Thứ ba, 19/03/2024 12:53 (GMT+7)

Chia sẻ báo cáo đặc biệt về biến đổi khí hậu

MTĐT -  Thứ tư, 10/10/2018 14:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Báo cáo đặc biệt của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) về tác động khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5oC đã được chia sẻ tại Hội nghị đối thoại cấp cao về biến đổi khí hậu.

Sáng 10/10, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) tổ chức Hội nghị đối thoại cấp cao về biến đổi khí hậu. Hơn 200 nhà quản lý, hoạch định chính sách, đại diện các đối tác phát triển, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội đã cùng thảo luận về các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu ở Việt Nam trong các lĩnh vực: Nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, giao thông, y tế…

Tại Hội nghị, thông tin về Báo cáo đặc biệt của Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) về tác động khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5oC và các vấn đề liên quan đến phát thải khí nhà kính toàn cầu (gọi tắt là Báo cáo 1,5oC) đã được chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam luôn chủ động và tích cực thực hiện các cam kết quốc tế và nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng với việc phê duyệt Thoả thuận Paris, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trọng tâm tập trung vào việc thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Hội nghị lần này sẽ tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam; đẩy mạnh hợp tác, kết nối với các đối tác phát triển, cộng đồng khoa học, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân cho sự nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việt Nam luôn chủ động thực hiện những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

IPCC là cơ quan toàn cầu đánh giá về khoa học liên quan đến biến đổi khí hậu. Tại COP21, IPCC được giao nhiệm vụ xây dựng báo cáo 1,5oC để các quốc gia xem xét tại Hội nghị lần thứ 24 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP24) được tổ chức tại Ba Lan vào tháng 12 năm nay. Báo cáo vừa được đại diện các quốc gia thảo luận tại Hàn Quốc, từ ngày 2 đến ngày 5/10/2018.

“Việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu lên 1,5ºC sẽ đòi hỏi những thay đổi nhanh chóng, sâu rộng và chưa từng có trong tất cả các khía cạnh của xã hội’, Chủ tịch IPCC Hoesung Lee cho biết. Theo ông Hoesung Lee, lợi ích rõ ràng đối với người dân và hệ sinh thái tự nhiên, việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu đến 1,5ºC so với 2ºC có thể đi đôi với việc đảm bảo một xã hội bền vững và công bằng hơn.

Theo báo cáo, việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu đến 1,5oC so với 2oC sẽ giảm tác động đến hệ sinh thái, sức khỏe con người để dễ dàng đạt được mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Bà Caitlin Wiesen - Giám đốc Quốc gia UNDP tại Việt Nam cho biết "UNDP có quan hệ đối tác mạnh mẽ với Chính phủ Việt Nam nhằm xây dựng khả năng chống chịu cho các cộng đồng có nguy cơ cao nhất, đặc biệt là nhóm người nghèo, dân tộc thiểu số và các vùng bị ảnh hưởng như vùng ven biển và đồng bằng sông Cửu Long”. Bà Caitlin Wiesen cho rằng, Việt Nam chắc chắn có thể đạt được những kết quả tích cực trên con đường phát triển carbon thấp và chống chịu khí hậu, hưởng lợi từ sự tương tác giữa đổi mới công nghệ nhanh chóng, đầu tư cơ sở hạ tầng bền vững và tăng năng suất tài nguyên.

Báo cáo nêu bật một số tác động của biến đổi khí hậu có thể tránh được bằng cách hạn chế sự nóng lên toàn cầu 1.5oC so với 2oC, hoặc nhiều hơn. Ví dụ, đến năm 2100, mực nước biển dâng toàn cầu sẽ thấp hơn 10 cm với sự nóng lên toàn cầu là 1,5oC so với 2oC. Khả năng xảy ra băng tan ở Bắc Băng Dương trong mùa hè sẽ chỉ có một lần trong mỗi thế kỷ với sự nóng lên toàn cầu là 1,5oC. Băng tan sẽ xảy ra ít nhất một lần mỗi thập kỷ với mức tăng nhiệt độ là 2oC. Rạn san hô sẽ giảm 70 - 90% khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1.5oC, trong khi hầu như tất cả (> 99%) sẽ bị mất đi khi nhiệt độ tăng 2oC.

Cùng ngày hôm nay (10/10), hội thảo khoa học về chống chịu với khí hậu và phát triển carbon thấp và cuộc tọa đàm trao đổi với sinh viên về biến đổi khí hậu cũng được tổ chức tại Hà Nội.

Theo báo Chính phủ

Bạn đang đọc bài viết Chia sẻ báo cáo đặc biệt về biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới