Thứ ba, 16/04/2024 16:40 (GMT+7)

Những minh chứng gây sốc về việc Trái đất nóng lên

MTĐT -  Thứ sáu, 14/12/2018 16:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những năm qua, hiện tượng thời tiết cực đoan trên Trái Đất ngày càng gia tăng, các thảm họa mưa lũ, nắng nóng, băng tan ở bắc Cực là những minh chứng rõ rệt nhất về việc biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo của các nhà nghiên cứu công bố tại Hội nghị của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP24) đang diễn ra ở Katowice (Ba Lan) cho thấy, Trái Đất vẫn đang trong quá trình nóng lên, vượt xa mức tăng nhiệt độ đề ra theo Thỏa thuận Paris năm 2015.

Theo dữ liệu về nỗ lực chống biến đổi khí hậu của các quốc gia (CAT), với các chính sách hiện hành, vào cuối thế kỷ 21 nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng 3,3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mức dự báo này của CAT giảm 0,1 độ C so với báo cáo công bố cách đây một năm. Nếu các quốc gia nghiêm chỉnh thực thi những cam kết về khí hậu, mức tăng nhiệt độ có thể khống chế ở 3 độ C.

Tuy nhiên, lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính của nhiều quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc, lại tăng trong năm 2018.

Những hậu quả của biến đổi khí hậu đang ngày càng hiện hữu trong cuộc sống chúng ta, "cùng thay đổi" là thông điệp được gắn khắp nơi tại COP 24.

Trong 3 năm qua (2015 - 2018) hiện tượng thời tiết cực đoan trên Trái Đất ngày càng gia tăng, các thảm họa mưa lũ, nắng nóng kỷ lục ở Nhật Bản; siêu bão, động đất ở Trung Quốc; nắng nóng bất thường ở Anh, Montreal, Canada; cháy rừng ở Thụy Điển, Hy Lạp; núi lửa phun trào ở Hawaii, Guatemala; vỡ đập thủy điện ở Lào; động đất, sóng thần ở Indonesia…

Nồng độ CO2 trong khí quyển đang ở mức cao nhất trong 3 triệu năm qua và đang gia tăng. Đã có tới 18/20 năm ấm nhất toàn cầu kể từ năm 1850. Theo dự báo, đến năm 2100, những cơn siêu bão như Sandy xẩy ra ở Mỹ sẽ lặp lại với tần suất thường xuyên hơn, có thể lên tới 17 lần.

Nhật Bản: Cá nóc biến đổi do biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của chúng ta. Mới đây, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành quy định cấm bán và phân phối các loại cá nóc lai, hay còn gọi là những con cá nóc đột biến, xuất hiện dưới tác động của biến đổi khí hậu, do chúng chưa được kiểm chứng độ an toàn.

Cá nóc ở Nhật Bản biến đổi do Trái đất nóng lên. Ảnh minh họa.

Các loài cá nóc lai được tìm thấy rất nhiều trong vùng đánh bắt ở ngoài khơi bờ biển phía Đông Bắc Nhật Bản.

Nước biển ấm lên nhanh khiến bầy cá nóc hướng về phía Bắc nhằm tìm đến vùng nước mát hơn để sinh sản, tại đây chúng kết hợp với các loài cá bản địa gây ra sự gia tăng đột ngột cá nóc lai.

Việc phân loại các loài cá nóc thuần chủng và cá nóc lai khá khó khăn. Theo VTV, giáo sư Hiroshi Takahashi, trường Đại học Thủy sản Quốc gia Nhật Bản chỉ ra nguyên nhân khiến cá nóc nguy hiểm hơn: "Do biến đổi khí hậu, cá nóc thường bơi xung quanh vùng biển Nhật Bản đã dần dần thoát khỏi vùng biển nước ấm, vượt Thái Bình Dương. Ở đó, chúng lai tạo với các loài anh em làm tăng số lượng cá lai".

Ở bên trong, con cá nóc lai đã biến đổi nên không thể xác định được nó có phải loại có độc không, nếu có thì độc tố nằm ở chỗ nào. Như vậy, người ta không thể xác định được nó có thuộc diện ăn được hay không.

Khối băng dày và lâu đời nhất tại bắc Cực đã bắt đầu tan chảy

Năm 2018 cũng là năm lần đầu tiên khối băng dày vĩnh cửu tại miền Bắc Greenland bắt đầu rạn nứt.

băng biển ngoài khơi bờ biển phía Bắc Greenland được coi là vùng chứa các lớp băng dày và lâu đời nhất tại Bắc Cực, thậm chí có những khối băng vĩnh cửu có chiều cao tới 21 mét ở một số nơi.

Thế nhưng với việc Trái đất đang nóng dần lên, những khối băng vĩnh cửu và lâu đời nhất ở Bắc Cực đã bắt đầu tan chảy trong năm 2018.

Walt Meier, một nhà khoa học nghiên cứu cao cấp thuộc Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia Mỹ cho biết: "Đây được coi là pháo đài cuối cùng, nơi chúng ta thấy những thay đổi khí hậu về sau này tác động ra sao nhưng rốt cuộc chúng đã đến".

Những lớp băng lâu đời nhất ở bắc Cực bắt đầu tan trong năm 2018. 

Theo Meier, băng biển ở phía bắc Greenland dày hơn nhiều so với những nơi khác ở Bắc Cực bởi khi băng trôi qua Bắc Cực từ vùng Siberia, nó gắn chặt vào bờ biển gồ ghề của Greenland. Nhưng theo dữ liệu quan sát trong năm nay cho thấy, ngay cả khi lớp băng dày đến đâu, nó cũng không thể tránh được các tác động từ nhiệt độ cao.

Vào cuối tháng 2, đầu tháng 3/2018, các đợt sóng nhiệt và và gió ẩm từ phương nam đã khiến nhiều khối băng tan chảy ở khu vực này. Đây là một điều khá bất thường bởi lúc đó, Bắc Cực vẫn đang trong giai đoạn mùa đông.

Theo các nhà khoa học, băng biển mất đi có thể tác động tới khí hậu toàn cầu. Khi băng biển tan chảy, ánh sáng Mặt trời khi đi vào bầu khí quyển sẽ không còn bị lớp băng phản xạ nữa mà thay vào đó bị đại dương hấp thụ. Điều này khiến đại dương và không khí xung quanh dần trở nên nóng hơn, dẫn tới một chu trình luẩn quẩn như tan băng, đại dương hấp thụ nhiều nhiệt hơn và lại tan băng.

Bên cạnh đó, băng tan nhanh còn khiến một lượng lớn khí nhà kính như CO2, metan tích trữ dưới thềm băng vĩnh cửu bị thoát ra ngoài, góp phần khiến hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu thêm trầm trọng hơn.

Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, nước băng tan từ Greenland chiếm tới 1/5 lượng nước biển dâng toàn cầu. Nếu toàn bộ băng ở đây tan hết, mực nước biển sẽ dâng cao thêm 7m.

Việt Nam - một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Năm 2018 cũng là năm Việt Nam hứng chịu nhiều thảm họa thiên nhiên bất thường với hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan.

Theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam do Bộ Tài nguyên - Môi trường công bố, nhiệt độ trung bình ở nước ta đã tăng khoảng 0,4oC trong 20 năm gần đây so với giai đoạn 1981-1990; nhiệt độ cực đại tăng ở các vùng, song giảm ở một số khu vực phía Nam.

Nhật Hạ(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Những minh chứng gây sốc về việc Trái đất nóng lên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.