Thứ sáu, 19/04/2024 01:08 (GMT+7)

Valérie Masson-Delmotte: Giám sát dữ liệu Trái đất

MTĐT -  Thứ sáu, 25/01/2019 08:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Động lực chính đằng sau bản báo cáo về biến đổi khí hậu của IPCC đến từ một nhà khí hậu học.

GS. Valérie Masson-Delmotte France Culture

Trong tháng 10 vừa qua, GS. Valérie Masson-Delmotte và các đồng nghiệp đã công bố trước thế giới những thông tin cảnh báo về tương lai hành tinh. Chỉ trong hơn chục năm tới, nhiệt độ trung bình của Trái đất sẽ có thể tăng thêm 1,5 °C so với giai đoạn giữa thế kỷ XIX, gây ra một chuỗi biến đổi trong hệ sinh thái và tiêu diệt hầu hết các rạn san hô của thế giới, cùng với nhiều tác động khác.

Cảnh báo này được đưa ra trong báo cáo đặc biệt của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), tác giả chính là GS. Masson-Delmotte

Với tư cách một nhà khí hậu học tại Phòng thí nghiệm về Khoa học Khí hậu và Môi trường ở Gif-sur-Yvette, (Pháp) và là đồng chủ tịch của nhóm công tác IPCC đánh giá tác động vật lý của biến đổi khí hậu, Masson-Delmotte đã góp phần tập hợp các tác giả tham gia, điều phối nhóm nghiên cứu và quan trọng nhất giúp báo cáo được chính phủ các nước công nhận.

Để đưa ra các đánh giá lớn, những báo cáo của IPCC thường phải được xây dựng trong một thời gian dài, đôi khi chiếm quá nửa một thập kỷ, nhưng bản báo cáo về nhiệt độ có thể tăng 1,5 °C của nhóm Masson-Delmotte đã được xây dựng rất nhanh chóng, kết hợp được cả thông tin từ các nghiên cứu mới công bố chỉ vài tuần trước khi bản thảo cuối cùng được đệ trình. Như chị tâm sự: “Tôi rất tự hào [vì nỗ lực đó]. Dù bị giới hạn về thời gian nhưng tôi nghĩ, mọi người đều đã thiết lập được lòng tin và tinh thần trách nhiệm”.

Bản báo cáo chỉ rõ rằng việc giới hạn sự nóng lên toàn cầu chỉ ở mức 1,5 °C cũng có tác động tích cực vô cùng lớn so với việc để mức tăng đến 2°C. Nhưng kể cả việc kìm hãm ở mức 1,5 °C vẫn sẽ đòi hỏi phải có những hành động hết sức mạnh mẽ để cắt giảm khí thải nhà kính. Ngay cả khi các quốc gia bằng cách nào đó đạt được mục tiêu trên thì thế giới vẫn phải chịu những thay đổi to lớn: toàn bộ hệ sinh thái trên 6% bề mặt địa cầu sẽ bị hủy hoại và từ 70-90% các rạn san hô có thể sẽ biến mất.

“[Chúng ta] khó mà dám bỏ qua cảnh báo này”, theo GS. Ove Hoegh-Guldberg, đồng tác giả báo cáo và là giám đốc Viện Biến đổi Khí hậu Toàn cầu tại Đại học Queensland, Australia.

GS. Diana Liverman, nhà địa lý học tại Đại học Arizona, Mỹ, đặc biệt chọn công trình của Masson-Delmotte để làm ví dụ chứng minh việc cải thiện tính đa dạng và vai trò đại diện của nhà khoa học tại IPCC.

Trong bản đánh giá lần trước vào cuối năm 2014, các nhà khoa học nữ chỉ chiếm 22% trong nhóm tác giả, nhưng đến báo cáo này, tỷ lệ được nâng lên mức chưa từng có tiền lệ là 40%. Không chỉ có vậy, GS. Masson-Delmotte cũng nỗ lực để nâng cao vai trò của các nhà khoa học trẻ và các nhà nghiên cứu từ các nước đang phát triển.

Để chuẩn bị cho bản đánh giá khí hậu toàn diện tiếp theo dự kiến công bố năm 2021, chị đã xây dựng các quy trình để thúc đẩy sự tham gia tích cực của mọi tác giả - bao gồm một công cụ trực tuyến dành cho các nhà khoa học không tiện phát biểu trực tiếp trong các cuộc họp.

Trong một nỗ lực để phá vỡ ranh giới giữa các cộng đồng khoa học, các nhà nghiên cứu từ nhiều chuyên ngành khác nhau đã cùng tham gia trong từng phần báo cáo. Theo GS. Masson-Delmotte, kết quả là một bản phân tích ít tập trung vào các kịch bản phát thải và nhiều hơn vào các chính sách xã hội, công nghệ và quản trị có thể thúc đẩy thay đổi - mà không làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng trên thế giới.

Chị Masson-Delmotte đã dành 10 ngày tại Hội nghị thượng đỉnh về Khí hậu Liên Hợp Quốc năm 2018 vừa qua để nói về báo cáo và quy trình mở rộng của IPCC với các đại biểu tham dự. Hiện tại, chị và các đồng chủ tịch khác đang xúc tiến thêm hai báo cáo mới - một bản về các quần xã sinh vật trên cạn, và một bản về các sinh vật đại dương và vùng cực, dự kiến sẽ xuất bản vào tháng 8 và tháng 9 năm 2019.

Giống như IPCC - sự tham gia của các nhà khoa học trong báo cáo hoàn toàn là tự nguyện - Masson-Delmotte tâm sự rằng báo cáo này đã đẩy sức làm việc của chị đến giới hạn có thể. Để dành thời gian cho báo cáo, bà đành thu xếp nghiên cứu của mình vào quãng thời gian ít ỏi còn lại, ban đêm, cuối tuần hay giữa những chuyến tàu. Chị cũng không thể dành thời gian cho hai cô con gái và chồng mình như trước đây. ”Công việc này khiến tôi khổ sở”, bà nói, “Nhưng cũng cùng lúc khiến tôi cảm thấy hứng khởi một cách kỳ lạ”.

Theo tiasang.com.vn

Bạn đang đọc bài viết Valérie Masson-Delmotte: Giám sát dữ liệu Trái đất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hiệu ứng nhà kính và các giải pháp từ tiêu chuẩn
Thật dễ dàng để có những ý kiến khác nhau về carbon. Nó là tốt hay xấu? Một mặt, nó là nền tảng cho sự sống trên Trái đất. Mặt khác, nó liên quan đến biến đổi khí hậu. Đây là loại khí nhà kính được sản xuất phổ biến nhất và giữ nhiệt trong khí quyển.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.