Thứ bảy, 20/04/2024 11:01 (GMT+7)

Việt Nam nằm trong 10 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất vì BĐKH

MTĐT -  Thứ tư, 12/12/2018 16:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo báo cáo của tổ chức Germanwatch, trong 20 năm qua kể từ năm 1998, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu.

Theo TTXVN, dẫn báo cáo về chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn 2019 của tổ chức Germanwatch cho biết, trong 20 năm qua kể từ năm 1998, Sri Lanka đứng thứ 2 trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất do biến đổi khí hậu.

Báo cáo này được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh thường niên về Biến đổi khí hậu diễn ra ở Katowice (Ba Lan), theo đó đứng ngay sau Sri Lanka là Dominica, trong khi Puerto Rico là vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu.

Cũng theo báo cáo này, các nước tiếp theo trong số 10 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu lần lượt là Nepal, Peru, Việt Nam, Madagasca, Sierra Leone, Bangladesh và Thái Lan.

Năm 2018 cũng là năm xảy ra nhiều thảm họa thiên tai tại Việt Nam. Ảnh là hình ảnh lũ lụt tại các tỉnh miền Trung trong những ngày vừa qua.

Báo cáo chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu 2019 là chỉ số phân tích mức độ ảnh hưởng mà các quốc gia và vùng lãnh thổ phải gánh chịu do những yếu tố liên quan tới thời tiết như bão, lụt, sóng nhiệt... Theo Germanwatch, hơn 11.500 sự kiện thời tiết khắc nghiệt trong giai đoạn 1998 - 2017 đã làm hơn hơn 526.000 người thiệt mạng trên toàn thế giới và gây thiệt hại khoảng 3,47 nghìn tỷ USD.

Theo thống kê, trong vòng 45 năm (1956 - 2000) có 311 cơn bão và áp thấp ảnh hưởng đến Việt Nam. Mỗi năm Chính phủ phải chi hàng nghìn tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai. Chỉ riêng năm 2007, thiên tai đã làm thiệt hại 11.600 tỷ đồng, hơn 400 người chết, mất tích; làm ngập và hư hại 113.800 ha lúa, phá hủy 1.300 công trình đập, cống thủy lợi.

Việt Nam được dự đoán bị tác động nặng nề nếu khí hậu tăng lên 1oC và nước biển dâng cao 1m. Đặc biệt, theo các kịch bản BĐKH của Việt Nam, đến cuối thế kỷ XXI, sẽ có 40% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 11% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương ven biển khác sẽ bị ngập nước. Khi đó sẽ có 10 - 12% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất 10% GDP. Đặc biệt, 20% diện tích TP HCM sẽ bị ngập.

Tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến nhanh hơn dự báo của các nhà khoa học. Năm 2016, 11/13 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đã phải công bố tình trạng thiên tai, do xuất hiện hạn mặn chưa từng có trong vòng 100 năm qua. Mỗi năm có 300 ha lãnh thổ mất đi do sạt lở, cùng với đó là nước mặn, nước lợ gia tăng, sụt lún đất và nước biển dâng, tác động lớn đến sinh kế của người dân.

BĐKH tại Việt Nam còn đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp: Mực nước biển dâng làm tăng diện tích bị xâm nhập mặn, mất đất canh tác nông nghiệp, gia tăng xói lở bờ biển, ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông, đô thị, khu dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đời sống...; Nhiệt độ tăng ảnh hưởng đến các hệ sinh thái tự nhiên, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, làm tăng rủi ro an ninh lương thực. Nhiệt độ tăng, độ ẩm cao còn làm các loài vi khuẩn phát triển mạnh, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, chất lượng các công trình, chi phí bảo quản...; Gia tăng tính cực đoan của thời tiết, làm cho thiên tai nguy hiểm hơn: Hạn hán, thiếu nước ở nhiều nơi hơn. Đất hoang mạc hóa mở rộng, thậm chí bị sa mạc hóa. Nguy cơ mất an ninh về nước sẽ sớm hơn dự báo. Lũ lụt cũng nặng nề hơn…

Dưới tác động của BĐKH, chỉ trong 10 năm gần đây, các loại thiên tai như: bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn... đã gây thiệt hại đáng kể, làm chết và mất tích hơn 9.500 người, thiệt hại về tài sản ước tính 1,5% GDP/năm.

Hạn hán ở Ninh Thuận. Ảnh: Báo Nhân dân.

Để ứng phó với BĐKH, từng trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, từ năm 2015, Việt Nam đã lập kế hoạch 61 dự án cấp bách, không thể trì hoãn với tổng kinh phí khoảng 19.000 tỷ đồng. Các dự án ưu tiên trong giai đoạn trung hạn đã được Quốc hội và Chính phủ đồng ý phê duyệt khoảng 15.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hệ thống hồ tích trữ nước ngọt; phát triển và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn; đầu tư hệ thống quan trắc môi trường, dự báo khí tượng thủy văn; di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm….

Còn về lâu dài, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, để phát triển nền kinh tế xanh theo hướng các-bon thấp và giảm phát thải khí nhà kính, như cam kết trong Thoả thuận Paris thì Việt Nam cần một nguồn lực đầu tư rất lớn.

“Vì vậy, chúng ta cần sớm nghiên cứu, ban hành các chính sách, biện pháp phù hợp để thúc đẩy sự tham gia của tư nhân, nhằm tăng cường sự đầu tư giảm lượng phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH, dần dần chuyển đổi nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nhiên liệu không tái tạo sang năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu suất và tiết kiệm năng lượng” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Những hậu quả từ quá trình BĐKH đã và đang hiện hữu, thậm chí có dấu hiệu gia tăng qua các năm. Ứng phó với BĐKH giờ đây không còn là nhiệm vụ của chính phủ mà cần sự chung tay từ cộng đồng.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam nằm trong 10 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất vì BĐKH. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