Thứ năm, 28/03/2024 21:51 (GMT+7)

Chống ngập TP.HCM: Tranh cãi “siêu” đê biển

MTĐT -  Thứ tư, 11/07/2018 11:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù được cho là giải pháp giải quyết tình trạng ngập úng của TP.HCM, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tuy nhiên, việc tái khởi động dự án đê biển khổng lồ Vũng Tàu - Gò Công vẫn bị hoài nghi.

Sau hơn 7 năm “im hơi lặng tiếng”, mới đây, dự án xây dựng tuyến đê biển khổng lồ Gò Công - Vũng Tàu vừa được Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và lãnh đạo TP.HCM tái khởi động. Theo nhóm tác giả dự án, đây là một giải pháp trong chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) cho đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), và giải quyết tình trạng úng ngập ở TP.HCM.

“Siêu” đê kiểm soát triều, chống lũ, xâm nhập mặn

Trong 4 phương án tuyến được nghiên cứu và tính toán, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chọn phương án được đánh giá là tối ưu với tuyến đê biển từ Gò Công đến Vũng Tàu, nối tiếp với tuyến đê nhánh đi vào rừng Cần Giờ.

Tuyến đê biển chính Vũng Tàu - Gò Công dài khoảng 28km, đê phụ dài 13km, đê chống tràn ở rừng Cần Giờ 60km, với cống trên đê rộng 2.000m, âu thuyền trên đê rộng 33m, cống và âu thuyền trên sông Lòng Tàu rộng 200m. Phương án này sẽ tạo ra một hồ chứa nước rộng 43.000 ha, dung tích hữu ích 1,5 tỷ m3.

Theo phương án này, dự án ảnh hưởng trực tiếp đến vùng hạ du lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và một phần khu vực Đồng Tháp Mười, gồm 7 tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp và Tiền Giang. Dự án tham vọng chống lũ lụt, ngập úng, xâm nhập mặn, thoát lũ, phòng chống thiên tai và các tác động từ biển cho toàn vùng TP.HCM, Đồng Tháp Mười, khi mực nước biển dâng thêm 100cm, cho diện tích trên 1 triệu ha.

GS. Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, hiện là Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam và các cộng sự - là “cha đẻ” của dự án, đánh giá: tuyến đê sau khi được hoàn thành sẽ đảm bảo tiêu chuẩn chống ngập lụt cho khu vực TP.HCM ứng với tần suất lũ thượng nguồn 200 năm xuất hiện một lần, kiểm soát mực nước triều, chống xâm ngập mặn. Đồng thời là nơi dự trữ nước ngọt trong tương lai với một hồ chứa, khoảng 2,5 - 3 tỷ m3, chuẩn bị cho những biến động bất lợi do tác động từ thủy điện của các nước ở thượng nguồn.

Theo ông Học, đê biển giúp TP.HCM khai thác được 8.000ha trũng thấp, thường xuyên ngập nước, giảm thiệt hại với sản xuất nông nghiệp, giảm sạt lở bờ bao, giảm úng ngập phá hại cơ sở hạ tầng, gia tăng sản xuất kinh doanh, giảm chi phí y tế... Đối với vùng Đồng Tháp Mười, công trình giúp gia tăng sản xuất nông nghiệp, giảm thiệt hại do ngập lũ, cải tạo đất phèn, giảm chi phí bơm tát,..

Ngoài ra, khoảng cách giao thông từ TP.HCM đi Vũng Tàu, và từ miền Tây đi Vũng Tàu được rút ngắn còn 130km, và ngược lại, hiệu ích thuần mang lại nhờ có đê biển từ ngành giao thông và du lịch.

“Đây không chỉ là dự án thủy lợi thuần túy, mà còn là dự án phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Xét về mặt môi trường, các tác động tiêu cực của dự án thấp hơn so với các tác động của các phương án thay thế và có thể giảm thiểu được các tác động xấu”, ông Học nhấn mạnh tại hội thảo về dự án, diễn ra trong tháng 4.2018.

Nguy cơ xâm hại “lá phổi xanh” của TP.HCM

Tuy nhiên ngay từ khi được đề xuất, “siêu đê” đã vấp phải rất nhiều phản đối từ giới chuyên môn vì nguy cơ tác động tiêu cực, phá hủy môi trường quá lớn, đặc biệt đối với Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ - được xem là lá phổi xanh của TP.HCM.


