Thứ ba, 16/04/2024 15:37 (GMT+7)

TP.HCM: Không phân loại rác bị phạt tiền, liệu có khả thi?

Lê Năng -  Thứ ba, 04/12/2018 08:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

UBND Tp.HCM vừa ban hành Quyết định số 44, về việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn, nếu không phân loại thì bị xử phạt, liệu có khả thi?

Xin đừng đi vào vết xe đổ!

Không phải đến bây giờ, Tp.HCM mới triển khai việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến từng hộ gia đình. Năm 1999, UBND thành phố đã bỏ ra nhiều tỉ đồng để triển khai thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt ở một số quận huyện. Sau gần 2 năm kể từ ngày triển khai, chương trình phân loại rác không mang lại thành công như mong đợi chứ không muốn nói là thất bại. Đến năm 2001, TP.HCM lại tiếp tục sử dụng ngân sách hàng trăm tỉ đồng để thực hiện lại chương trình phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở 6 quận huyện bao gồm: quận 1, 4, 5, 6, 10 và huyện Củ Chi.

Rút kinh nghiệm từ lần triển khai đầu tiên, lần thứ 2 bước đầu mang đến tín hiệu lạc quan khi số hộ dân tham gia và thực hiện đúng việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tăng từ 20% đến 60 – 70%. Việc chương trình thí điểm được người dân đồng tình ủng hộ bởi sự vào cuộc mạnh mẽ của cả thành phố, người dân được tuyên truyền và hiểu đúng về việc phân loại rác thải. Tuy nhiên, khi số hộ dân thực hiện việc phân loại rác tăng theo từng ngày thì việc thu gom, xử lý rác của từng quận, huyện gặp phải vấn đề về tài chính. Hầu hết các quận, huyện đều không đủ tài chính để trang bị đầy đủ các phương tiện thu gom rác đã được phân loại. Rác thải sau khi được người dân phân từng loại ngay ngắn thì các công ty công ích lại gộp chung các loại rác chở đi xử lý. Chương trình phân loại rác thải lần 2 thời gian sau lại đi vào bế tắc, một lần nữa chương trình được đánh giá là thất bại.

Sơ đồ hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn. (Ảnh internet)

Sau 2 lần thực hiện thí điểm phân loại rác không đạt được như mong đợi. Năm 2018, TP.HCM khởi động lại chương trình phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên toàn thành phố. Lần này, UBND thành phố có vẻ quyết tâm khi áp dụng Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, nếu hộ gia đình, chủ nguồn thải không chấp hành phân loại, chuyển giao không đúng nhóm chất thải theo quy định, sau khi đã được nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn cố tình vi phạm thì người tiếp nhận rác thải sẽ thông báo cho chính quyền biết để xử lý theo quy định.

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc phân loại rác thải (Ảnh: Minh Tài)

Hiện nay, theo quy định tại Khoản 4 Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP, hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 15 – 20 triệu đồng.

Cần có lộ trình và thời gian phù hợp.

Việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn là vô cùng cấp bách và cần thiết đối với một thành phố đông dân nhất cả nước. Tuy nhiên, chương trình phân loại rác không thể thành công trong một sớm một chiều mà nó đòi hỏi cả một quá trình lâu dài, bền bỉ. Hiện nay, Tp.HCM là ngôi nhà chung của gần 12 triệu dân. Trong đó, phần lớn là dân nhập cư đến từ tất cả các vùng miền trên cả nước. Việc để tất cả người dân hiểu và thực hiện đúng việc phân loại rác thải không hề dễ dàng.

Việc triển khai chương trình phân loại rác phải có lô trình và thời gian phù hợp (Ảnh: Minh Tài)

Bên cạnh việc áp dụng những biện pháp mạnh, đánh vào giá trị kinh tế đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm. Tp.HCM nói chung và các quận huyện nói riêng cần phải xây dựng một lộ trình và thời gian phù hợp. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, phải làm cho người dân hiểu lợi ích từ việc phân loại rác. Rác không phải là thứ bỏ đi, mà rác là một dạng tài nguyên có thể tái sinh và mang lại lợi ích cho xã hội, đất nước. Các công ty công ích, thu gom dân lập cần thực hiện đúng quy định về việc thu gom, cần có trang thiết bị thu gom đúng chủng loại rác. Cương quyết không nhận rác, phản ánh cho chính quyền địa phương về những hộ dân cố tình sai phạm… Có như vậy mới mong chương trình phân loại rác thải rắn sinh hoạt thành công.

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Không phân loại rác bị phạt tiền, liệu có khả thi?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới