Thứ ba, 16/04/2024 22:17 (GMT+7)

Thách thức những quan niệm về thiên tai và thảm họa

MTĐT -  Thứ tư, 11/07/2018 11:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việt Nam là vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và năm nào cũng có những thảm họa diễn ra, gây tổn thất nặng nề hàng nghìn tỉ đồng.

Từ trước đến nay, chúng ta vẫn luôn bị động trước những tai họa. Chuỗi bài tới đây của chuyên gia về thảm họa và rủi ro Jason von Meding, Đại học Newcastle, Úc, gợi ý cho chúng ta một cách nhìn khác về cái gọi là “thiên tai”.

Mưa lớn tại Sơn La, QL 279 đoạn qua huyện Mường La bị ách tắc nghiêm trọng. Nguồn ảnh: duongbo.vn


Trong tiếng Việt, rất nhiều khi chúng ta dùng từ “thiên tai” để nói về một thảm họa. Nhưng có một sự khác biệt quan trọng giữa hai khái niệm này. Nếu không phân biệt đúng sẽ đưa chúng ta đến những thảo luận về nỗi mất mát, chịu đựng và đau khổ của con người một cách hạn hẹp. Thông thường, người ta coi đó là kết quả của “sự phẫn nộ của Mẹ thiên nhiên”. Có khi còn gọi nó là “ý Trời”.

Khi chúng ta quá tập trung vào chữ “thiên”, chúng ta thường bỏ qua những khía cạnh xã hội, kinh tế và chính trị của thảm họa. Nghề nghiệp điều tra căn nguyên của những thảm họa đã khiến tôi phải nói rằng chúng thực ra không diễn ra một cách tự nhiên. Chúng là kết quả từ những quyết định của con người trong việc xác định nguy cơ rủi ro trong xã hội, về mức độ tiêu thụ, về quyền và về sự sở hữu. Đáng buồn là, những thảm họa là điều không thể tránh khỏi trong một thế giới mà sự bất bình đẳng ngày càng dâng cao.

Khi “thiên tai” không phải tại “thiên”

Ý tưởng cho rằng “thiên tai” không phải tại “thiên” không còn mới. Jean Jacques Rousseau là người đầu tiên được lịch sử ghi lại đã quan sát thấy điều này vào năm 1756, sau một trận động đất và sóng thần thảm khốc tại Lisbon, Bồ Đào Nha. Ông biện luận rằng sự tổn hại sau đó là do những quyết định và hành xử của con người chứ không phải là do tự nhiên. Tuy nhiên, trong hơn 200 năm sau đó, thảm họa vẫn được cho là xuất phát từ tự nhiên hoặc là hành động của Chúa trời. Đến những năm 1970, những nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực mới thách thức lại cách diễn giải chính thống. Dẫu rằng kể từ đó, vị thế áp đảo của quan niệm “thiên tai” là tại thiên liên tục bị lung lay, các thuật ngữ sử dụng vẫn không hề suy chuyển. Vẫn có hàng trăm nghìn dẫn chiếu của từ “thiên tai” trong các văn bản khoa học.

Vậy, điều gì tạo nên một thảm họa? Các thảm họa luôn có những yếu tố tự nhiên, và chính điều đó khiến cho chúng bị gán cho tên gọi “thiên tai”. Những tai họa như sóng thần, bão, cháy rừng và động đất dĩ nhiên có phần tự nhiên trong đó. Nhưng nguy cơ biến nó thảm họa được quyết định bởi hai điều: 1) Tai họa 2) Khả năng bị tổn thương của con người khi gặp nguy hiểm. Sự thật là trên khắp thế giới, những nạn nhân của các thảm họa thường là thiểu số nghèo khổ, sống trong những đất nước có thu nhập thấp và thường bị lề hóa dựa trên tầng lớp xã hội, giới tính, tôn giáo, dân tộc và sự khuyết tật. Đó là cách người ta thiết kế xã hội hiện nay.