Phân bố rộng và dài từ ven biển tỉnh Đồng Nai qua tỉnh Long An, rừng Cần Giờ như bức tường thành có vai trò giảm thiểu tác động của nước biển dâng, bảo vệ vùng ven biển khỏi tác động của bão, gió, nhiệt độ tăng; ngăn chặn hiện tượng xói lở; xử lý chất thải và và làm sạch nước…

Qua nghiên cứu, TS. Lê Xuân Tuấn, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đánh giá: công trình đê biển Vũng Tàu - Gò Công sẽ gây tác động tiêu cực lớn và rất lớn tới nhiều khu vực của Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Phần rừng ngập mặn ở các khu vực thuộc vùng giữa sông Soài Rạp và sông Lòng Tàu có thể bị chết hàng loạt vì chịu tác động mạnh nhất. Quá trình xây dựng sẽ tác động rất lớn đến vùng biển, phá hủy nền đáy, môi trường sống của hệ sinh thái ven bờ trong khu vực xây dựng và cả vùng lân cận,…

Ông Tuấn cho rằng, không nên xây dựng tuyến đê biển liên tục từ Vũng Tàu tới Gò Công, do tác động rất mạnh đến các hệ sinh thái rừng ngập mặn và biển ven bờ, thậm chí dẫn đến mất diện tích rừng ngập mặn rất lớn, kể cả vùng lõi khu dự trữ sinh quyển. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá chi tiết về tác động của tuyến đê với hệ sinh thái toàn vùng, đảm bảo sự ổn định của các yếu tố môi trường trong khu vực cửa sông Đồng Nai - Sài Gòn.

Giải pháp công trình nhiều hối tiếc

TS. Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Nước biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TP.HCM thẳng thắn: mục tiêu chống ngập của TP.HCM với dự án này là hoàn toàn không khả thi. Ông Phi nhận định: TP.HCM chắc chắn sẽ không hết ngập với một công trình “chống ngập do triều cường, do lũ, tạo mực nước thấp để tiêu thoát nước mưa” như đê biển Vũng Tàu - Gò Công. Thực tế hiện nay, ngay cả những lúc mực triều rất thấp, dưới 1m, có khi âm, thì TP.HCM vẫn bị ngập khi có mưa; chứ không chỉ triều cao mới ngập (hiện mức triều TP.HCM đã tăng lên 1,7m - PV). Đồng thời, khi “siêu đê” hạ thấp đỉnh triều thì sẽ nâng cao chân triều. Điều này có nghĩa thời gian thoát nước sẽ ngắn hơn, gây nhiều hệ lụy đến các hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ.

Cảnh báo Việt Nam đang đi ngược xu hướng thế giới tránh xây dựng những công trình lớn, giới chuyên môn cho rằng, đê biển Vũng Tàu - Gò Công là loại giải pháp công trình chắc chắn để lại nhiều hối tiếc về môi trường, kinh tế và xã hội.

Chuyên gia thủy lợi Nguyễn Ngọc Anh bày tỏ lo ngại, đê biển Vũng Tàu - Gò Công tuy có nhiệm vụ chính là tiêu thoát nước cho TP.HCM, song còn đóng vai trò tiêu thoát nước cho toàn lưu vực sông Đồng Nai và cả một phần lưu vực sông Mekong, thông qua sông Vàm Cỏ Tây. Lũ sông Mekong và sông Đồng Nai nhìn chung không cùng pha. Nếu gặp năm cùng có lũ lớn, khả năng tiêu thoát của cống qua đê biển là rất hạn chế. Nếu gặp năm sông Mekong lũ nhỏ, trong khi ĐBSCL rất cần trữ và giữ lũ, thì phải tiêu thoát nhanh ra biển do lưu vực Đồng Nai có lũ và mưa lớn.

Không chỉ vậy, theo GS. Nguyễn Ân Niên (Chủ tịch Hội Khoa học thủy lợi; nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam), “siêu” đê biển này còn nguy cơ làm thay đổi hẳn hình thái bờ biển phía Nam - đã được định hình trong hơn nghìn năm qua do tương tác giữa cửa hai hệ thống sông liền kề là Đồng Nai và Mekong. Công trình đê biển Vũng Tàu - Gò Công bịt cửa sông Đồng Nai sẽ gây gia tăng xu thế lở bờ sâu vào đất liền đang được báo động, nhất là trong tình trạng BĐKH và suy giảm nguồn phù sa (do các đập thủy điện và khai thác cát phía thượng lưu, hiện chỉ còn dưới 60% và ngày càng ít hơn của Mekong).

“Ngoài ra, mỗi khi mở cửa cống trong dự án, tốc độ qua cống lên tới 6 m/s là quá lớn để bảo vệ chống xói hạ lưu”, GS. Nguyễn Ân Niên phân tích.

Trao đổi với phóng viên Người Đô Thị, nhiều chuyên gia lo ngại khi đê biển hình thành, dù được vận hành mở linh hoạt hay biến thành hồ chứa nước ngọt (trong tương lai), thì TP.HCM vẫn dễ trở thành một hồ chứa nước thải khổng lồ từ cả lưu vực sông Đồng Nai và một phần Mekong, trong đó có nước thải sinh hoạt, công nghiệp từ các thành phố lớn gần hạ lưu như TP.HCM, Biên Hòa, Bình Dương, Tân An... chuyển xuống, mặc dù trong quy hoạch, các thành phố đều có nhà máy xử lý nước thải.

