Thứ sáu, 29/03/2024 14:30 (GMT+7)

Than đá làm ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu như thế nào?

MTĐT -  Thứ hai, 27/08/2018 16:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Than đá là một trong những loại nhiên liệu hóa thạch quan trọng nhất trên thế giới. Nhưng việc khai thác và sử dụng than đá lại gây ô nhiễm môi trường, phá hủy cảnh quan thiên nhiên nghiêm trọng.

Theo các nghiên cứu, than đá là nguyên nhân gây ra 20% hiện tượng hiệu ứng nhà kính và khí thải ga, vốn là nguyên nhân hàng đầu làm biến đổi khí hậu. Ô nhiễm không khí từ việc đốt cháy than đá gây tổn hại trực tiếp tới sức khỏe con người và đó cũng là lý do mà có một số nhà khoa học đã ví than đá là kẻ thù của loài người.

Đứng trước viễn cảnh Trái đất đang nóng dần lên, từ lâu các quốc gia trên thế giới đã chung tay kêu gọi đẩy lùi than đá. Tuy nhiên, theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố hồi tháng 12 năm ngoái thì than đá sẽ tăng nhẹ từ nay đến năm 2022 trên toàn thế giới nhưng lại tăng mạnh ở một số nước châu Á.

Trong báo cáo hằng năm về than đá, IEA cho biết nguồn năng lượng này sẽ tăng từ 5.357 tỷ tấn lên 5.534 tỷ tấn trong giai đoạn 2016-2022.

Tỷ lệ than trong sản xuất năng lượng sơ cấp dự kiến sẽ giảm từ 27% hiện nay xuống còn 26% vào năm 2022. Mức tăng trưởng của than đá sẽ thấp hơn nhiều so với các nguồn năng lượng khác.

Than đá là nguồn năng lượng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ảnh: GreenPeace.

Nhưng báo cáo về việc sử dụng than đá cho thấy sự khác biệt rất lớn giữa các khu vực trên thế giới. Than đá giảm mạnh ở châu Âu, nơi chỉ có Đức và Ba Lan tiếp tục sử dụng một cách ồ ạt. Nhưng trong những năm tới, Ấn Độ sẽ trở thành nước có mức tiêu thụ than đá cao nhất mặc dù nước này đang phát triển mạnh năng lượng tái tạo. Ấn Độ không chỉ cần than để sản xuất điện mà còn cho ngành công nghiệp luyện thép đang phát triển.

Theo báo cáo của IEA, các quốc gia như Indonesia, Malaysia, Pakistan, Philippines và Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng tiêu thụ than tương đối mạnh do nhu cầu về điện tăng.

Dẫn nguồn tin từ tờ The Nation của Thái Lan, báo Nông Nghiệp đưa tin, các chuyên gia mới đưa ra phân tích dự báo, lượng tiêu thụ than ở Đông Nam Á và Ấn Độ đang tăng lên do nhu cầu về loại nhiên liệu rẻ nhất này đang mang lại lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư trong ngành điện. Trong khi đó, các nhà môi trường quốc tế cũng đang quan ngại về sự phục hồi này bởi vì nó đang đi ngược lại các nỗ lực chung nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch vào năm 2050.

Ông Paola Yanguas Parra, nhà phân tích chính sách thuộc hãng Climate Analytics cho biết: Vì than là loại nhiên liệu hóa thạch có lượng carbon cao nhất nên việc loại bỏ nó là một bước đi quan trọng trong việc đạt được mục tiêu giảm lượng phát thải cần thiết để hạn chế sự nóng lên của khí hậu toàn cầu được 1,5 độ C. Để đạt được cột mốc giảm phát thải carbon theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, các nghiên cứu của Climate Analytics cho rằng, tất cả các quốc gia đều phải ngừng đốt than vào giữa thế kỷ này. Vì vậy những nỗ lực để loại bỏ than phải được bắt đầu ngay từ bây giờ.

“Than đá vẫn là nguồn năng lượng chính trong những thập kỷ tới, mặc dù năng lượng tái tạo trở thành đối thủ cạnh tranh lớn nhất do sự tăng trưởng nhanh và chi phí rẻ hơn. Tuy nhiên tôi tin rằng, than vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định của ngành năng lượng”, ông Sacha Parneix, giám đốc thương mại của GE Power cho biết.

Ông Perneix cũng đồng thời khẳng định: “Không còn nghi ngờ về việc than đá là loại nhiên liệu gây ô nhiễm chính và việc sử dụng than bừa bãi sẽ có tác động nghiêm trọng đến môi trường. Tuy nhiên hiện chúng tôi có nhiều công nghệ tiên tiến hơn để giảm thiểu những hạn chế này và cho phép chúng tôi sử dụng nó một cách an toàn hơn”.

Tại Hội nghị cấp cao Liên Hợp Quốc (LHQ) về chống biến đổi khí hậu lần thứ 23 (COP23) tại thành phố Bonn, miền Nam nước Đức, diễn ra hồi cuối năm 2017 đã có 20 quốc gia, trong đó có Anh, Canada, Mexico... đã tuyên bố thành lập “Liên minh chống sử dụng than đá” (PPCA). Mặc dù vậy, các nước sử dụng than đá nhiều nhất thế giới như Trung Quốc, Đức, Nga và Mỹ vẫn chưa quyết định gia nhập liên minh này.

Hình ảnh khai thác than ở Ấn Độ.

Theo Reuters, PPCA được thành lập nhằm kêu gọi các nước cùng chung tay loại bỏ hoàn toàn các nhà máy điện than trên quy mô toàn cầu, với các thời hạn khác nhau, trước năm 2030.

Theo các báo cáo của LHQ, than đá là nguồn năng lượng chính trong sản xuất điện, song nó cũng gây tổn hại nghiêm trọng tới chất lượng không khí, môi trường và thủ phạm chính của việc Trái đất bị nóng lên. Với việc than đá tạo ra 40% khí thải carbon của toàn thế giới, việc ngừng sử dụng loại nhiên liệu này là mục tiêu trung tâm của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Không chỉ vậy, theo Bộ trưởng Môi trường Canada Catherine McKenna khẳng định tại COP23 thì việc đốt than cũng là nguyên nhân khiến 1 triệu người trên thế giới thiệt mạng mỗi năm và nhân loại cũng phải chi hàng tỷ USD mỗi năm để giải quyết những hậu quả do sử dụng than gây ra.

Trong khi đó, theo cơ cấu quy hoạch điện Việt Nam năm 2016 - 2030, nhiệt điện than chiếm tỷ trọng lớn nhất, ở mức 43% đến năm 2030, trong khi tiềm năng phát triển thủy điện không còn nhiều và không đám ứng kịp tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện năng của nền kinh tế.

Theo theleader, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ công thương từng cho biết, với nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh, đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng về tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than trong cơ cấu nguồn cung năng lượng, thì thách thức về tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Than đá làm ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu như thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.