Nhóm dễ bị tổn thương nhất phải chịu đựng nhiều nhất

Tác động của một thảm họa được đo bằng mức độ bị tổn thương của con người. Con người dễ bị tổn thương vì rất nhiều lí do, nhưng không phải vì họ lựa chọn như vậy. Phần lớn mức độ rủi ro mà họ phải gánh chịu được quyết định bởi những người khác. Sự bất công vốn được xác lập trong xã hội của chúng ta. Ở Việt Nam, điều đó có thể thấy ở việc những người dân tộc thiểu số chịu tác động sâu sắc như thế nào sau những thảm họa. Lũ lụt và sạt lở đất là những hiện tượng diễn ra định kì trên khắp các tỉnh vùng núi phía Bắc và những nơi nghèo nhất và tập trung đông đồng bào dân tộc nhất luôn chịu tổn thương nặng nề nhất. Sự kiện diễn ra gần đây gây ra sự mất mát nghiêm trọng trên khắp các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Yên Bái và Lai Châu, những nơi mà 80% dân số là người dân tộc thiểu số. Tỉ lệ nghèo đói của người dân tộc thiểu số trong vùng cao một cách bất thường (73% - so với tỉ lệ người nghèo trên cả nước mà người Kinh chiếm đa số là 2.9%). Thảm họa tuần trước khiến 20 người bị thiệt mạng còn thảm họa diễn ra vào tháng 8 năm 2017, hàng chục người chết.

Sau trận bão Katrina lịch sử ở New Orleans năm 2005, Mỹ, truyền thông khiến công chúng sợ hãi về những người da đen và cho rằng cưỡng hiếp và cướp bóc đang diễn ra (trong khi thực tế không phải). Điều này thúc đẩy tinh thần thù địch của người da trắng, họ mang sung và bắn những người da đen. Ảnh: Hai người đàn ông chèo thuyền trên đường bị ngập nước. Mario Tama/Getty Images


Đây là ví dụ cho thấy các nguy cơ thảm họa phần lớn được gây ra bởi con người như thế nào. Cộng đồng các dân tộc thiểu số là những người bị lãng quên ở Việt Nam. Những nỗ lực của chính phủ trong việc thiết kế những thang đo chính sách để cải thiện điều kiện sống của người dân đều chưa đáp ứng đủ tình hình phát triển xã hội và kinh tế đa dạng của người dân tộc thiểu số. Rất nhiều cộng đồng người dân tộc thiểu số được hưởng lợi từ sự phát triển, nhưng so với số đông người Kinh, họ vẫn tụt lại đằng sau rất xa.
Các chính sách bởi vậy phải tinh tế hơn và trúng đích hơn, hướng tới những nhu cầu kinh tế xã hội cụ thể của từng cộng đồng. Chỉ khi chính phủ bắt đầu xác định những thiếu thốn của họ khi tiếp cận với giáo dục, cơ sở vật chất, phương tiện giao thông, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ khác. Cách tiếp cận chính sách xơ cứng, hoặc đơn giản, hành chính từ trên xuống đều góp phần quan trọng dẫn đến hậu quả như vậy. Đó là lí do chính con người mới tạo ra những thảm họa. Mỗi khi một thảm họa diễn ra, rất ít người nhìn vào vai trò của nghèo đói, của sự lề hóa, sự suy giảm của môi trường sống hoặc những quyết định liên quan đến việc sử dụng đất trong các phân tích của mình. Điều này cần phải thay đổi.

Hãy cẩn trọng với cách dùng từ

Cách dùng từ ngữ của chúng ta rất quan trọng. Nếu gọi một thảm họa là “thiên tai” thì chẳng ai phải chịu trách nhiệm và rồi chúng ta khỏi phải nghĩ đến những căn nguyên đau đầu. Lý giải những thảm họa là do thiên nhiên thực ra là để trốn tránh những hành động xác định nguyên nhân thực sự về xã hội, chính trị và kinh tế.

