Thứ sáu, 29/03/2024 08:55 (GMT+7)

Vi phạm tại các phòng khám thú y: Công tác quản lý đang bị bỏ ngỏ?

Triệu Trang -  Thứ sáu, 20/07/2018 09:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vi phạm công nhiên diễn ra thường xuyên liên tục trong thời gian dài trên địa bàn mình quản lý, khi nhận được phản ánh thì phải tiến hành cho kiểm tra và xử lý nghiêm cán bộ dưới quyền

Sau khi nhận được phản ánh, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có hàng loạt bài viết về tình trạng rác thải y tế lẫn trong rác thải sinh hoạt rồi tuồn ra ngoài môi trường của một số phòng khám thú y trên địa bàn quận Tây Hồ.

Qua việc trao đối với các cơ sở để thông tin được khách quan, PV ghi nhận được không chỉ có sai phạm về vấn đề rác thải y tế, mà còn những sai phạm khác.

Tiếp đó, PV đã có những buổi làm việc với cơ quan chức năng từ UBND phường, Trạm thú y Tây Hồ cho tới Chi cục Thú y Hà Nội để làm rõ thông tin phản ánh.

Tuy nhiên, câu trả lời của cơ quan chức năng vẫn còn đá bóng trách nhiệm. Theo Chi cục Thú y Hà Nội cái "gật đầu" nhận sai của chủ cơ sở lại là "bằng chứng" có sức nặng để có thể chứng minh cơ sở sai, hay không sai, bị xử phạt hay không bị xử phạt?

Để rộng đường dư luận, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có buổi trao đổi với Luật sư Vũ Văn Biên (Phó giám đốc Công ty Luật TNHH Khoa Tín) về vấn đề này.

Luật sư Vũ Văn Biên (Phó giám đốc Công ty Luật TNHH Khoa Tín)  trả lời PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử.

Xin chào luật sư Vũ Văn Biên. Theo ông Nguyễn Đình Đảng (Phó Chi cục Thú y Hà Nội) cho biết, cơ sở có bị xử phạt hay không tùy thuộc vào 2 lý do. Thứ nhất là, tại thời điểm kiểm tra phát hiện cơ sở sai phạm hay không. Thứ hai là, với những nội dung báo chí phản ánh mà có cái “gật đầu” nhận sai của chủ cơ sở hay không? Luật sư có ý kiến như thế nào về câu trả lời của Phó Chi cục Thú y Hà Nội?

Vi phạm công nhiên diễn ra thường xuyên liên tục trong thời gian dài trên địa bàn mình quản lý, khi nhận được phản ánh thì phải tiến hành cho kiểm tra và xử lý nghiêm cán bộ dưới quyền không hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra. Anh phải giám sát tại địa bàn chứ sao lại đợi chủ cơ sở “gật đầu” thừa nhận sai mới xử lý được?

Việc trả lời có phần vô trách nhiệm này vô tình đang tiếp tay cho những sai phạm của các phòng khám thú y.

Thứ nhất, không thể từ vi phạm thành không vi phạm khi không được các đoàn kiểm tra “bắt tận tay” bởi không phải lúc nào cũng có đoàn kiểm tra và không phải lúc nào các phòng khám cũng vi phạm mà phải có nghiệp vụ để tổ chức thực hiện việc kiểm tra, xử lý sai phạm chứ không phải cứ trống rong cờ mở đi kiểm tra rồi xong xuôi tất cả lại về đều tốt đẹp.

Thứ hai, khi đã có hình ảnh chứng minh các sai phạm của phòng khám thú y, việc xác định sai phạm không thể phụ thuộc và việc chủ cơ sở có “gật đầu” nhận sai hay không, đây là trách nhiệm của các cơ quan quản lý, phải điều tra, làm rõ việc sai phạm của các phòng khám thú y, thử hỏi có mấy ai tự nhận mình sai phạm khi không bị bắt tận tay?

Thưa luật sư,  bác sĩ người nước ngoài làm việc tại Bệnh viện thú y Asvelis từ lâu nhưng lại chưa có chứng chỉ hành nghề thú y tại Việt Nam. Theo quy định thì trường hợp trên có bị xử phạt hành chính hay không? Nếu có, mức xử phạt là bao nhiêu?

