường sắt còn ga đầu mối được di dời xuống Giáp Bát hoặc Gia Lâm. Chỉ di dời chức năng là chính nhưng bản thân ga này không điều chỉnh thay đổi được bởi vì đây là công trình di sản kiến trúc đã được nhà nước xác lập trong Luật Thủ đô về bảo tồn.

Khi làm quy hoạch 2011 đã có ý kiến đề xuất phục dựng lại công trình này, đây là công trình có giá trị. Thời chiến tranh phá hoại nhà ga chính đã bị phá, chúng ta bằng nội lực, sự sáng tạo chúng ta đã chỉnh trang phù hợp với yêu cầu và công trình này vẫn được xem là một công trình có giá trị. Trong đó không chỉ giá trị phục hồi nguyên bản, mà còn minh chứng cho một giai đoạn hào hùng của dân tộc.

Hiện nay có chuyện công trình chưa có diện mạo văn minh phải cải tạo. Nhưng cải tạo theo hướng nào thì chỉ tiêu dân số phải đặt lên hàng đầu. Đừng biến nơi đây thành cực hút dân số.

Lấy ý kiến khách quan các nhà chuyên môn

Việc cần làm của nhà quản lý lúc này là gì, thưa ông?

Phải lắng nghe ý kiến phản biện của người dân, của các chuyên gia trong lĩnh vực này. Trước đây có quy hoạch xây dựng một số công trình khu vực hồ Ba Mẫu nhưng nhân dân không chấp nhận chúng ta cũng đã không làm. Hay quy hoạch khu vực sau bến xe Kim Mã cũng có ý kiến của nhân dân không đồng tình xây nhà cao tầng ở đây và việc này cũng đã dừng lại. Tôi cho rằng, sẽ có nhiều ý kiến phản biện về vấn đề này. Vấn đề là chính quyền có lắng nghe và hành động đúng hay không.

Chúng ta tiếp thu các kinh nghiệm của nước ngoài phải có sàng lọc và phải gắn với điều kiện cụ thể của từng khu vực. Đành rằng khi ở nước ngoài khi khai thác sử dụng các công trình giao thông trung tâm đầu mối bao giờ cũng tạo nên tổ hợp các công trình trong đó có khu chức năng và những công trình mang tính chất điểm nhấn. Nhưng ở đây là những đô thị mới, khu vực mới phát triển của thủ đô.

Ở Nhật họ khai thác theo hướng này. Nhưng đừng áp dụng thành tố hiện đại vào một địa điểm đô thị đã có hơn 1.000 năm phát triển và phát triển bên cạnh di sản được thế giới công nhận. Ở Nhật dù có làm cao tầng người ta cũng trú trọng giảm mật độ dân số, nhưng ta không tuân thủ như vậy. Theo đó, không thể vì lý thuyết chung chung là tạo điểm nhấn để lấp liếm cho những việc làm không vì lợi ích chung.

Vậy làm thế nào để giữ được những diện tích xanh quý giá cho Hà Nội thưa ông?

Không gian xanh công cộng là vấn đề cấp bách của Hà Nội. Hà Nội từng đặt với Nhà nước, Chính phủ cần tạo điều kiện để Hà Nội trở thành TP xanh. Từng có nhiều ý kiến về việc di dời trụ sở và nơi di đi sẽ biến thành quỹ đất công cộng nhưng chưa thực hiện được.

Hà Nội từng thiết tha đề xuất như vậy để có quỹ đất xanh cho cộng đồng nhưng với đề xuất này chính chúng ta lại không chú trọng phát triển không gian xanh, không gian công cộng? Tại sao Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long khi xây dựng có khu trung chuyển ở bốn xung quanh và không cho phép xây dựng nhà cao tầng. Ngay đến tòa nhà Quốc hội xây cao vượt quá Lăng Bác có 34 m mà phải chờ Quốc hội phê duyệt điều chỉnh vì nằm trong khu vực Hoàng Thành Thăng Long. Vậy với Văn Miếu Quốc Tử Giám chúng ta đã tuân thủ Luật Bảo tồn di sản, Hiến chương quốc tế đã được người ta công nhận chưa?


Trân trọng cảm ơn ông!

Quy hoạch phân khu nói rõ: có 6 khu đề xuất xây dựng cao 40-70 tầng gồm: khu tài chính, khu kiến trúc bố cục ở phía Bắc khu đất lập quy hoạch (cao 40-70 tầng); khu truyền thông bố cục phía Đông khu đất (cao 40-70 tầng); khu lối sống mới bố cục phía Tây Nam khu đất (cao 40-60 tầng); khu nghỉ dưỡng đô thị tại khu vực trung tâm quy hoạch (cao 40-60 tầng) và khu ga đường sắt cao ở khu vực trung tâm khu quy hoạch (cao 40-70 tầng). Ngoài 6 khu cao tầng có 3 khu vực thấp tầng khác.


Theo Đại đoàn kết

Bạn đang đọc bài viết Xây cao ốc ở ga Hà Nội phục vụ ai?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.