Ở Việt Nam, ai là người sẽ được hưởng lợi từ cách dùng từ “thiên tai”? Liệu những nhà chính trị có phật ý nếu như chúng ta nói về những căn nguyên của thảm họa thay vì đổ lỗi cho “tự nhiên”? Không ít những người dân Việt Nam không nhận được lợi ích một cách công bằng từ sự phát triển thần kì của đất nước. Sự bất bình đẳng ngày càng tăng, kéo theo đó là sự rạn nứt trong xã hội, trong khi những tác động môi trường của việc phát triển nóng ngày càng sâu sắc. Những thảm họa thường là kết quả của những quyết sách phiến diện về phát triển kinh tế.

Một cách để quy trách nhiệm cho những nhà hoạch định chính sách là phản ứng với những cách diễn giải và cách dùng từ “thiên tai” đang áp đảo hiện nay. Bất kì khi nào chúng ta nói về thảm họa, chúng ta phải nói về sự dễ bị tổn thương, về sự bất công, về quyền lợi. Nếu cứ tiếp tục sử dụng từ “thiên tai”, chúng ta khó mà có thể làm được điều đó.

Dĩ nhiên, sẽ luôn luôn có sự phản đối cho bất kì gợi ý nào muốn thay đổi quan niệm chính thống. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, sự phản đối việc chấm dứt quan niệm sai lầm về “thiên tai” thường đến từ những người có quyền lực và đặc quyền. Một vài người (chẳng hạn như giới học thuật và báo chí) cảm thấy lợi ích từ việc duy trì cách gọi cũ vì đó là ngôn ngữ của họ và họ cho rằng công chúng không thể hiểu được nếu thay đổi cách gọi. Những người khác (như chính trị gia) là bởi họ cảm thấy có thể bị quy trách nhiệm bởi bất kì những thảo luận nào liên quan đến căn nguyên của thảm họa.

Mặc dù công chúng sử dụng khái niệm “thiên tai” này một cách rộng rãi, họ không thực sự bị bó buộc tư duy vào nó. Hầu hết mọi người đều khá hứng thú trong việc thảo luận tại sao những thảm họa không hề tự nhiên và họ hiểu điều đó một cách nhanh chóng.

Những ngộ nhận về thảm họa rất phổ biến

Vấn đề cách dùng từ “thiên tai” không phải là điều duy nhất chúng ta phải đối mặt trong việc thay đổi cách hiểu của công chúng về thảm họa. Xã hội được hình thành bởi những ngộ nhận mà mọi người đều thừa nhận nhưng thường rất sai lệch.

Những ngộ nhận thường được công nhận là sự thật một cách rộng rãi. Sau đây là một ví dụ điển hình. Khắp nơi trên thế giới, người ta tin rằng trong khủng hoảng, con người cư xử một cách tiêu cực, ích kỉ, vô cảm, phi lí và hoảng loạn. Tuy nhiên, nó không hề khớp với những bằng chứng hiện tại. Những nhà xã hội học về thảm họa đã cho chúng ta thấy hàng thập kỉ nay rằng chúng ta luôn nhìn thấy những nghĩa cử cao đẹp nhất của con người trong những thời điểm đen tối đó. Thực tế cho thấy, cộng đồng đoàn kết với nhau trong một thảm họa.

Giữa thời khắc đau thương, chúng ta chứng kiến điều tốt đẹp nhất trong bản chất con người. Con người thể hiện một ý chí thống nhất. Họ cho đi một cách hào phóng. Họ đối đãi với nhau tử tế. Họ xả thân không chỉ vì gia đình và bạn bè mà còn vì những người hoàn toàn xa lạ. Sau một thảm họa, tỉ lệ tội phạm thường sụt giảm. Những nạn nhân không cướp bóc, chém giết, cưỡng hiếp nhau. Họ đến với nhau.

Chính vùng lân cận nơi thảm họa là những người cứu trợ đầu tiên – điều gần như không bao giờ được nhắc đến bởi truyền thông bởi họ mải chạy theo những đội cứu hộ. Những cộng đồng tự tổ chức và huy động sức người, tạo nên một khả năng mạnh mẽ để bảo vệ, hỗ trợ và phục vụ lẫn nhau.