Kinh nghiệm cho thấy, hồ chứa của công trình ngăn cửa sông Saemangeum (Hàn Quốc) mới hoạt động chưa đầy chục năm đã phát sinh nhiều vấn đề về môi trường như lầy hóa, phèn hóa vùng hồ, ô nhiễm nguồn nước. Các đập ngăn cửa sông lớn đều phải trì hoãn xây dựng vì để giải quyết vấn đề môi trường, như đập ngăn vịnh Baltic cửa sông Neva đề xuất từ 1960, mãi tới 2006 mới tiếp tục xây dựng sau nhiều lần thay đổi kết cấu vì phải giải quyết vấn đề môi trường.


Về giao thông thủy, ông Nguyễn Ngọc Anh lưu ý, bên trong tuyến đê biển dự kiến hiện đang có 5 cảng biển lớn là Hiệp Phước, Cát Lái, Phú Mỹ, Tân Cảng - Thị Vải, đặc biệt Cái Mép - Thị Vải là cảng nước sâu có quy mô rất lớn, hiện đã có tàu trọng tải trên 100.000 tấn và quy hoạch với tàu 200.000 tấn cập cảng; và 3 cảng biển nhỏ của 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương.

Các tàu vào ra các cảng này thường đi theo 3 tuyến là Xoài Rạp, Lòng Tàu, và sông Thị Vải. Vậy, liệu tuyến đê biển này có thể giải quyết "thông tàu" cùng lúc cho 3 cụm cảng trên với hơn chục tàu lớn vào/ra trong ngày chỉ bằng một âu tàu nhỏ theo dự kiến không?
Còn kỹ sư Vũ Hải, có hơn 50 năm làm việc trong lĩnh vực thoát nước và xây dựng, từng giảng dạy tại Đại học Bách Khoa và Đại học Xây dựng Hà Nội đánh giá, dự án “siêu đê” không chỉ gây ô nhiễm cho cả vùng vịnh Gành Rái; làm tăng chi phí duy tu nạo vét luồng lạch, mà dự án còn ảnh hưởng đến luồng cá đi, đẻ trứng làm giảm sản lượng khai thác đánh bắt cá... Ngoài ra, mục tiêu chống lũ, lụt và khả năng thoát lũ khó đạt yêu cầu như dự kiến của các tác giả.

Trước đó, các chuyên gia Hà Lan cũng đã cảnh báo về vấn đề vận hành công trình “siêu" đê, rất phức tạp, bởi nó liên quan đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng đến môi trường trong khi Việt Nam chưa đủ kinh nghiệm.

Tiền đâu thực hiện?

Với tổng vốn đầu tư của dự án Vũng Tàu - Gò Công là gần 74.000 tỷ đồng, các chuyên gia cho rằng: đây là một kinh phí quá lớn. Chưa kể, nhiều tính toán còn cho thấy, 74.000 tỷ đồng vào thời điểm hiện tại chỉ là con số cho xây phần thô, còn toàn bộ dự án phải mất tới khoảng 456.000 tỷ đồng. Dù nhóm tác giả dự án đề xuất Nhà nước góp 10 - 15% tổng vốn, số còn lại kêu gọi xã hội hóa, tuy nhiên lo ngại “tiền đâu làm?” là một trong những lý do lớn khiến giới chuyên môn đánh giá dự án không khả thi.

Thực tế hiện nay cho thấy, dự án xây dựng 6 đập và cống ngăn triều nhằm “giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM, có xét tới BĐKH”, do tập đoàn Trung Nam đầu tư, với tổng vốn 10.000 tỷ đồng đã phải tạm dừng thi công do nguồn vốn chậm được giải ngân; và chưa biết đến khi nào hoàn thành. Dự án này nằm trong Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM (gọi tắt: Quy hoạch 1547). Quy hoạch 1547 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008, nhưng cũng vì thiếu vốn, mãi đến năm 2016 mới bắt đầu được triển khai giai đoạn 1 bằng dự án Trung Nam nói trên. Tổng vốn đầu tư Quy hoạch này hiện đã đội lên khoảng hơn 70.000 tỷ đồng.

Cũng theo đánh giá của giới chuyên môn, ý tưởng đê biển Vũng Tàu - Gò Công là một sự “quay ngoắt”, phủ nhận Quy hoạch 1547 đang được triển khai thực tế hiện nay.

“Chúng tôi cho rằng nên chấm dứt việc nghiên cứu dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công. Nếu thực hiện dự án này thì Quy hoạch 1547 không cần thiết nữa, và không có lý do gì tồn tại song song 2 dự án tốn tiền cho cùng một mục đích.”, kỹ sư Vũ Hải kiến nghị.

Bạn đang đọc bài viết Chống ngập TP.HCM: Tranh cãi “siêu” đê biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Người Đô thị

Cùng chuyên mục

Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.
Khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi
Những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá ổn định, song chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, chất thải từ chuồng trại của nhiều nông hộ, gia trại, trang trại gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.