Thứ bảy, 20/04/2024 05:39 (GMT+7)

Những thành phố đắc địa nhất cho startup

MTĐT -  Thứ tư, 19/09/2018 09:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để tìm kiếm cơ hội giành một phần trong “chiếc bánh startup”, nhiều thành phố Đông Á đang nổi lên như những mảnh đất màu mỡ mới cho doanh nhân khởi nghiệp toàn cầu.

Khi một startup muốn chọn địa điểm để khởi sự kinh doanh, bên cạnh vấn đề chi phí, họ cần phải cân nhắc rất nhiều yếu tố khác, như cộng đồng dân cư, cơ hội đầu tư và khả năng tiếp cận với các chuyên gia bản địa. Dưới đây là các thành phố hàng đầu trong khu vực Đông Á dành cho startup vì sở hữu nhiều điều kiện kinh doanh thuận lợi nói trên, theo CNBC:
1. Bắc Kinh (Trung Quốc)
Thủ đô của Trung Quốc vượt trội hơn các thành phố châu Á khác ở yếu tố quy mô và giá trị của hệ sinh thái khởi nghiệp. Là quê hương của khoảng 7.000 startup và hơn 40 startup kỳ lân (công ty khởi nghiệp chưa niêm yết trị giá trên 1 tỷ USD), Bắc Kinh là một thành phố đầy cơ hội và nguồn nhân tài cho startup.

 Bắc Kinh là quê hương của khoảng 7.000 startup và hơn 40 startup kỳ lân. Ảnh: Internet

Nhiều trung tâm công nghệ (tech hub) đã ra đời tại Bắc Kinh. Chẳng hạn như khu Trung Quan Thôn (Zhongguancun), theo ước tính có đến 300 không gian làm việc chung tại đây. Hay rộng hơn nữa là khu Haidian District, vốn là nơi đặt trụ sở của nhiều startup thành công như Xiaomi và Baidu.

2. Thượng Hải (Trung Quốc)
Là một trong những thành phố đông dân nhất thế giới, Thượng Hải sở hữu mức chi phí sinh hoạt khá hợp lý. Thành phố này cũng có nhiều bước tiến trong việc thu hút và nuôi dưỡng startup, điển hình là một số quận đưa ra ưu đãi miễn phí thuê mặt bằng nếu các doanh nghiệp chọn đăng ký kinh doanh tại đây.

Hiện là nơi cư ngụ của 2.000 – 3.000 startup, Thượng Hải xếp sau Bắc Kinh về quy mô hệ sinh thái khởi nghiệp, nhưng xét về khả năng mở rộng ra thị trường quốc tế, thành phố này lại có xu hướng đạt tỷ lệ thành công cao hơn. Theo South China Morning Post, Thượng Hải có khoảng 500 trung tâm ươm tạo và tăng tốc khởi nghiệp.

3. Thâm Quyến (Trung Quốc)
Thâm Quyến đã có một sự chuyển mình mạnh mẽ trong vòng 3 thập kỷ qua, từ một làng chài nhỏ với số dân 175.000 người thành một khu đô thị với hơn 12,5 triệu dân. Sự biến đổi nhanh chóng đó cũng tạo điều kiện cho cộng đồng startup phát triển mạnh, với những cái tên nổi bật như Tencent và OnePlus.
Là thiên đường cho các nhà phát triển phần cứng, thành phố này còn là một trong những nơi thu hút nhiều vốn đầu tư nhất tại Trung Quốc dành cho việc nghiên cứu và phát triển.

4. Hong Kong (Trung Quốc)

Hong Kong từ lâu đã là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, nhưng thành phố này phải loay hoay khá vất vả để tái lập thành công tương tự đối với hệ sinh thái khởi nghiệp của mình.

 Hong Kong hiện có khoảng 2.000 startup. Ảnh: Internet


Tuy nhiên vài năm qua, Hong Kong đã chứng kiến một sự tăng trưởng vượt bậc trong các hoạt động khởi nghiệp kinh doanh, với số lượng startup hiện tại là hơn 2.000 và khoảng 50 không gian làm việc chung.
Hồi năm ngoái, Hong Kong đã chào đón sự ra đời của startup kỳ lân đầu tiên, đó là ứng dụng gọi xe công nghệ GoGoVan.

5. Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc)
Với dân số dưới 3 triệu người, quy mô startup ở Đài Bắc khá khiêm tốn so với các thành phố khác trong khu vực. Dù vậy, Đài Bắc từ lâu đã là nơi sản xuất và phát triển phần cứng nổi tiếng trên toàn cầu, đồng thời là quê hương của một mạng lưới những kỹ sư và chuyên gia thiết kế tài giỏi.
Để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố, Đài Loan đã cung cấp visa kinh doanh cũng như các khoản trợ cấp cho những nhân tài từ nước ngoài. Được biết, ở Đài Loan có khoảng 50 văn phòng làm việc chung và hơn 20 trung tâm ươm tạo và tăng tốc khởi nghiệp.

6. Fukuoka (Nhật Bản)
Dưới sự lãnh đạo của thị trưởng Soichiro Takashima, thành phố cảng Fukuoka của Nhật Bản đang trở thành một trung tâm khởi nghiệp (startup hub) nổi bật trên bản đồ khởi nghiệp thế giới. Đây cũng là nơi khai sinh ra chương trình visa khởi nghiệp trong 6 tháng dành cho người nước ngoài đầu tiên ở Nhật. Fukuoka còn ưu đãi cung cấp khoản vay lên đến 232.000 USD cho các doanh nhân bản địa.

Dù có số dân khiêm tốn với 1,5 triệu người, Fukuoka là thành phố phát triển nhanh nhất ở Nhật nếu không tính đến Tokyo. Đây cũng là nơi có tỷ lệ công dân 15 – 29 tuổi cao nhất nước Nhật và có một cộng đồng người nước ngoài đang ngày càng tăng trưởng về số lượng.

7. Tokyo (Nhật Bản)
Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhiều startup lĩnh vực internet, Tokyo từng được mệnh danh là “Bit Valley” trong suốt giai đoạn bong bóng dotcom. Nhưng những năm gần đây, thành phố này đã phải vật lộn vất vả để duy trì danh tiếng của mình trên toàn cầu. Kết quả là, lượng vốn đầu tư vào startup trở nên nghèo nàn, dù đây là thành phố quê hương của một trong những nhà đầu tư lớn nhất thế giới - Softbank.

 Tokyo – thành phố từng được mệnh danh là “Bit Valley” - Ảnh: Internet

Nhưng dù sao đi nữa, Tokyo vẫn là thủ đô của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và vẫn ẩn chứa nhiều cơ hội cho các startup muốn cung cấp giải pháp cho những vấn đề lớn nhất của xứ sở mặt trời mọc, chẳng hạn như tình trạng già hóa dân số đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh.

8. Seoul (Hàn Quốc)
Seoul là quê hương của một nửa dân số Hàn Quốc (50 triệu người), đồng thời là nơi khai sinh ra 3.500 startup và khoảng 100 trung tâm tăng tốc khởi nghiệp, đặc biệt là ở "quận nhà giàu" Gangnam.

 Seuol - nơi khai sinh ra 3.500 startup và khoảng 100 trung tâm tăng tốc khởi nghiệp - Ảnh: Internet

Nỗ lực xây dựng một nền kinh tế sáng tạo, chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư mạnh vào hệ sinh thái khởi nghiệp nước này, và hồi năm ngoái đã bổ nhiệm bộ trưởng đầu tiên cho Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và Khởi nghiệp. Cơ quan này cũng vừa được thành lập trong năm 2017.

Hàn Quốc tự hào có sự hậu thuẫn của chính phủ dành cho startup tính trên đầu người cao nhất, mặc dù sự hậu thuẫn đó có xu hướng nghiêng về phía các công dân Hàn Quốc./.

Ngọc Bích

Bạn đang đọc bài viết Những thành phố đắc địa nhất cho startup. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...