Nhiều khi chính quyền và những người coi là “chuyên gia” đặt chân đến vùng thảm họa, họ thực sự làm gián đoạn quá trình phục hồi vốn đã rất hoàn chỉnh. Họ thường coi nhẹ sự quan trọng của năng lực tự thân của địa phương.

Vai trò của truyền thông khoa học và thông tin đại chúng

Vậy, tại sao chúng ta luôn bị thông tin sai về những thảm họa ? Ngôn ngữ rất quan trọng, nhưng đó mới là một yếu tố. Truyền thông cũng rất hứng thú với những câu chuyện ủy mị và những tiêu đề giật gân. Những thảm họa hiếm khi trở thành tin tức trừ phi số lượng người chết rất lớn. Những thông tin về các quốc gia giàu có thì được ưu tiên hơn là các quốc gia nghèo. Hãy xem số lượng đưa tin về ảnh hưởng của mùa bão Thái Bình Dương tới Mỹ vào năm 2017 với những hệ quả của mưa lớn trên khắp Đông Nam Á. Hầu hết báo chí đều tập trung vào nước Mỹ.

Hollywood minh họa mối quan hệ giữa nạn nhân và người cứu hộ trong các câu chuyện về thảm họa và tập trung vào nhu cầu cần phải siết chặt kỉ luật. Hãy nghĩ về bất kì những bộ phim thảm họa nào mà bạn đã từng xem. Những con người chịu tác động thì hoảng sợ, ích kỉ, hành xử phi lý và khao khát sự giúp đỡ. Nó có thể khác xa với thực tế - nhưng nó phục vụ cho mục đích kể chuyện của họ.

Những người có quyền hưởng lợi rất nhiều từ việc phát tán đi những huyền thoại này. Nếu như công chúng tin tưởng một cách rộng rãi rằng những người bị ảnh hưởng bởi các thảm họa sẽ hành xử một cách phi lí, họ sẽ không phản ứng gì khi có một lực lượng ra tay để “gìn giữ trật tự”. Đặc biệt là ở Mỹ, có hẳn một lịch sử về việc những hành động bạo lực diễn ra sau các thảm họa là do chính quyền dẫn dắt. Sự sợ hãi sau những thảm họa – thường đến từ những người sợ hãi sẽ bị mất quyền lực và sự kiểm soát, hơn là từ những cộng đồng bị ảnh hưởng.

Cuối cùng, những nhà khoa học về thảm họa nói với chúng ta rằng đừng chạy theo những gì truyền thông hay Hollywood mô tả về các thảm họa. Những nhà làm chính sách biết điều đó nhưng họ không quan tâm. Bởi vậy, tất cả chúng ta phải đòi hỏi những gì tốt hơn thế.

Vậy nên, nếu sau đây khi nào nghe thấy ai đó nói đến “thiên tai”, hãy hỏi lại họ căn nguyên của những thiên tai là gì. Nếu bạn nhìn thấy trong bài viết, hãy thách thức lại tác giả. Chúng ta đều có thể là một phần của những gì tích cực và đem lại sự chuyển đổi trong nhận thức của cộng đồng.

Trên tất cả, quan trọng nhất, chúng ta phải có một cuộc đối thoại đúng vấn đề, đi vào những nguyên nhân thực sự và dám rung động những cơ quan quyền lực.

Bạn đang đọc bài viết Thách thức những quan niệm về thiên tai và thảm họa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo tiasang.com.vn

Cùng chuyên mục

Hiệu ứng nhà kính và các giải pháp từ tiêu chuẩn
Thật dễ dàng để có những ý kiến khác nhau về carbon. Nó là tốt hay xấu? Một mặt, nó là nền tảng cho sự sống trên Trái đất. Mặt khác, nó liên quan đến biến đổi khí hậu. Đây là loại khí nhà kính được sản xuất phổ biến nhất và giữ nhiệt trong khí quyển.

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.