Đối với Bác sĩ người nước ngoài làm việc tại bệnh viện thú y nhưng không có chứng chỉ hành nghề thú y sẽ bị xử phạt hành chính.

Cụ thể, theo khoản 3 Điều 41 Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y: “Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi hành nghề tiêm phòng, chữa bệnh, phẫu thuật động vật, khám bệnh, chẩn đoán bệnh, xét nghiệm bệnh động vật; tư vấn các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thú y không có Chứng chỉ hành nghề thú y hoặc Chứng chỉ hành nghề thú y hết hiệu lực".

Như vậy, việc bác sĩ thú y người nước ngoài hành nghề không có chứng chỉ hành nghề sẽ bị xử phạt hành chính từ 6.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.

Trong cuộc trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Đảng (Phó Chi cục Thú y Hà Nội) cho biết, đối với trường hợp bác sĩ người nước ngoài làm việc tại Bệnh viện thú y Asvelis từ lâu nhưng lại chưa có chứng chỉ hành nghề thú y tại Việt Nam có thể không bị xử phạt hành chính vì vi phạm lần đầu. Xin luật sư cho ý kiến về vấn đề này?

Phó Chi cục Thú y Hà Nội phát biểu như vậy là không tuân quy định của pháp luật, bởi theo khoản 3 Điều 41 Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y: “Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi hành nghề tiêm phòng, chữa bệnh, phẫu thuật động vật, khám bệnh, chẩn đoán bệnh, xét nghiệm bệnh động vật; tư vấn các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thú y không có Chứng chỉ hành nghề thú y hoặc Chứng chỉ hành nghề thú y hết hiệu lực”, ở đây không hề có cụm từ vi phạm từ lần thứ 2 trở đi hay đã được nhắc nhở nhưng vẫn vi phạm thì mới bị xử lý.

Công tác quản lý đối với các phòng khám thú y có đang bị bỏ ngỏ? 

Hơn nữa, theo thông tin mà Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử cung cấp, bác sĩ thú y người nước ngoài này đã làm việc tại Bệnh viện thú y Asvelis từ lâu, không thể coi là vi phạm lần đầu mà nó thể hiện sự buông lỏng quản lý nhà nước để bác sĩ người nước ngoài không có chứng chỉ hành nghề hoạt động công nhiên, liên tục trong thời gian dài không bị xử lý đang thách thức pháp luật và với cách trả lời khá lạ trên của ông Phó chi cục Thú y thì đúng là công tác quản lý tại mảng này có lẽ đang bị bỏ ngỏ?

Cần lắm sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý cấp trên để xử lý nghiêm những cán bộ tắc trách buông lỏng quản lý nhà nước và sự coi thường pháp luật của các Doanh nghiệp đang công nhiên vi phạm pháp luật.

Cơ quan quản lý như UBND phường, Trạm thú y, Chi cục Thú y có trách nhiệm phải lưu giữ tài liệu, hồ sơ liên quan tới các phòng khám thú y hay không? Đối với các phòng khám thú y, các giấy tờ tài liệu, hồ sơ liên quan phải lưu giữ trong thời gian bao nhiêu lâu, thưa luật sư? 

Theo Điều 6, Luật lưu trữ 2011: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý về lưu trữ, áp dụng các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong việc thu thập, quản lý, bảo quản và sử dụng tài liệu lưu trữ; ban hành quy chế về công tác lưu trữ của cơ quan, tổ chức mình.”

Về thời hạn lưu giữ tài liệu còn phụ thuộc vào các nhóm hồ sơ, tài liệu, mỗi loại hồ sơ, tài liệu sẽ có thời gian lưu giữ khác nhau theo quy định tại Thông tư 09/2011/TT-BNV quy định về thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu hình thành phổ biến trong hoạt động của  các cơ quan, tổ chức.

Xin cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi này!

Bạn đang đọc bài viết Vi phạm tại các phòng khám thú y: Công tác quản lý đang bị bỏ ngỏ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái chú trọng bảo vệ môi trường y tế
Thực hiện xử lý chất thải, góp phần hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn trong các bệnh viện và tạo môi trường xanh, sạch, đẹp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, ngành y tế tỉnh Yên Bái đã chú trọng quản lý chất thải tại các cơ sở y tế.

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.